Sau nhiều năm "sống ngoắc ngoải", dịch vụ chat huyền thoại Yahoo Messenger sẽ chính thức kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình vào tháng tới. Cụ thể, Yahoo thông báo sẽ ngừng dịch vụ chat Messenger vào ngày 17/7/2018 tới đây, chấm dứt sự sống cho một dịch vụ đã sống thoi thóp trong vài năm nay, và cũng là chấm dứt một thời kỷ niệm với hàng triệu thế hệ 8x, 9x. Với không ít người mạng xã hội này đã trở thành nơi bắt đầu một tình bạn hay bắt đầu một tình yêu, ngày ngày ra ngóng vào trông tin nhắn và cả những cuộc chat thâu đêm, tâm sự chuyện trên trời, dưới biển. Bởi vậy mà sẽ chẳng ngoa khi nói đây chính là nơi in dấu cả một bầu trời thanh xuân của biết bao thế hệ 8x, 9x, nơi những mối tình đầu đầy kỷ niệm nhưng cũng đầy tiếc nuối vì dở dang. Chính sự phát triển nhanh chóng của các ứng dụng mạng xã hội khác như Skype, Zalo, Twitter hay điển hình nhất như Facebook đã khiến cho Yahoo Messenger bộc lộ nhiều lỗi thời và dần đi vào quên lãng. Ngay cả bản thân tôi, vốn không phải là một đứa hay thích rũ bỏ những cái cũ kỹ để chạy theo những điều mới mẻ thuộc về số đông, thì cũng đã rất lâu rồi tôi không còn động vào tài khoản Yahoo từng gắn bó một thời nữa. Vì suy cho cùng, làm gì có ai chơi nữa mà chơi. Có vào cũng sẽ thấy mình trở nên lạc lõng.
Có lẽ khi người ta đã lâu rồi chẳng còn nhắc đến nó nữa, thì những cảm xúc về nó tưởng như sẽ trở nên tầm thường. Thế nhưng, ở tại thời điểm này, khi hay tin “tượng đài” Yahoo Messenger sắp sụp đổ, thì bỗng bấy nhiêu cảm xúc bất chợt ùa về. Không phải là cảm xúc của hiện tại, mà là cảm xúc của nhiều ngày, nhiều năm rất lâu trước đó. Chính Yahoo Messenger giúp những đứa trẻ 14, 15 như tôi hồi đó biết đến Internet, biết kết bạn qua mạng với vô số những kỷ niệm khó quên. Những cái tên dài dằng dặc kèm những con số và ký tự. Những mối tình cách nhau đến nửa vòng trái đất cũng chỉ biết thể hiện qua những ngôn từ của Yahoo. Sẽ không còn nghe âm thanh của tiếng BUZZ quen thuộc, không còn cảm giác đợi chờ nick của một ai đó sáng, không còn những icon dễ thương… Kiểu cười với hàng tá ngoặc có lẽ là di sản lớn nhất mà Y!M còn để lại. Không phải là hai chấm đóng ngoặc để tạo thành một cái icon happy rạng rỡ đâu. Tôi luôn có thói quen bổ sung thêm một tá ngoặc lê thê đằng sau nó nữa, cảm giác như một cái chẳng bao giờ diễn tả đủ cảm xúc cả. Hay như cái icon mặt buồn cũng vậy. Chính xác là nó sẽ trở thành buồn rười rượi đấy.
Nếu giờ chúng ta vẫn thường hay dùng cái từ “trẻ trâu”, “trẩu tre” để nói về một thời quãng tuổi trẻ của mình, thì sẽ chẳng ngại ngần mà nói rẳng Y!M chính là minh chứng cho một thời như thế. Dẫu vẫn biết dù cho nó có tồn tại thêm nữa, sẽ vẫn như một căn nhà hoang đã bỏ, hay chỉ như một tủ đồ chật chội chứa những món đồ cũ mà người chủ chẳng bao giờ mở ra nữa. Ấy vậy mà khi, những thứ đã cũ kỹ ấy, đến cái hạn hữu phải rời đi, quả thực trong tôi có chút gì đó tiếc nuối. Bởi suy cho cùng, internet giờ đây phát triển là thế, mạng xã hội rộng lớn là thế, cảm tưởng như chúng ta có thể kết bạn với bất cứ ai, theo dõi bất cứ điều gì mà chúng ta muốn, danh sách bạn bè có thể lên đến vài trăm, thậm chí nghìn người. Thế nhưng, cảm xúc mà nó mang lại, tôi dám chắc rằng nó sẽ không bao giờ có thể mang lại sự gắn bó giống như cái list friend ít ỏi ngày đó.
Và bởi thế, nếu như vẫn nói về một chủ đề quen thuộc, xã hội xưa và nay hay giới trẻ ngày ấy – bây giờ, thì có lẽ đây cũng sẽ là một thước đo rõ rệt. Mọi thứ diễn ra nhanh hơn, đông hơn, ồn ào hơn, hiện đại hơn, nhưng tình cảm hay sự sự gắn kết thì đã vơi cạn đi nhiều. “Rộng hơn, nhưng không đồng nghĩa với sâu hơn”.
Suy cho cùng, người ta không thể sống thiếu kỷ niệm, nhưng cũng không thể chỉ sống bằng kỷ niệm. Thế nên, dù bây giờ, tất tần tật cảm giác của bạn, cũng như tôi, là sự tiếc nuối, thì vẫn hãy cứ gửi một lời “vĩnh biệt” tới ứng dụng Yahoo Messenger mà chúng ta đã từng gắn bó một thời. Còn kỷ niệm nào của tôi, của bạn, của chúng ta ngày ấy, xin hãy cứ giữ lại!