Đây là năm vấn đề mà người viết hy vọng Valve sẽ giải quyết vào năm 2018.
Tìm kiếm và phát hiện những trò chơi mới chất lượng
Việc người chơi có thể khám phá các trò chơi mới, với chất lượng tốt trên Steam ngày càng trở nên khó khăn. Lý do đơn giản là vì có rất nhiều sản phẩm được ra mắt mỗi ngày. Đây cũng là vấn đề gây đau đầu chính các nhà phát triển. Bởi nhiều khả năng tựa game tâm huyết, tiêu tốn hàng năm trời sản xuất của họ sẽ nhanh chóng chìm nghỉm trong vô vàng những trò chơi khác, chỉ sau vài giờ chào sân trên Steam. Cụ thể hơn, vào hồi tháng 10 năm ngoái, có báo cáo thống kê rằng Steam đã ra mắt hơn 6.000 tựa game mới. Tức trung bình hơn 16 trò chơi được tung ra mỗi ngày.
Valve có những cách để làm nổi bật các trò chơi mà bạn có thể quan tâm. Ví dụ như điều chỉnh trang chính và trang khám phá theo sở thích của khách hàng, dựa trên các sản phẩm mà họ đã mua trước đây. Tuy nhiên, điều này cũng có khuyết điểm riêng của nó. Nếu bạn mua một vài trò chơi chiến lược thì tất nhiên nó không đồng nghĩa với việc bạn chỉ muốn chơi mỗi thể loại RTS, nhưng Steam không quan tâm mà vẫn sẽ tiếp tục tiến cử những tựa game thuộc thể loại đó.
Đây không phải là một vấn đề dễ dàng giải quyết, thậm chí có thể không có một giải pháp hoàn hảo nào. Nhưng với sự gia tăng đáng kể số lượng trò chơi mới xuất hiện trên Steam, Valve nên sớm tìm ra giải pháp tốt nhất trong năm mới.
“Bỏ bom đánh giá”
Review Bombing, tạm dịch “Bỏ bom đánh giá”, là hành động mà các khách hàng của Steam đồng loạt đánh giá tiêu cực về một trò chơi nào đó khiến họ cảm thấy không hài lòng, dù cho chất lượng của nó không hề tệ. Nhiều lúc, nó cũng được dùng để biểu lộ sự căm phẫn và không hài lòng dành cho nhà sản xuất.
Ví dụ như đợt “bỏ bom” Dota 2 của các fan hâm mộ Half-life hồi tháng 8 năm ngoái, bởi họ cho rằng Valve quá nâng niu mỏ vàng MOBA của mình mà thờ ơ với các tựa game kinh điển khác. Hoặc khi nhà phát triển của FireWatch buộc PewDiePie phải gỡ bỏ những video liên quan đến các sản phẩm của họ, cộng đồng cũng cảm thấy căm tức giùm “ông trùm Youtube” và tiến thẳng vô trang Steam của trò chơi để thẳng tay đánh giá tiêu cực hàng loạt.
Valve đã có động thái giảm bới “thiệt hại” đến từ chuyện này bằng cách giới thiệu một hệ thống cho phép bạn xem lịch sử đánh giá lâu dài của trò chơi. Nhờ đó, bạn có thể thấy được trò chơi có bị dính “review bombing”, hay thật sự tệ hại bằng cách nhìn đồ thị đánh giá tăng giảm theo thời gian của nó.
Nhưng điều này cũng không ngăn chặn được việc trò chơi sẽ xuất hiện với đánh giá tổng quan tiêu cực khi bạn dò tìm trên Steam.
Những nhóm thảo luận “toxic”
Khi nói đến các nhóm Steam Curator (chuyên đưa ra các bình luận, nhận xét về trò chơi sau khi đã trải nghiệm thực tế để giúp người dùng có cái nhìn khách quan hơn) có vẻ như Valve không siết chặt việc kiểm duyệt dành cho họ.
Bản báo cáo của Motherboard hồi đầu năm nay đã cho thấy có rất nhiều nhóm kỳ thị chủng tộc, kỳ thị giới tính và thậm chí cổ súy cả tư tưởng Phát Xít trên Steam. Một số trong đó thậm chí còn được thăng lên trang nhất để mọi người cùng xem:
(CW: Homophobia) Oh COOL, Valve's promoting slurs on the front page of Steam now. pic.twitter.com/kd5RLk810r
— Joe Parlock (@joeparlock) October 17, 2017
Steam được hàng chục triệu người sử dụng mỗi ngày, nên việc xét duyệt các bài đăng tương tác trên đó là một nhiệm vụ vô cùng cần thiết. Nhưng đáng ngạc nhiên là Valve lại không kiểm tra kỹ càng để cách ly những thành phần nhạy cảm này.
Trả phí cho các modder
Đầu năm trước, người sáng lập Valve, Gabe Newell, nói rằng việc mọi người không được trả tiền cho các bản mod là “lỗi trong hệ thống”. Vì vậy đây rõ ràng là một vấn đề hiện hữu trong tâm trí các nhà phát triển nền tảng Steam.
Tuy nhiên, chúng ta đã không nhìn thấy bất kỳ động thái nào từ Valve nhằm giải quyết việc này vào năm 2017. Mong là nó sẽ được cân nhắc vào năm 2018, sau khi Bethesda đã đi trước một bước với hệ thống Creation Club của riêng mình.
Hỗ trợ VR tích cực hơn
Valve rõ ràng đang gặp vấn đề trong việc khởi động các dự án mới và sau đó đánh mất luôn sự quan tâm dành cho chúng. Đơn cử như SteamOS, Steam Machine, và Steam VR. Mặc dù là đội ngũ đứng đằng sau một trong số ít những chiếc headset thực tế ảo chất lượng cao đã ra mắt thị trường, họ lại chẳng mấy tích cực để hỗ trợ Vive thông qua các phần mềm mang tính đột phá.
Đầu năm qua, Valve cho biết họ đang bắt tay vào phát triển 3 trò chơi cho thiết bị VR. Nhưng lại chẳng nói rõ chúng như thế nào, ý tưởng ra làm sao, chứ đừng bàn đến chuyện thời điểm được ra mắt. Rõ ràng, với những nỗ lực hời hợt như thế, không đủ để HTC Vive tạo được cú hit đột phá trên thị trường, như những gì ông Gabe Newell mong muốn.
Theo PCGamesN