Nếu là một người yêu thích phim của xứ tỷ dân, và đặc biệt là những bộ phim làm dựa trên đề tài về tiểu thuyết “Phong Thần Diễn Nghĩa”, thì chắc dạo gần đây các bạn cũng từng nghe qua cái tên “Phong Thần Tam Bộ Khúc” với nàng Đát Kỷ Na Nhiên siêu quyến rũ rồi nhỉ?
Trong huyền sử Trung Quốc, Đát Kỷ, hay Đắc Kỷ là một nhân vật nổi tiếng với vai trò hoàng hậu của Đế Tân Trụ Vương, vị vua cuối cùng thời nhà Thương. Hình tượng của Đắc Kỷ được biết đến với nhiều dị bản, nhưng đa phần là câu chuyện về một đại mỹ nhân do hồ ly hóa thành, mê hoặc Trụ Vương, làm nhà Thương sụp đổ.
Trong Phong Thần Diễn Nghĩa, Đát Kỷ tên đầy đủ là Tô Đát Kỷ, con gái của Tô Hộ. Trên đường về cung nộp cho Trụ Vương, nàng đã bị hồ ly tinh đoạt xác. Con hồ ly do Nữ Oa giao phó, mượn cơ thể Đát Kỷ để làm Trụ Vương mê muội, dẫn đến sự sụp đổ của nhà Thương, tạo điều kiện cho nhà Chu nắm quyền cai quản thiên hạ.
Đương nhiên, kế hoạch của Đát Kỷ thành công vang dội khi Trụ Vương yêu nàng ta như điếu đổ, sai gì làm đó. Xây cả ao rượu rừng thịt, sát hại trung thần, khen thưởng gian thần chỉ để làm mỹ nhân vui lòng. Về sau, Chu Vũ vương Cơ Phát đã phát động chiến tranh, lật đổ Trụ Vương, kết cục của Đát Kỷ thì khỏi phải nói. Đến thời nay, mỗi khi nhắc đến cái tên này, người ta đều nhớ ngay đến một yêu cơ hồng nhan họa thủy.
Và trong bộ phim “Phong Thần Tam Bộ Khúc” cũng được làm dựa trên những gì tôi kể ở trên, Đát Kỷ bị hồ ly tinh nhập hồn, rồi bắt đầu mê hoặc Trụ Vương. Phải khen là lâu rồi tôi mới thấy một Đát Kỷ không trang điểm quá lồng lộn nhưng vẫn ấn tượng như phim này. Đặc biệt là phân cảnh Đát Kỷ múa điệu múa 3 phút mê hoặc Trụ Vương ấy, tôi xem mãi không chán.
Đương nhiên ngoài phim, thì hình tượng Đát Kỷ còn xuất hiện rất nhiều trong game Trung Quốc, và đó mới là vấn đề chính của video ngày hôm nay. Tôi muốn cùng các bạn nói về cách cô nàng này xuất hiện trong game, và cũng như những câu chuyện xoay quanh tạo hình khi vào game của cô nàng.
Đát Kỷ trong Vương Giả Vinh Diệu
Đa phần, hay không phải nói là gần như, Đát Kỷ được đưa vào game với mục đích mượn danh yêu cơ trong lịch sử để bào tiền game thủ. Đương nhiên là việc mang một nhân vật gắn liền với bốn chữ “Hồng nhan họa thủy” vào game thì không được hay cho lắm, nhất là với tình hình kiểm duyệt gắt gao thì lại càng không.
Nên đa phần, các nhà làm game sẽ lách luật bằng cách, thay vì đưa Đát Kỷ vào, họ sẽ đổi bằng một nhân vật khác giống bối cảnh nhưng khác tên, chỉ cần đáp ứng đủ điều kiện là đẹp, có liên quan đến hồ ly là được. Đa phần những game có cô nàng này đều là kiểu… game được sinh ra để hút máu người chơi là chính, chứ chẳng có cốt truyện hay cái gì hay để nói.
Nhưng vẫn có một số nhà làm game quyết định đi ngược với thời đại, tiêu biểu là tựa game Vương Giả Vinh Diệu, hay Honor of Kings của nhà Tencent. Nếu không tin bạn cứ thử gõ chữ Đát Kỷ + game lên google xem, 98% kết quả bạn nhận về đều là hình ảnh nhân vật Đát Kỷ của nhà Tencent.
Nói cho dễ hình dung thì kỹ năng mê hoặc của Đát Kỷ là cảm hứng để tạo ra nhân vật Vera bên Liên Quân. Với skill 1 bắn ra một làn sóng gây sát thương cho kẻ địch, skill 2 thả tim làm choáng mục tiêu, và ulti thả 5 trái tim gây sát thương cho kẻ địch. Có thể thấy kỹ năng của Đát Kỷ đều có màu hồng và trái tim, đó là chủ ý của Tencent để cô nàng trông có vẻ quyến rũ, và trái tim mang hàm ý nàng ta dù sự quyến rũ của mình để tiễn kẻ địch về nơi chín suối.
