Những chiếc máy chơi game chính là một trong những phần ký ức đẹp đẽ nhất trong tuổi thơ, tuổi trẻ của mỗi game thủ chúng ta. Tuy nhiên thì cái gì cũng có "mặt tối", và sau đây là 8 ví dụ điển hình cho điều đó. Anh em xem có chuẩn không nhé!
8. Nintendo 64 – Cần Analog tự lệch
Cần điều khiển của Nintendo 64 luôn là một thứ gì đó khá là dở người.
Thiết kế 3 chấu của nó khá là tuyệt vời cho mấy thanh niên dị nhân có 3 tay nhưng với người bình thường thì nó lại hơi khó hiểu một chút. Tuy nhiên, cái đó chỉ là bề nổi thôi. Thứ mang nó vào danh sách này lại là cái cần Analog cơ.
Nó là một thứ để người ta dùng liên tục nhưng lại không được thiết kế để làm chuyện đó. Nó sẽ lỏng lẻo theo thời gian và sẽ tự nghiêng về một hướng bất kỳ nào đó. Lúc này thì game thủ sẽ phải tự nghiêng cần để bù cho độ ngu của cái cần. Còn nếu không làm như vậy thì nó sẽ tự động điều khiển nhân vật của bạn luôn.
7. Nintendo 3DS – Cái màn hình không động cũng tự vỡ
Lại là Nintendo, nhưng lần này là cái màn hình.
Điều tuyệt vời nhất về thiết kế máy chơi game cầm tay này là nó hướng đến mục đích làm cho màn hình máy bền hơn. Thiết kế vỏ sò sẽ gập 2 màn hình lại với nhau và bạn sẽ yên tâm khi ném chiếc máy này vào balo mà không sợ màn hình của nó bị vỡ hay bị trầy.
Tuy nhiên, trên thực tế thì nó lại không được như vậy.
Màn hình chính lớn hơn màn hình cảm ứng phía dưới khá nhiều. Khi bạn gập máy thì đường viền của màn hình cảm ứng sẽ áp sát vào tấm nền của màn hình chính. Và chỉ cần bạn cho chiếc máy vào chỗ nào đó mà để nó chịu áp lực lớn một chút (như trong một cái balo chật chội chẳng hạn) thì viền màn hình dưới sẽ cấn vào và gây vỡ màn hình trên.
Nintendo đã sửa lỗi thiết kế này với phiên bản 3DS XL nhưng nó cũng chẳng có ý nghĩa gì nhiều. Dù sao thì những người dùng trước đó đã từng tin tưởng Nintendo cũng đã lãnh đủ rồi.
6. Sony PlayStation – Vấn đề quá nhiệt, đầu đọc "mát dây"
Ai cũng có lần đầu mà, đúng không?
Sony đã gây bão trên toàn thế giới khi ra mắt máy PS1 của mình vào năm 1994. Chiếc máy console này đã mang đến cho game thủ những tựa game tuyệt vời như Metal Gear Solid, Final Fantasy VII cùng nhiều siêu phẩm khác.
Ít nhất thì nó cũng chạy được… thường là vậy…
Những chiếc máy PlayStation đời đầu thường có xu hướng quá nóng vì khe thoát khí được đặt phía dưới. Việc đọc đĩa CD cũng thường xuyen gặp vấn đề vì đầu đọc Laser khá dễ xuống cấp. Và nó phổ biến đến nỗi mấy game thủ thời đó đã phải nghĩ ra đủ trò và cố gắng hùng hục trùng trong hàng giờ liền chỉ để nó chạy và cho họ chơi game. Người ta còn đồn với nhau rằng lật ngược máy lên sẽ giúp nó dễ đọc đĩa hơn, số khác thì lại dùng ngón tay quay đĩa rồi bắt đầu cầu nguyện với đủ loại thần thánh.
Nhưng không sao, nhìn chung quy thì PS1 vẫn là một dòng máy rất thành công.
5. Nintendo Wii U – Chỉ nhìn thôi cũng hết pin
Thêm một chút pin thì có chết ai đâu chứ?
Sau thành công của máy Wii, Nintendo đã quyết định tận dụng lợi thế của máy chơi game cầm tay. Đó là một chiếc máy game với màn hình 6 inch và đáng lẽ nó đã rất tuyệt vời nếu không dính dáng đến vấn đề pin.
Đáng buồn là Nintendo đã tiết kiệm hơi bị quá đáng khi thiết kế pin cho chiếc máy này, Nếu bạn mở bung nó ra thì bạn sẽ thấy vẫn còn một không gian trống lớn hơn nhiều cho pin ở đó. Rõ ràng là nó đã được thiết kế cho một viên pin lớn hơn nhưng Nintendo đã không làm vậy. Đáng lẽ thời lượng pin phải là khoảng 6 đến 12 tiếng thay vì chỉ 3 đến 6 tiếng như vậy. Trên thực tế là bạn vẫn có thể tăng lượng pin lên đến mức đó nhưng vấn đề là bạn phải mua thêm một viên pin rời của Nintendo.
Lấy một cái máy, xẻ ra làm 2 phần và kiếm tiền 2 lần, easy money. hay lắm Nintendo.
