Trong khoảng thời gian 6-7 năm trở lại đây, hình thức phát sóng trực tiếp hay livestreaming trên internet diễn ra cực kỳ phổ biến. Bắt đầu với những hoạt động livestream chơi game, talk show đến phát trực tiếp các giải đấu chuyên nghiệp, chương trình truyền hình… Cho đến thời điểm hiện tại, hoạt động livestreaming vẫn tiếp tục phát triển ra mọi thứ như bán hàng, quảng bá sản phẩm, quảng cáo… mọi nội dung được quay, phát trực tiếp và có đối tượng người xem, tất cả đều là livestream.
Nổi bật nhất trong hoạt động livestreaming cho đến thời điểm hiện tại chắc chắn phải kể ngành game và Esports khi các streamer về game hay giải đấu Thể Thao Điện Tử luôn gây được sự chú ý lớn tới nhóm đối tượng xem stream nhiều nhất là giới trẻ. Điều thú vị tại các luồng livestream về game và Esports ngoài việc thư giãn giải trí và học hỏi các kỹ năng kinh nghiệm mà còn là sự tương tác giữa người xem với nhau và với các streamer thông qua kênh chat. Mà mỗi người đều có ý kiến riêng để thể hiện điều đó lên kênh chat nên chúng ta có chủ đề ngày hôm nay, cùng tìm hiểu về vấn đề “Chơi hộ” streamer và tuyển thủ chuyên nghiệp nhé.
“Chơi hộ” là gì?
Sẽ không có một khái niệm nào là chính xác cho cụm từ “chơi hộ” cả, sẽ tùy vào người xem trực tiếp cảm nhận và đánh giá nhưng chúng ta có thể hiểu “chơi hộ” là hành động người đang theo dõi trực tiếp chat, bình luận về những hành động, cách xử lý tình huống… của streamer và tuyển thủ mà “không vừa ý, không đúng ý” họ, chưa nói đến chuyện đúng sai nhưng nó sẽ mang tính công kích hành động đó.
Sẽ hơi khó phân biệt một chút nhưng đặc điểm của những bình luận “chơi hộ” thường sẽ hướng tới việc bắt người phát trực tiếp chơi theo ý họ như “Sao…không…”, “Đừng…nữa…”, “Phải…chứ”…
Ví dụ như trên kênh của “streamer số 1 Việt Nam” – Mixigaming. Những tình huống “chơi hộ” xảy ra cực kỳ thường xuyên, đặc biệt là khi Tộc Trưởng chơi những game có tính suy luận và tương tác cao như Ma Sói – Agrou hay mới đây là Goose Goose Duck – Ngỗng Ngỗng Vịt, Feign – “Làng Điên”. Những bình luận như “Sao anh không giết Dev”, “a Ben là tiên tri mà”, “sao không thế này sao không thế kia” tràn ngập kênh chat. Hay mới đây, khi đang chơi Prop Night – game đuổi bắt giống như Home Sweet Home, streamer Độ Mixi đã phải “lạy” các viewer có những bình luận “chơi hộ” trên stream của mình.
Hay một sự việc cũng khá lâu trước đây tại giải đấu LEC, BLV Hoàng Luân khi theo dõi ván 3 trong trận đấu giữa Rogue vs Mad Lions cũng đã có tình huống “chơi hộ” khi liên tục “blame” việc đội tuyển Rogue không lên giảm hồi máu khi đối đầu với Sylas và Leesin Chùy Hấp Huyết. Về bản chất thì đây là một hành vi “chơi hộ” đúng khi RGE thực sự đã “tấu hài” và thất bại trong ván đấu đó vị khả năng hồi phục quá mạnh mẽ đến từ hai vị tướng kể trên dù nắm rất nhiều lợi thế trong giai đoạn đầu trận.
