Chilla’s Art không quá xa lạ với chúng ta bởi đến thời điểm hiện tại hãng game này đã mang đến 16 tựa game hấp dẫn nhưng không kém phần kỳ dị được lấy cảm hứng từ các truyền thuyết đô thị Nhật Bản. Trong video hôm nay, anh em hãy cùng tôi điểm lại 5 truyền thuyết đô thị mà Mọt cảm thấy thú vị nhất trong các tựa game của nhà Chilla’s Art nhé.
The Radio Station – Địa ngục của Tomino
The Radio Station ra mắt vào tháng 10 năm 2021, tựa game là câu chuyện về quá trình tìm kiếm sự thật của Haruo Onikawa khi người em trai Masaki đột ngột qua đời. Masaki đang làm phát thanh viên tại đài phát thanh địa phương và mọi manh mối đều dẫn Haruo đến một bài thơ bí ẩn. Sau này ta sẽ biết rằng bài thơ được được lấy cảm hứng từ câu chuyện kinh dị “Địa ngục của Tomino”.
“Địa ngục của Tomino” là truyền thuyết đô thị về một bài thơ bị nguyền rủa. Bất kỳ ai đọc to bài thơ thành tiếng đều sẽ đón nhận những hậu quả thảm khốc, tuy nhiên đó chỉ là một lời đồn đãi chưa được chứng thực. Tác giả thật sự của bài thơ này là Saijou Yaso, ông cũng là người sáng tác ra nhiều bài đồng dao hoặc những bài thơ nổi tiếng cho trẻ em Nhật.
“Địa ngục của Tomino” là bài thơ nằm trong tuyển tập thơ Sakin xuất bản năm 1919 của Yaso. Vì nhà thơ từng sống ở Pháp một thời gian nên các tác phẩm của ông chịu ảnh hưởng rất nhiều từ trường phái thơ tượng trưng của quốc gia này. Thế nên bề ngoài bài thơ “Địa ngục của Tomino” có vẻ dành cho trẻ con, nhưng thực tế nội dung đen tối của nó lại phản ánh những điều trái ngược.
Toàn bộ nội dung trong “Địa ngục của Tomino” là câu chuyện kỳ lạ về cậu bé Tomino và gia đình của cậu ta, được miêu tả bằng nhiều từ ngữ kỳ quặc. Rất nhiều giả thuyết được đặt ra, mà Mọt tôi thấy nhiều nhất là câu chuyện về việc Tomino đã nhẫn tâm ra tay sát hại gia đình. Sau đó cậu bé đã bị đày xuống địa ngục để gánh chịu những hình phạt tàn khốc nhằm chuộc lại lỗi lầm năm xưa.
Tuy nhiên có một điều chúng ta đã quên, đó là thơ của Saijou Yaso chịu ảnh hưởng của trường phái thơ tượng trưng. Vậy nên nội dung thật sự mà “Địa ngục của Tomino” muốn truyền đạt có vẻ như không nằm trên mặt chữ. Theo một bài báo phỏng vấn, Saijou cho biết bài thơ này được ông viết sau sự ra đi của người thân trong gia đình mình. Vậy nên “Địa ngục của Tomino” thật ra chỉ là bài thơ thể hiện sự đau khổ của Saijou khi mất người thân, cảm giác đó được ông ví von như hành trình xuống địa ngục.
Nhưng dù là như thế thì vẫn có nhiều người đã xác nhận rằng họ đã gặp phải một vài tai nạn trùng hợp sau khi thử đọc to bài thơ này. Bạn có muốn thử vận may không? Thử đọc to bài thơ “Địa ngục của Tomino” bằng tiếng Nhật xem sao. Biết đâu bất ngờ!
The Night Way Home – Ma nữ không chân Teke Teke
Trong The Night Way Home ra mắt tháng 8 năm 2021, ta sẽ vào vai cô nàng nữ sinh Rina đang trên đường về nhà, tuy nhiên đường về nhà hôm nay lại vô cùng xa lạ. Rina bị hồn ma một nữ sinh truy đuổi trên suốt đường đi, thậm chí đến cả khi về nhà, cô cũng không hề có cảm giác an toàn. Và linh hồn nữ sinh truy đuổi Rina, hay đúng hơn là chất liệu tạo nên The Night Way Home đến từ truyền thuyết về ma nữ không chân Teke Teke.
