Trải nghiệm không khí Halloween với những cái tên tiêu biểu nhất làng game kinh dị trong 10 năm qua - PC/Console

Tháng 10 là thời điểm thích hợp nhất để chơi game kinh dị nhờ dịp lễ Halloween, vì vậy, Mọt tui quyết định thực hiện bài viết này để hù bạn đọc cho vui.

Chúng ta đã trải qua tháng 10, tháng “Spooky October” với dịp lễ hội Halloween hoành tráng ở các nước phương Tây. Nếu bạn đang sống ở Việt Nam nhưng cũng muốn trải nghiệm dịp lễ hội đặc biệt này, không có một lựa chọn nào tuyệt vời hơn là những tựa game kinh dị. Lý do rất đơn giản: game vượt trội hẳn so với phim ảnh và sách truyện bởi nó cho phép bạn hóa thân vào nhân vật để trải nghiệm bầu không khí xung quanh mình một cách trực quan bằng cả mắt lẫn tai, khiến mọi thứ chân thực hơn hẳn. Vì vậy, hãy để Mọt tui giới thiệu với các bạn những tựa game kinh dị mà Mọt cho là “bá cháy” nhất trong khoảng thời gian từ 2010 đến nay nhé!

Slender: The Eight Pages

Đây là một tựa game kinh dị có thể rất ít người biết đến. Slender: The Eight Pages chỉ là một tựa game indie miễn phí với đồ họa “bèo nhèo” được phát triển dựa trên một câu chuyện creepypasta hồi đầu những năm 2010, đưa bạn vào một khu rừng tối tăm trong đêm. Thứ duy nhất mà bạn có trên tay là một chiếc đèn pin nhỏ mù mờ, nhưng lại buộc phải lang thang trong rừng để tìm tám trang giấy trong khi bị con quái vật Slenderman bám đuổi.

Trong quá trình chơi tựa game này, bạn sẽ luôn cảm thấy căng thẳng và hồi hộp bởi bạn biết rằng gã Slenderman luôn ở đâu đó quanh mình, chờ dịp để hù dọa. Hãy chú ý “gồng cơ đít, thít cơ mông” để tránh việc làm bẩn sàn nhà, bạn nhé!

Dead Space 1+2 (không tính 3)

Dù đã “chết,” thương hiệu Dead Space vẫn là một trong những tựa game kinh dị mà game thủ cực kỳ yêu thích, thể hiện qua… những lời yêu cầu làm video trên kênh YouTube của Kênh Tin Game. Game có những trò hù dọa mới mẻ và ghê rợn, đi kèm với bầu không khí áp lực nặng nề được điểm xuyết cùng tiếng lộc cộc, gào rú của lũ quái vật Necromorph luôn khiến game thủ phải căng thẳng đề phòng.

Vì vậy, ngay cả khi bạn đã cày qua series này, Mọt vẫn khuyên bạn nên chơi lại hai phiên bản đầu của Dead Space và bỏ qua bản 3, bởi nó quá thiên về hành động và là một trong những lý do khiến trò chơi không đạt được doanh thu mà EA mong muốn.

Resident Evil 2 Remake

Là phiên bản làm lại của một tựa game kinh dị thuộc hàng kinh điển, Resident Evil 2 Remake đưa game thủ trở về với thành phố Raccoon và những địa điểm quen thuộc như sở cảnh sát hay đường cống ngầm, nhưng với một thay đổi lớn lao: giờ đây bạn sẽ thưởng thức trò chơi với góc nhìn thứ ba từ sau lưng nhân vật. Kết hợp cùng nền đồ họa hiện đại với các công nghệ thời thượng, lũ zombie nguy hiểm và ranh ma hơn (trèo xuống từ ống thông gió, lao vào từ cửa sổ…), Resident Evil 2 Remake gần như không để cho game thủ có cơ hội được thả lỏng khi lang thang qua các căn phòng u ám và những hành lang dài của nó. Nếu muốn được thuyết phục kỹ hơn trước khi cài đặt game, bạn có thể ghé qua bài review mà đồng nghiệp của Mọt đã thực hiện nhé!