4. Sony PlayStation 2 – Lại là lỗi đọc đĩa
Lần đầu thì lỗi một chút, không sao, nhưng đến lần thứ 2 mà vẫn cùng một lỗi như thế thì…
Có vẻ như Sony đã không rút được tí kinh nghiệm nào từ đời PlayStation đầu tiên của họ. PS2 cũng gặp vấn đề tương tự. Từ đầu những năm 2000 thì cả thể giới đã bắt đầu sốt lên vì tin đồn thế hệ PS tiếp theo sẽ ra mắt. Nó cũng đọc được cả đĩa DVD rất tân tiến vào thời điểm đó.
Khi PS2 được ra mắt, nhiều người đã phải "combat" với nhau bằng răng và móng tay theo đúng nghĩa đen, cố gắng mua nó càng sớm càng tốt chỉ để có được một cục gạch dở hơi cực kỳ kén đĩa. Người ta đã kháo nhau đủ mọi cách từ đặt dọc nó trên bàn cho đến việc mang dán nó lên tường hay thậm chí là tháo bung máy ra để lau chùi mắt đọc mỗi khi nó lại dở chứng. Nói chung thì PS chính là một ví dụ điển hình cho việc nhà phát triển phải biết lắng nghe người dùng thì mới thành công được.
3. Máy NES – Vấn đề về bụi
Nhiều khi ngồi chùi bụi còn mất thời gian nhiều hơn là chơi game nữa
Máy NES chắc chắn là một trong những chiếc máy console quan trong nhất mọi thời đại. Nó đã mở đường và khởi động toàn bộ nền công nghiệp game, mang đến những tựa game kinh điển làm nên cả tuổi thơ của nhiều người. Tuy nhiên khi chơi càng vui thì bạn sẽ lại càng bực bội khi nó từ chối cuốn băng game yêu thích của bạn cả chục hay thậm chí là cả trăm lần.
Cơ chế gắn băng game là bạn sẽ mở nắp máy lên, đẩy băng vào rồi ấn xuống, sau đó đó đóng nắp máy lại. Thường thì nó hoạt động tốt nhưng đó là chỉ trong môi trường "vô trùng". Vấn đề là chỉ cần dính một xíu bụi vào đầu đọc hoặc băng game thôi là mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ. Nếu bạn đã từng dùng cả thanh xuân để chùi bụi cho máy NES thanh xuân đó của bạn cũng thật tuyệt vời đấy.
2. Game Boy Advance – Không có đèn nền
Lại là mấy ông kỹ sư thiên tài bên Nintendo
Hồi xưa đèn nền trên máy chơi game cũng không phổ biến đâu. Nhưng mà sau khi Nintendo ra mắt đời máy kế nhiệm của máy game boy huyền thoại là không có đèn nền thì người ta mới nhận ra vấn đề của nó. Máy game boy đời đầu cũng không có đèn nền, tuy nhiên trong thời điểm nó ra mắt thì nó cũng đã đủ tốt rồi, vấn đề ở đây là Game Boy Advance đã ra đời vào một thời điểm rất khác.
GBA dùng pin AA, vì thế nên có thể Nintendo đã quyết định không sử dụng đèn nền để tối đa hóa thời lượng pin. Kết quả là màn hình rất tối và bạn chẳng thể nào chơi mà không cần ánh sáng môi trường được. Mang ra ngoài lúc trời tối một cái là coi như vô phương luôn. Đến năm 2004 thì Nintendo cũng phát hành phiên bản GBA có đèn nền nhưng mà cho đến lúc đó thì người dùng GBA đã phải trải qua những vấn đề khó chịu liên quan đến đèn nền của nó rồi.
1. Xbox 360 – "Red Ring Of Death"
Quả phốt console bự nhất mọi thời đại đây rồi
Xbox 360 là một chiếc console tốt và mạnh mẽ. Tuy nhiên nếu bạn mua những chiếc Xbox 360 đợt đầu thì chắc hẳn là bạn cũng đã phải trải qua nỗi ám ảnh kinh hoàng mà người ta vẫn gọi là "Red Ring Of Death".
Hệ thống báo lỗi nhanh của Xbox sẽ hiển thị thông qua vòng tròn xung quanh nút nguồn. Nếu máy của bạn bị lỗi phần cứng nghiêm trọng thì nó sẽ báo lỗi bằng cách sáng đèn đỏ 3 phần 4 vòng tròn xung quanh nút nguồn. hệ thống báo lỗi này khá thông minh nhưng lại tố cáo lỗi thiết kế của Microsoft. Nguyên nhân chủ yếu của nó là do hệ thống tản nhiệt yếu kém và lỗi mạch hàn. Sau khi hết bảo hành thì nhiều người đã phải tự tìm cách khắc phục sự cố vì Microsoft từ chối giải quyết.
Sau này khi áp lực từ dư luận tăng lên, Microsoft tuyên bố rằng tất cả Xbox 360 được mua kể từ khi ra mắt sẽ được bảo hành 3 năm. Họ sửa lỗi RROD miễn phí và hoàn tiền cho những người đã phải trả phí sửa chữa cho nó trước đây. Và việc đó đã làm cho Microsoft mất hơn 1 tỉ USD.
Đáng mừng là Microsoft đã biết nhìn nhận sai lầm của mình và cho ra đời Xbox One tin cậy hơn rất nhiều. Nó đã sống sót và tiếp tục học hỏi.
Theo Gearvn