Hãy tưởng tượng bạn đang đi trên đường vào ban đêm, xung quanh không một bóng người, chỉ có ánh đèn đường lập lòe chớp tắt. Bất chợt một cơn gió lạnh thổi qua sau gáy, âm thanh “teke teke” vang lên giữa màn đêm vắng lặng. Bạn quay đầu nhìn lại nhưng không thấy ai. Bạn tiếp tục đi tiếp, tiếng teke teke vang lên càng lúc càng gần làm bạn không nhịn được quay lại thêm lần nữa. Lần này, bạn đã thấy được nơi phát ra âm thanh kia, đó là một cô gái bị đứt thân dưới đang bò lết trên đường.
Đó là thứ mà người Nhật gọi là Teke Teke và cũng tùy vào từng khu vực mà truyền thuyết về Teke Teke sẽ khác nhau. Có nơi nói Teke Teke là một cô gái qua đời do kẹt chân vào đường ray xe lửa, do tự vẫn vì tình, hoặc đáng sợ hơn là cô bị chính bạn trai mình đẩy ngã khi đoàn tàu lao đến. Tuy nhiên dù có mở đầu thế nào thì kết thúc câu chuyện, cô nữ sinh đó vẫn sẽ bị đoàn tàu chia ra làm hai và nửa phần dưới của cô ta không bao giờ được tìm thấy.
Linh hồn cô gái tội nghiệp sau đó sẽ trở thành một Onryo, tức linh hồn báo thù. Nó lang thang ở những khu phố xung quanh ga xe lửa bỏ hoang hoặc trong những con hẻm vắng người. Do mỗi khi di chuyển, linh hồn cô gái bị mất nửa thân dưới phải bò lê trên đất tạo thành âm thanh nghe như teke teke nên người ta mới gọi cô ta là Teke Teke. Tôi cho rằng chính vì điều đó mà trong game The Night Way Home, nhân vật tượng trưng cho Teke Teke luôn cố ngăn cản nữ chính đến gần đường ray xe lửa.
Theo truyền thuyết, tốc độ di chuyển của Teke Teke có thể lên đến 100km/h. Vậy nên nếu vô tình gặp Teke Teke trên đường vào buổi đêm, bạn sẽ có rất ít cơ hội chạy thoát. Nạn nhân sau đó sẽ bị Teke Teke chia làm đôi, cách chia thì bạn đoán xem. Người ta kể có thể cắt đuôi Teke Teke bằng cách đột ngột rẽ sang hướng khác. Hoặc đọc câu thần chú “Jigoku ni ochiru” với hàm ý trục xuất linh hồn quỷ dữ. Nhưng tốt nhất vẫn là tránh đến gần những ga tàu hỏa bỏ hoang vào buổi đêm…
The Caregiver – Câu chuyện về Thiên Cẩu
Nếu là một y tá tại nhà, bạn sẽ làm những gì để giúp đỡ bệnh nhân của mình? Câu chuyện trong The Caregiver xoay quanh cô nàng y tá Kuramoto Naomi đang làm việc tại một bệnh viện nằm ở ngoại ô thành phố. Naomi sau đó được giao việc chăm sóc cụ ông Koga Souichi tại nhà riêng của ông ấy, tuy nhiên những chuyện kỳ lạ bắt đầu xảy ra với Naomi từ khi cô bước chân vào căn nhà. Mọi manh mối của câu chuyện đều đang nhắm đến truyền thuyết Thiên Cẩu – Tengu.
Tengu là một sinh vật huyền bí tương đối nổi tiếng trong tín ngưỡng dân gian Nhật Bản. Ban đầu, Phật Giáo xem Tengu là một con quỷ chuyên gây rối, nơi nào có Tengu chứng tỏ nơi đó sắp có chiến tranh, có lẽ đó cũng là lý do Tengu đóng vai trò phản diện trong trò chơi The Caregiver. Tuy nhiên theo thời gian, hình ảnh của loài sinh vật này dần trở nên hiền lành hơn.