Nhưng khác với tạo hình theo hướng Trung Hoa hoài cổ, áo lụa tóc dài đen, Đát Kỷ trong Vương Giả lại khá phá cách với hình ảnh một cô gái tóc vàng hoe, mặc bộ sườn xám ngắn hở ngực với đôi tai và đuôi hồ ly nằm trên đầu. Lý do màu chủ đạo của của Đát Kỷ là màu vàng vì màu lông trong tự nhiên của hồ ly là màu cam vàng, chứ không phải màu trắng như chúng ta nghĩ đâu.
Và Đát Kỷ trong Vương Giả cũng không phải hồ ly chín đuôi, mà chỉ là con hồ ly nhỏ có một đuôi mà thôi. Còn nếu bạn muốn 9 đuôi thì đập tiền vào để mở khóa trang phục~ Việc gì không làm được thì đã có tiền lo hết rồi. Không phải điêu chứ nhìn dàn trang phục kèm phối màu thì bạn cũng thấy Đát Kỷ được 10 xu cưng cỡ nào rồi.
Bao nhiêu trang phục đẹp, sang xịn mịn cũng cho ả ta. Mà đây cũng là vị tướng được nhiều game thủ nữ dùng vì dễ chơi, dễ ăn mạng, dễ combo, chưa kể còn đẹp nữa chứ. À thì không chỉ nữ đâu, mà một vài ông nam cũng đính chính là, giả gái rồi cầm Đát Kỷ đi dẹo trai cũng hốt được kha khá tiền từ mấy anh sĩ gái. Anh em nào confirm giúp với để tôi thử, chứ nghèo quá rồi.
Quay lại với cốt truyện, thì thiết lập của Đát Kỷ trong Vương Giả cũng khác hẳn câu chuyện trong Phong Thần. Chẳng là ngày xửa ngày xưa, thế giới xinh đẹp của chúng ta được tạo nên từ các cơ quan và ma đạo, khiến con người đắm chìm trong cuộc sống xa hoa lãng phí. Thế là có một ông cụ tinh thông ma đạo, ẩn cư ở ven hồ đã chế tạo ra một con rối, sau đó rót ma đạo vào để nó cử động như người thật, con rối đó chính là Đát Kỷ.
Đát Kỷ thì luôn cố gắng làm hài lòng ông cụ, chỉ mong được “người cha đã tạo ra mình” khen ngợi. Nhưng mỗi khi nhìn Đát Kỷ, ông cụ chỉ thở dài, tự hỏi tại sao lại không tạo ra được hình bóng người trong ký ức của mình?
Sau đó, ông ta đã dâng Đát Kỷ cho Trụ Vương. Trụ Vương lúc đấy vừa mất vợ, thấy Đát Kỷ giống vợ mình thì vội nhận ngay. Về phần Đát Kỷ, cô nàng nghĩ mình bị cha nuôi bỏ rơi nên buồn rầu không thôi.
Trong thời gian chung sống, Trụ Vương cũng kể cho Đát Kỷ nghe người vợ trước của mình là con lai giữa người và ma, chính vì lẽ đó nên Trụ Vương muốn ma đạo và con người có thể chung sống hòa bình. Nhưng, thần dân phản đối, đứng dậy khởi nghĩa, mà người dẫn đầu cuộc binh biến đấy lại chính là ông cụ đã tạo ra Đát Kỷ.
Rồi ngày Trụ Vương xuất chinh, Đát Kỷ đã được dẫn đến lăng mộ nơi Tân Đế xây cho vợ mình. Tại đây, linh hồn của vợ Trụ Vương và con rối Đát Kỷ tranh đoạt thân xác, nhờ vậy con rối mới thấy được những ký ức của người vợ trước.
Trụ Vương vì quá yêu vợ nên sau khi vợ qua đời, ông đã dùng trái tim của mình để giữ linh hồn vợ còn ở dương gian. Nhưng, ông cụ lại tạo ra một con rối giống với vợ của Trụ Vương rồi đưa vào cung, linh hồn của người vợ thấy vậy thì nghĩ Trụ Vương phản bội mình nên đánh ghen, vô tình làm trái tim của Trụ Vương nổ tung.
Kết quả, Trụ Vương vì quá yêu vợ nên đã tan thành tro bụi. Còn linh hồn của người vợ và Đát Kỷ xung đột với nhau, cuối cùng hợp thành một và trở thành Đát Kỷ mà ta thấy hiện tại trong Vương Giả.