Outlast 1, 2

Red Barrels cho thấy họ biết cách làm cho game thủ “dựng tóc gáy” với tựa game kinh dị Outlast của mình, trong khi các thương hiệu kinh dị khác dần biến thành game hành động. Outlast xóa bỏ mọi cơ chế tự vệ của nhân vật chính, buộc game thủ luôn cảm thấy yếu ớt và tuyệt vọng trong khi kẻ thù vây đuổi xung quanh. Trong Outlast, game thủ không thể đánh bại hay xua đuổi kẻ thù, mà chỉ có thể chui lủi, trốn tránh và… cầu nguyện chúng không phát hiện ra mình. Chưa hết, game còn buộc bạn phải rời xa ánh sáng – thứ thường mang lại cảm giác an toàn trong những tựa game kinh dị khác, bởi bạn không thể để những kẻ tâm thần xung quanh phát hiện ra bản thân.

Từ thành công của Outlast, Red Barrels tiếp tục tạo ra Outlast 2 với lối chơi tương tự, khi nhân vật chính chỉ có một chiếc camera trong tay và phải tìm cách trốn thoát cùng vợ mình bằng những thứ có trong môi trường – gầm giường, tủ quần áo, hồ nước, đám cỏ cao hay cánh đồng bắp “kinh điển” trong thể loại kinh dị. Game cũng khá thành công và khiến Red Barrels công bố Outlast 3 hồi cuối năm 2017, dù hiện tại chưa có thông tin nào về ngày phát hành hay nền tảng của trò chơi.

Layers of Fear

Trò chơi này hơi khác biệt đôi chút với những tựa game khác trong bài viết này. Nó không ép bạn vào quá nhiều tình huống phải chiến đấu hay trốn chạy, mà chủ yếu tạo ra sự kinh dị từ trong tâm linh khi khiến người ta dần dần nhận ra nhân vật chính mà mình đang điều khiển là một kẻ ghê tởm và đáng sợ đến mức nào, cũng như sự bất ổn mà những vật phẩm xung quanh bạn đem lại. Một cánh cửa mà bạn vừa đi qua có thể không tồn tại ở đó, hay căn phòng bất ngờ thay đổi khi bạn nhìn lại phía sau lưng mình. Game hơi lạm dụng các tình huống hù dọa kiểu “hú hồn” (jump scare) và phần điều khiển không được mượt mà, nhưng bù lại nó có một cốt truyện hấp dẫn xoay quanh sự thất bại của nhân vật chính và phần giải đố thú vị, cộng thêm hình ảnh đầy tính nghệ thuật xứng đáng để bạn ghé qua.

Until Dawn

Đây là một tựa game kinh dị chơi đơn nhưng có thể được trải nghiệm với một nhóm bạn (bằng cách thay phiên điều khiển nhân vật), nhưng không vì thế mà nó bớt ghê rợn bởi trò chơi đi theo phong cách của bộ phim Friday the 13th. Trong Until Dawn, 8 game thủ sẽ điều khiển một nhóm 8 cô cậu tuổi teen tìm cách sống sót trên đỉnh núi Blackwood, trong khi bị săn lùng và tiêu diệt từng người, từng người một. Những tình huống trong game được thiết kế để tạo ra những hậu quả khó lường, có thể gây ra mâu thuẫn và nghi kỵ giữa các thành viên trong nhóm và cuối cùng khiến họ trở thành nạn nhân của kẻ giết người. Điều đáng tiếc duy nhất là trò chơi này chỉ được phát hành trên PS4 chứ không tồn tại trên Xbox One hay PC.

Minecraft - 10 năm hành trình của Notch và của tôi
Kể từ ngày Markus Persson đăng tải bản alpha đầu tiên của Minecraft, 10 năm đã trôi qua và tựa game nhỏ ban đầu đã trở thành gã khổng lồ bao phủ thế giới.