Đến ngày này, Tengu được xem là linh hồn bảo vệ những ngọn núi và các khu rừng ở Nhật Bản. Hình ảnh của Tengu được phát hiện sớm nhất vào khoảng thế kỷ thứ 6 và 7, đây cũng là thời điểm Phật Giáo bắt đầu du nhập vào Nhật Bản. Loài sinh vật này thường được mô tả có dạng người với cánh và móng vuốt cùng chiếc mỏ chim. Người Nhật gọi đó là Kotengu hay “Karasu Tengu” nghĩa là “Thiên Cẩu hình người mỏ quạ”.
Tuy nhiên, một số khác lại miêu tả Tengu có hình người, ăn mặc giống đạo sĩ và có một chiếc mũi dài. Đây đồng thời cũng là hình ảnh phổ biến nhất ta thường biết về Tengu, người ta gọi đó là “Hanataka Tengu”, tức “Thiên Cẩu hình người mũi dài”. Một số giả thuyết cho rằng Hanataka Tengu là phiên bản sau khi đã tiến hóa của Karasu Tengu, nhưng cũng có người cho rằng Karasu Tengu là cấp dưới và làm việc theo lệnh của Hanataka Tengu.
Ngoài ra, Daitengu hay các bạn thường quen với cái tên Đại Thiên Cẩu, là một trong tam đại yêu quái của Nhật Bản. Daitengu vừa được xem là vị phúc thần mang lại bình an, hạnh phúc, vừa bị xem là bị ác thần mang đến tai ương, chiến tranh. Vì khi xưa những hiểm họa tự nhiên luôn bị xem là do Tengu gây ra nên người dân khá tin vào sự tồn tại của sinh vật này. Trên khắp đất nước hoa anh đào cũng có rất nhiều đền thờ đặt tượng Tengu để thờ phụng.
Còn loài sinh vật này bắt nguồn từ đâu thì đó vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải, người xưa cho rằng sau khi các vị sư xấu xa chết, họ sẽ biến thành Tengu. Người ta còn truyền tai nhau rằng, khi xưa Daitengu thường bắt cóc con người, nhất là phụ nữ và các nhà sư để hành hạ, quấy rối, còn Karasu Tengu thì bắt con người về làm thức ăn.
Nhưng như tôi đã nói, theo thời gian, hình tượng của loài sinh vật này bắt đầu biến hóa nên dần dần chúng đã được xem là những vị thần bảo vệ núi rừng và được con người thờ phụng. Tuy nhiên, nếu có duyên gặp gỡ, liệu bạn có dám đối diện với loài sinh vật bí ẩn này không?
The Convenience Store – Ma nữ The Ring huyền thoại
Liệu bạn có tin một cuốn băng video có thể gieo rắc sự chết chóc đầy kinh hoàng cho những ai đã từng xem nó? Trong The Convenience Store của Chilla’s Art, ta đã từng thấy cảnh gã quản lý của nhân vật chính qua đời vì xem những cuốn băng bị nguyền rủa, chất liệu để tạo nên nội dung này chắc chắn không gì khác ngoài bộ phim kinh dị Ringu huyền thoại của đạo diễn Hideo Nakata.
Ringu chính thức ra mắt với khán giả vào năm 1998, dựa trên quyển tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Koji Suzuki xuất bản vào năm 1991. Câu chuyện trong Ringu kể về một cuốn băng video có khả năng tiễn những người xem nó sang thế giới bên kia trong vòng 7 ngày. Nhân vật chính của cuốn băng là ma nữ Sadako bò ra từ chiếc tivi nhấp nháy vào lúc nửa đêm.
Hãy tưởng tượng mà xem, bạn đang xem tivi và vô tình ngủ quên trên ghế sofa êm ái. Bạn đánh một giấc ngon lành trên chiếc sofa, căn phòng giờ chỉ còn mỗi bạn và ánh sáng từ chiếc tivi. Thế rồi một cô gái bò ra khỏi chiếc tivi. Cô ta có mái tóc dài rối bời, mặc bộ váy trắng bẩn thỉu. Kết hợp cùng thứ chất lỏng nhớp nháp chảy ra từ cơ thể và gương mặt vặn vẹo. Đó chắc chắn là cơn ác mộng khủng khiếp nhất bạn từng thấy trước khi lìa đời.