Tác hại
Đầu tiên, hành vi “chơi hộ” sẽ ảnh hưởng đến chính các streamer, các tuyển thủ thi đấu sẽ ít khi biết đến những bình luận mang tính chất công kích đó hơn, nhưng họ sẽ buồn, khó chịu và “cụt hứng” khiến cho buổi phát trực tiếp không còn vui vẻ và mang tính giải trí như mục đích ban đầu của livestream nữa.
Tiếp theo là đến chính chúng ta và những người xem khác khi cứ liên tục spam những bình luận “chơi hộ” như vậy, kênh chat sẽ vô cùng loạn. Từ những người không nói gì đến những người “chơi hộ” và cuối cùng là những người “chửi” lại những người “chơi hộ”, tất cả sẽ thành một cuộc chiến và chúng ta sẽ quên mất chúng ta đang giải trí.
Nguyên nhân của hành vi “chơi hộ” là gì?
Như đã trình bày ở trên, nguyên nhân xâu xa của hành vi “chơi hộ” là việc streamer, tuyển thủ thi đấu có những hành động và cách xử lý tình huống trái ý chúng ta – những người xem phát trực tiếp. Nhưng để “cấu thành” hành vi “chơi hộ”, sau sự trái ý đó chính là cảm giác, cảm xúc ức chế, khó chịu và háo thắng với những suy nghĩ “nó lù lù thế kia mà không thấy à”, “sao lại làm thế này”…, không cần biết đúng sai và cuối cùng, cảm xúc bộc phát khiến chúng ta bình luận những câu nói mang tính chất “chơi hộ”.
Có thể bạn muốn xem thêm : Chơi Play Together với tính năng voice cực đỉnh từ OnMic
Một điều khá quan trọng cũng dẫn đến hành vi này đó chính là góc nhìn, chúng ta là những người xem, được có cái toàn cảnh những tình huống đó mà người ngoài thường sẽ thấu đáo hơn người trong cuộc nên có thể những tuyển thủ, streamer phát trực tiếp bị cuốn vào ván đấu, tình huống đó và không thể đưa ra quyết định chính xác giống như chúng ta thấy nên đó cũng là một điều chúng ta nên thông cảm.
Cách giải quyết
Cách giải quyết đơn giản nhất bao giờ cũng vậy, tắt chat. “I don’t care” và tiếp tục tận hưởng những giây phút giải trí trong yên bình.
Chúng ta đã biết nguyên nhân của vấn đề xuất phát từ những cảm xúc khó chịu, ức chế do không vừa ý mình, vì vậy chúng ta sẽ hạn chế điều đó bằng những cách ví dụ như: nói ra bằng miệng hay bình tĩnh chờ tình huống kết thúc, xem điều đó đúng hay sai rồi mới nói điều làm chúng ta khó chịu.
Nhưng thực sự thật khó để bảo một ai đó phải làm gì, ai cũng có quyền tự do ngôn luận, kênh chat là vậy, sẽ có người này người kia, những bình luận đáp lại theo kiểu “vào mà chơi”, “tải game về mà chơi”… từ những người anti “chơi hộ” chắc chắn sẽ không có tác dụng mà sẽ càng làm loạn kênh chat hơn. Thay vào đó, những người xem stream nên “văn minh” hơn trong vấn đề chat, chúng ta vẫn có quyền “chơi hộ” nhưng hãy “chơi hộ” theo một cách thông minh, vui vẻ hơn và đừng quá quan trọng chuyện thắng thua, đúng sai.
Đâu ai muốn bắt đầu ngày mới bằng sự mệt mỏi và cũng đâu có ai thích cảm giác bực bội, khó chịu khi kết thúc một ngày ngày dài, hãy thư giãn và vui vẻ hơn chứ đừng chỉ xem tình huống đó là đúng hay sai. Hy vọng bài viết mang tính chất hơi vô nghĩa này sẽ giúp chúng ta hiểu về “chơi hộ” và “văn minh” hơn với những bình luận của mình.