Alien: Isolation

Khác với “siêu phẩm” Alien: Colonial Marines của Gearbox, tựa game Alien: Isolation là một siêu phẩm không cần dấu ngoặc kép. Nó là một trong những tựa game kinh dị hay nhất trong nhiều năm trở lại đây và có thể khiến những game thủ “thần kinh thép” cũng phải rú lên vì sợ hãi.

Trong Alien: Isolation, game thủ điều khiển Amanda Ripley và giúp cô tìm kiếm mẹ mình, Ellen Ripley. Các manh mối tìm được dẫn Amanda đến với trạm không gian Sevastopol bị bỏ hoang với vài người sống sót và một con Alien lang thang khắp vùng. Đây là kẻ địch duy nhất của trò chơi, nhưng bạn không bao giờ có thể an toàn với nó. Đội ngũ phát triển đã trao cho con Alien này khả năng học hỏi hành động của người chơi, nên nó chắc chắn sẽ tìm được Amanda nếu bạn chỉ biết dùng đi dùng lại những phương thức trốn tránh cũ. Amanda chỉ có thể tạm thời đánh đuổi kẻ thù đáng sợ này trong một thời gian ngắn trước khi nó trở lại, nên bầu không khí của game luôn luôn căng thẳng đến rợn người.

SOMA

SOMA cũng là một tựa game kinh dị với kẻ địch mà bạn không thể chiến thắng. Trong SOMA, bạn vào vai Simon Jarrett, một người tự nguyện tham gia vào một nghiên cứu não bộ mới sau vụ tai nạn giao thông xảy đến với mình. Tuy nhiên khi đang được chữa trị, một điều bất ngờ xảy ra khiến anh tỉnh dậy trong PATHOS-II, một trung tâm nghiên cứu ngầm dưới đáy nước. Nơi đây đang bị chiếm lĩnh bởi lũ robot có hành vi kỳ lạ và những sinh vật nửa người nửa máy đáng sợ, nhưng may mắn là nhân vật chính nhận được sự giúp đỡ của Catherine, người sống sót duy nhất trong căn cứ này. Mục tiêu của bạn là tìm hiểu xem mình đang ở đâu, điều gì đã xảy ra và hơn thế nữa.

Resident Evil 7 VR

Trong Resident Evil 7, game thủ cùng nhân vật chính Ethan Winters lùng sục khắp mọi ngõ ngách của căn nhà mà gia đình Baker đang sinh sống để tìm kiếm người vợ bị mất tích của mình. Trò chơi hào phóng trao cho bạn những món vũ khí như súng lục, shotgun, thuốc nổ và cả… súng phun lửa, nhưng chúng chẳng hề giúp bạn yên tâm khi gặp mặt những thành viên quái gở của nhà Baker, đó là còn chưa kể đến những con quái nấm gọi là Molded. Bạn có thể đánh gục những kẻ thù này, nhưng chúng luôn luôn trở lại tìm cơ hội để kết liễu người chơi.

Với gameplay như vậy cộng thêm góc nhìn người thứ nhất thay vì thứ ba, Resident Evil 7 vốn đã đủ đáng sợ. Nhưng nếu bạn có điều kiện, hãy thử đeo cặp kính VR lên và khởi động tựa game kinh dị này để có một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt cả về âm thanh lẫn hình ảnh. Trò chơi có thể khiến bạn quên rằng mình đang ở giữa bốn bức tường quen thuộc mà lầm tưởng rằng mình đang lạc lõng đâu đó trong căn nhà kinh khiếp của gia đình Baker.

Lời kết

Dĩ nhiên “9 người 10 ý,” danh sách của Mọt không phải là danh sách tất cả những tựa game đỉnh nhất vì còn có hàng loạt cái tên khác cũng rất hấp dẫn như P.T., Amnesia, Detention, Little Nightmare… Nhưng hi vọng rằng những tựa game được nhắc đến trên đây sẽ giúp bạn có một mùa Halloween “chuẩn không cần chỉnh” với chiếc máy chơi game của mình.

Siêu phẩm kiếm hiệp hot nhất cuối năm 2019 – Bấm liền tay nhận ngay quà tân thủ: https://go.onelink.me/WOzv/MotGame