Và yeah, nếu bạn để ý thì chắc đã nhận ra những điểm tương đồng thú vị giữa câu chuyện của vị tướng Đát Kỷ và Đát Kỷ trong “Phong Thần Diễn Nghĩa” rồi nhỉ? Cả hai đều được người khác tạo ra và gửi đến bên cạnh Trụ Vương nhằm mục đích dồn ông vào chỗ chết. Rồi cuối cùng, nguyên nhân Trụ Vương ra đi cũng đều vì Đát Kỷ.
Câu chuyện Đát Kỷ và Trụ Vương có nhiều phiên bản khác nhau, đa phần Trụ Vương được khắc họa là một vị hôn quân, đi cùng với yêu cơ Đát Kỷ là cặp đôi hại dân hại nước. Nhưng trên thực tế, Trụ Vương được sử sách ghi nhận là một vị vua tài giỏi, trọng nông nghiệp, văn võ song toàn, là người mở đầu cho một thời kỳ cực thịnh của nhà Thương.
Sau này, Trụ Vương chịu ảnh hưởng của Đát Kỷ nên mới trở thành một vị vua hoang dâm vô độ, chỉ biết rượu chè bê tha. Đến khi nhà Chu lật đổ nhà Thương, Cơ Phát vì muốn bôi xấu hình ảnh Đế Tân nên đã gọi ông là Trụ Vương, nghĩa là vị vua tàn ác gian bạo. Và rồi như các cụ hay nói, tiếng lành đồn xa, nhưng tiếng xấu thì được mấy cái camera bằng cơm phóng đại nhiều lần, nên đời sau, người ta cũng chỉ biết đến Trụ Vương là một vị hôn quân, chứ không nhớ về một thời huy hoàng của ông.
Ôi đàn bà~
Và gần như là ở bất kỳ phiên bản nào, trong phim, truyện hay game, Trụ Vương và Đát Kỷ đều được xây dựng là một cặp đôi tình chàng ý thiếp, ta và nàng cùng dắt tay gây nghiệp muôn nơi. Nên bạn thấy đấy, trong Vương Giả, Đát Kỷ cũng được ghép đôi với Trụ Vương, tiếc là giờ game nó không đưa nhân vật có thật vào nữa, nên Trụ Vương thì bay màu, còn Đát Kỷ thì trở thành hòn vọng phu cả đời luôn. Hay lắm 10 xu ạ.
Ngọc Tảo Tiền của tựa game Âm Dương Sư
Đi xa hơn một chút thì tôi muốn về Ngọc Tảo Tiền hay Tamamo no Mae trong tựa game Onmyoji hay còn cách gọi khác quen thuộc hơn là Âm Dương Sư của nhà Netease. Chắc bạn đang thắc mắc, Ngọc Tảo Tiền thì liên quan gì đến Đát Kỷ? Thì thật ra, Tamamo no Mae là cách gọi cửu vĩ hồ ly trong văn hóa Nhật Bản.
Trong tác phẩm Tam Quốc yêu hồ truyện của Hokusai có thuật lại câu chuyện một con cửu vĩ hồ Tamamo no Mae đã chiếm thân thể của Đát Kỷ. Nhưng khác với bản Phong Thần bên Trung Quốc, con hồ ly đã không chết sau khi nhà Thương bị lật đổ.
Thay vào đó, Ngọc Tảo Tiền đã chạy đến Ma Kiệt Đà ở Thiên Trúc và được sử dụng một thân phận khác là Khoa Dương phu nhân. Chính tại nơi này. nàng hồ ly đã trở thành thiếp của Ban Túc Thái Tử, tiếp tục lặp lại hành động sai trái khi còn ở với Trụ Vương. Cửu vĩ hồ đã sai khiến thái tử cắt thủ cấp của 1000 nam giới, và lại tiếp tục chạy trốn khi nguy hiểm đến gần.
Nhưng trong Âm Dương Sư, Ngọc Tảo Tiền lại không được xây dựng theo hình dạng một mỹ nhân ngực tấn công, mông phòng thủ như cũ, mà là một người đàn ông… hoặc phụ nữ… hoặc đàn ông… Được rồi, theo giới tính trong game thì anh ta là nam, một vợ hai con, gia đình ấm áp.
Ngọc Tảo Tiền được xây dựng là một Đại Yêu hùng mạnh nhất trong thế giới Âm Dương Sư. Một ngày nọ, hắn đã gặp và yêu một tu nữ trong thần điện. Hai người cùng nhau tạo ra một mối tình đẹp như tranh, và có với nhau hai đứa trẻ song sinh vô cùng đáng yêu, một trai và một gái.