Trong phim, Sadako đã bị tiến sĩ Ikuma đánh bằng dùi cui và bị nhốt bên dưới một chiếc giếng cổ. Chính điều này đã tạo nên hình ảnh bò ra từ trong giếng đặc trưng của Sadako. Bên cạnh đó Sadako cũng tương tự như các Yurei. Tức là những linh hồn còn lảng vảng trên trần gian vì bị cấm sang thế giới bên kia, với hình ảnh đặc trưng là bộ tóc dài và chiếc áo trắng. Một câu hỏi nhỏ là nếu ai đó đưa cho bạn một cuộn băng bị nguyền rủa, liệu bạn có can đảm xem nó hay không?
The Closing Shift – Tên stalker biến thái
Và để khép lại video ngày hôm nay là câu chuyện trong The Closing Shift về cô nàng nhân viên xui xẻo bị một tên stalker rình mò theo dõi. Có thể thấy, khác với những phần game khác dựa trên các truyền thuyết đô thị, The Closing Shift lại được lấy cảm hứng từ vấn nạn rình mò phụ nữ vốn đang nhức nhối trong xã hội Nhật Bản và cả ở những quốc gia khác.
Vậy Stalker hay những kẻ bám đuôi là gì? Hãy hiểu đơn giản thế này, stalker là những kẻ lén lút theo dõi ai đó. Có nhiều cấp độ stalker từ nhẹ nhàng nhưng vẫn gây khó chịu như ngắm nhìn đối phương từ xa hay tình đơn phương. Cho đến nghiêm trọng như bắt cóc hoặc lén can thiệp vào những mối quan hệ và phá hoại cuộc sống của nạn nhân vì sự ám ảnh điên cuồng của kẻ bám đuôi.
Cũng chính vì mức độ nghiêm trọng đó mà hiện tại, mỗi khi nhắc đến stalker chắc chắn bạn sẽ nghĩ ngay đến một tên biến thái, thích can thiệp vào cuộc sống. Thậm chí là đe dọa mạng sống của bạn bởi hắn phát cuồng vì bạn. Đây là một mối nguy mà bạn phải cẩn thận, dù là nam hay nữ.
Trong hồ sơ của cảnh sát, có không ít những tên sát nhân biến thái từng stalk nạn nhân rồi bắt cóc, giam giữ hoặc ra tay sát hại họ và câu chuyện trong The Closing Shift được dựa trên những vụ án đó. Sự nguy hiểm của các stalker khó có thể lường trước được, nhất là khi chúng sẽ ngụy trang thành những người bình thường với dáng vẻ cực kỳ hiền lành và ẩn sau lớp mặt nạ là một con quỷ chính hiệu.
Hãy tưởng tượng bạn đột nhiên bị bắt cóc, tên hung thủ nói hắn đã theo dõi bạn từ lâu, từng lẻn vào phòng bạn khi bạn ngủ, ngắm nhìn bạn trên giường. Kinh dị hơn hắn còn nhặt lại những thứ bạn vứt vào thùng rác và sử dụng chúng để có cảm giác đang ở bên cạnh bạn. Hắn tự hào khoe đã nằm trên chiếc giường bạn thường nằm, dùng cái đĩa bạn từng ăn, đánh răng bằng bàn chải của bạn mà bạn không hề hay biết. Hắn đã xử lý bất cứ ai dám nói chuyện hay chạm vào bạn. Liệu điều đó có làm bạn cảm thấy sợ hãi hay không?
Và đó xem như là kết thúc cho chiếc video ngày hôm nay, cám ơn bạn đã theo dõi chủ đề này. Có nhiều bạn đề nghị Mọt hãy thử đào sâu vào những tựa game nổi tiếng tuy nhiên anh em hứng thú với những chủ đề như thế nào? Hãy để lại gợi ý bên dưới cho Mọt biết nhé, còn bây giờ thì xin chào, và hẹn gặp lại anh em trong những video sau, bye.
Theo dõi Kênh Tin Game để không bỏ lỡ những bài viết hay về game sắp tới nhé.