Tiếp nối các chuẩn wifi hiện có là WIFI4 và WIFI5, các nhà nghiên cứu đã và đang nghiên cứu để dần phổ biến một tiêu chuẩn mới là WIFI6 với rất nhiều ưu điểm tuyệt vời. Vậy WIFI6 là gì và điều gì khiến nó trở nên khác biệt so với các chuẩn WIFI cũ trước đây?
Về mặt lý thuyết, WIFI6 (802.11ax) có thể sử dụng dải tần số từ 1GHz đến 6GHz với tổng lượng băng thông lên đến 1GHz, lớn hơn rất nhiều so với chuẩn 2.4 GHz (802.11n) với băng thông chỉ 20MHz và 5GHz (802.11ac) với nhiều băng thông hơn một chút. Nhờ điều này mà chuẩn WIFI6 sẽ cho phép mở rộng khả năng truyền dữ liệu lên rất nhiều đồng thời sử dụng hiệu quả hơn phổ tầng cũ hiện đang có. Đồng thời, tiêu chuẩn mới cũng sẽ giúp giảm thiểu nhiễu loạn với các dịch vụ hiện hành. Giáo sư Maziar Nekovee đến từ đại học Sussex cho hay: "Hiện băng tần 6GHz đã được FCC (Ủy ban truyền thông Hoa Kì) cấp phép, và với băng tần này, bạn có thể hoạt động ở băng thông 120MHz. Và theo lý thuyết thì tăng gấp đôi băng thông, thì tốc độ truyền dữ liệu cũng theo đó mà được cải thiện rất nhiều."
Tuy nhiên, trong rất nhiều năm sử dụng thiêt bị liên kết mạng, khi người dùng rời xa bộ định tuyến, tốc độ truyền có thể giảm xuống khá nhanh. Đây vốn là hiệu ứng vật lý dễ hiểu khi một nguồn sóng vô tuyến hoặc ánh sáng phát ra theo mọi hướng, nếu người dùng đứng xa gấp đôi so với vị trí ban đầu, cường độ sóng giảm đi sẽ giảm đi bốn lần. Tuy nhiên, WIFI 6 có một số thủ thuật để cải thiện vấn đề này và nhiều cách trong số đó hướng đến một thế hệ mang di động mới là 5G. Ông Nekovee giải thích: "Hai công nghệ này có nhiều điểm tương đồng và học hỏi lẫn nhau. Ưu điểm của mạng 5G cho phép một lượng đầu vào/đầu ra rất lớn, do vậy tại các trạm phát sóng, người ta có thể đặt tới 64 ăn ten cho mạng 5G. Với WIFI 6, nó sẽ có 8 ăn ten cho phép hỗ trợ nhiều người dùng đồng thời hoặc cung cấp tất cả các luồng cho một số lượng người dùng nhỏ".
Ngoài ra, chúng ta còn có một giải pháp khác là OFDMA - truy cập đa phân chia tần số trực giao – cho phép bạn chia từng kênh WIFI thành các kênh con. Đây vốn là một tính năng có sẵn trên WIFI5, nhưng trong khi nó chỉ cho phép 52 kênh con trên mỗi băng tần 20MHz, WIFI6 cung cấp đến 234 kênh phụ. Điều này cho phép WIFI 6 phân chia băng thông giữa nhiều người dùng một cách hiệu quả và kích hoạt trở lại các kênh không sử dụng nhanh hơn cho người dùng nếu họ kết nối.
Một vấn đề khác cũng đang được nghiên cứu là ở khả năng "xuyên tường" của sóng WIFI. Theo vật lý cơ bản, thì khi tần số càng cao thì bước sóng sẽ càng nhỏ đi. Các loại sóng có bước sóng nhỏ thường dễ bị hấp thụ bởi các phân tử bề mặt hơn là bước sóng trong dải VHF. Đây là lý do tại sao đối với truyền thông vô tuyến tầm xa, tần số thấp là một sự lựa chọn hợp lí và điều này cũng giải thich cho việc các anten của trạm 5G thường có xu hướng được đặt gần nhau hơn so với ăn ten của 4G.
Khi WIFI và 5G xích lại gần nhau hơn, thật dễ dàng để tưởng tượng ra một tương lai khi chỉ có duy nhất một tiêu chuẩn truyền dữ liệu mà bạn không phải lo lắng về việc chuyển đổi giữa chúng. Ở hiện tại, chuẩn WIFI6 đã có thể hoạt động ổn định với đủ băng thông để cung cấp cho một hộ gia đình tiêu chuẩn, kể cả khi cần có thêm nhiều nghiên cứu để giúp cải thiện tốc độ và sự ổn định của nó so với hệ thống mạng có dây. Thế nhưng đối với nhiều người trong chúng ta, khi WIFI6 vẫn còn là điều gì đó xa lạ, WIFI7 đã được các nhà nghiên cứu xúc tiến và sẽ triển khai trong tương lai gần.