Game đi cảnh có vài định nghĩa khác nhau, nhưng cơ bản thì trong game này bạn sẽ được điều khiển nhân vật vượt chướng ngại vật. Thường thì những màn chơi sẽ không được thiết kế bằng phẳng mà sẽ có các địa hình cao thấp khác nhau, buộc người chơi phải dùng các kỹ năng của nhân vật để tìm cách qua màn. Để tăng tính hấp dẫn và mới lạ cho thể loại này, các nhà phát triển còn bổ sung một số yếu tố gameplay vay mượn từ những thể loại khác như giải đố, metroidvania. Thậm chí, một số game đi cảnh còn được đầu tư rất nhiều vào cốt truyện, tạo ấn tượng sâu đậm trong lòng fan. Để minh họa cho những điều này, sau đây mời các bạn điểm qua top 10 tựa game đi cảnh hay nhất trên PC.
Cuphead
Phần hình ảnh của tựa game đi cảnh này lấy cảm hứng từ phim hoạt hình thập niên 30 mang đến cảm giác rất đặc biệt mấy bạn ạ, nó hoài cổ, độc đáo, thú vị và rất đặc trưng gần như không thể tìm thấy ở tựa game nào khác. Nếu hồi nhỏ bạn có xem những phim hoạt hình của Looney Tunes (Bugs Bunny, Daffy Duck) thì sẽ thấy Cuphead nhìn y chang kiểu vậy. Ngoài ra thì thời này còn có nhạc jazz nên nhà phát triển cũng cho nó vào game luôn, góp phần tạo nên một "bầu không khí" không khác gì những năm "1900 hồi đó".
Đương nhiên là game không chỉ có đồ họa trau chuốt tỉ mỉ, lối chơi cũng được cộng đồng game thủ đánh giá rất cao. Game chơi kiểu bắn súng 2D giống như trò Contra huyền thoại vậy. Bạn có thể đi lẻ hoặc cùng với đồng đội bắn quái và hạ mấy con trùm trong khi ráng mà né đạn của chúng nó. Và do là game 2D nên tựa game rất nhẹ, hầu hết máy tính đều cần tốt luôn.
Super Meat Boy
Game đi cảnh thách thức giới hạn của game thủ thì không thiếu, nhưng riêng Super Meat Boy thì nổi bật hơn hẳn nhờ có nội dung cực kỳ phong phú các bạn ạ. Nhân vật chính của chúng ta chỉ có đúng các kỹ năng cơ bản như chạy, nhảy, nắm... và bạn phải điều khiển Meat Boy vượt qua hàng tá chướng ngại vật nguy hiểm, hàng loạt tình huống ngàn cân treo sợi tóc để giải cứu người yêu Bandage Girl.
Game có phong cách retro 16-bit đầy hoài niệm nên trong làng indie hầu như ai ai cũng biết đến Super Meat Boy. Đây cũng là nguồn cảm hứng cho những tựa game khó hơn ra mắt sau này. Super Meat Boy không những là một trong những top game khó, mà nó còn được nhiều người nhận xét là một trong những game có nhân vật chính chết đi sống lại lên đến hàng chục ngàn lần. Tuy chỉ là game đi cảnh 2D thôi, nhưng bạn sẽ bị thiêu đốt, đâm xuyên bụng, kẹp bẹp dí, và nghiền nát thành trăm mảnh hết lần này đến lần khác không thua gì những tựa game bom tấn AAA đâu.
Celeste
Celeste không chỉ đơn thuần là một tựa game đi cảnh với nhiều màn đầy thử thách, mà nhìn tổng thể, nó còn là tựa game thổi một luồng gió mới vào thể loại đi cảnh – giải đố. Game được thiết kế với nhiều cơ chế mới lạ đầy sáng tạo và cũng không kém phần... ức chế. Bạn sẽ bắt gặp những chiếc bong bóng giúp phóng nhân vật chính lên vị trí cao hơn (hoặc là phóng vào… bụi gai nhọn hoắt), những đám mây trôi bồng bềnh giúp bạn nhảy xa hơn nếu biết cách canh thời gian cho thật chuẩn xác. Cứ mỗi màn chơi là sẽ có một cơ chế mới cho bạn khám phá.
Hành trình khám phá ngọn núi Celeste của Madeline gặp rất nhiều khó khăn vì cô luôn gặp phải những điều kỳ lạ, thậm chí là đi vào những giấc mơ trong hình dáng kỳ quái và ghê rợn. Bên cạnh đó, tựa game này còn mang đến những thông điệp đầy ý nghĩa liên quan đến nghị lực của con người trong việc vượt qua khó khăn trong cuộc sống, cũng như những vấn đề tâm lý mà ai cũng gặp phải. Tuy đây là một tựa game sử dụng đồ họa pixel dễ thương nhưng nó lại mang đậm chất giáo dục và đầy tính nhân văn.
Crash Bandicoot N. Sane Trilogy
Crash Bandicoot N. Sane Trilogy là phiên bản remaster 3 trong 1 của Crash Bandicoot, Cortex Strikes Back và Warped. Có thể nói dòng game Crash Bandicoot là một trong những ví dụ điển hình cho thể loại đi cảnh 3D vào giữa thập niên 90: Bạn sẽ tiêu diệt phần lớn kẻ địch bằng những đòn tấn công xoay người, hoặc là bằng cách nhảy lên đầu của đối phương. Game cũng có rất nhiều khu vực bí ẩn và những món đồ cho bạn sưu tập. Bản remaster này thậm chí còn bổ sung thêm một số màn chơi, cho phép game thủ khám phá nhiều thứ hơn so với bản gốc.
Ngoài gameplay đã làm nên tên tuổi, Crash Bandicoot N. Sane Trilogy còn cho phép người chơi được trải nghiệm một hòn đảo đẹp mắt hơn, biển trời rộng lớn, thú vật đa dạng, hiệu ứng hài hước cùng âm thanh sống động, vui vẻ, mang lại tiếng cười cho bất kỳ game thủ nào. Trải nghiệm sự mượt mà và sắc nét của tựa game cũng là đủ để khiến những fan gạo cội của Bandicoot phải xúc động. Và nếu để so về sự khác biệt của đồ hoạ, chắc chắn nó đã tốn không ít công sức và sự đầu tư của nhà phát triển.
Sonic Mania
Sonic Mania đã giữ lại những gì hay ho nhất trong bộ 3 trilogy Sonic đầu tiên và dung hợp với nhau, tạo ra phần Sonic Mania khiến fan gạo cội lẫn game thủ mới làm quen cũng đều gật đầu hài lòng. Phần Sonic này đã remix lại một số màn chơi trứ danh của dòng game Sonic, cùng với đó là tạo ra thêm một số nội dung mới mang tính sáng tạo.
Vì các màn chơi trong phần này được được remaster và remix lại từ những phần trước, cho nên người chơi cũng sẽ được trải nghiệm những màn trứ danh của "tiền bối" với đồ họa và gameplay được cải thiện đáng kể. Và đây cũng chính là một trong những yếu tố tiên quyết khiến rất nhiều fan hâm mộ quyết định quay lại gắn bó với chú nhím xanh Sonic, đồng thời cho series này thêm một cơ hội nữa để tiếp tục hành trình sau những lần thất bại thê thảm.
Nguồn PCGamesN biên dịch GVN360