Giống với cha mình, hai đứa trẻ đều là những yêu hồ cực kỳ xinh đẹp. Tuy nhiên, tai họa đã ập đến vì với gia đình nhỏ. Lí do là vì vợ của Ngọc Tảo Tiền là một tu nữ có trách nhiệm phụng sự thần linh, cả đời không được kết hôn. Nhưng vì tình yêu, tu nữ đã vứt bỏ trách nhiệm để đến với Ngọc Tảo Tiền, điều đó làm thần linh nổi giận, thiên lôi giáng xuống và kết quả là người vợ đã hy sinh để bảo vệ chồng và con mình.
Ngọc Tảo Tiền khác với Đát Kỷ ở chỗ, hắn sở hữu sức mạnh có thể hủy diệt mọi thứ. Nhưng tiếng khóc của hai người con đã kéo Ngọc Tảo Tiền tỉnh táo trở lại. Ngọc Tảo Tiền sau đó đưa con đến Heian sinh sống. Hắn biến thành hình dạng tu nữ để chăm sóc cho con, đấy là lý do mà ban đầu, có nhiều người hoài nghi giới tính của Ngọc Tảo Tiền.
Tuy nhiên, dù đã cố sống xa trần thế nhưng tai họa vẫn tìm đến với hắn. Một ngày nọ, trong lúc Ngọc Tảo Tiền không có ở nhà, một âm dương sư đã đi ngang và sát hại hai đứa con của hắn. Khi về nhà, Tảo Tiền thấy con mình nằm trong vũng máu thì tức giận không nói nên lời, cuối cùng quyết định thanh tẩy cả kinh thành để báo thù cho con mình.
Có thể thấy rõ, dù đều là Cửu vĩ hồ, nhưng Ngọc Tảo Tiền lại sở hữu tính cách và năng lực mạnh mẽ hơn với Đát Kỷ mà ta biết. Khác với một Đát Kỷ ngây ngô của Vương Giả, Ngọc Tảo Tiền của Âm Dương Sư có vẻ tàn nhẫn, ngạo nghễ hơn hết thảy. Và yeah, cái việc Netease xây dựng hình tượng một cửu vĩ hồ có khả năng linh hoạt giới tính giữa nam và nữ nghe thì hơi lạ, nhưng thật ra lại hợp với hình ảnh cửu vĩ hồ trong Liêu Trai Chí Dị. Vì thật ra, hồ ly chín đuôi có cả nam và nữ, nhưng vào thời phong kiến, người ta chỉ toàn chú ý đến gái đẹp mà thôi.
Và qua hai nhân vật mà cá nhân tôi nghĩ là quen thuộc nhất trong thế giới game, còn những nàng Đát Kỷ khác… ờm… đa phần đến từ mấy game mì ăn liền nên thôi bỏ qua. Ta có thể thấy rằng, khi nhắc đến Đát Kỷ, hình tượng kinh điển nhất sẽ là một mỹ nhân, trai gái gì cũng được, đẹp là được. Nhưng không phải đẹp thường mà là đẹp một cách mị hoặc, như kiểu, bạn chỉ cần nhìn vào là biết ngay họ là hồ ly tinh ấy.
Đi kèm với sắc đẹp trời ban, những nàng và chàng Đát Kỷ trong game còn được gắn thêm một mối tình cảm động trời xanh, nhưng kết thúc thì toàn bi kịch.
Nếu bạn đang thắc mắc tại sao hồ ly tinh lại có mối tình đẹp và thủy chung, trong khi nó lại là một loài sinh vật gắn liền với sự lẳng lơ, và trước khi từ tiểu tam hay tuesday ra đời, hồ ly tinh là từ để chỉ những người con gái giật chồng người khác thì… Dù hình tượng hồ ly trong mắt người đời xấu xa, nhưng trong một vài tác phẩm huyền huyễn như Liêu Trai Chí Dị, chuyên góp nhặt các truyện kỳ bí trong dân gian, hồ ly lại là một loài vật có ơn tất báo.
Đa phần những chàng trai, cô gái xinh đẹp do hồ ly biến thành, đi đến kết đôi với nhân vật chính, đều vì nhân vật chính từng cứu nó. Và chỉ khi trả hết ơn cứu mạng, hồ ly mới rời đi. Trong thời gian này, nó có thể làm loạn, nhưng lại không cắm sừng người đã cứu mình. Điều này có lẽ bắt nguồn từ tính cách thiện ác rõ ràng, có ơn phải báo của động vật.
Nên… well, không phải tôi tẩy trắng cho hồ ly hay Đát Kỷ đâu. Nhưng nếu không xét đến những hành động gây họa cho dân chúng, thì hồ ly khá là chung tình. Có lẽ đó là lí do mà hầu hết, những hình tượng về Đát Kỷ, hồ ly luôn gắn liền với tình yêu keo sơn.
Hoặc chỉ đơn giản là các cụ ngày xưa thích thấy gái đẹp do hồ ly biến thành chung tình với mình thôi!
Theo dõi Kênh Tin Game để không bỏ lỡ những bài viết hay về game nhé~