Mỗi bộ môn, mỗi tựa game đều có những đội tuyển mà chúng ta có thể dành cả thanh xuân để cổ vũ cho đội tuyển đó. Ví dụ như trong bóng đá, MU (Manchester United) luôn là đội tuyển nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt nhất dù lối đá hay kết quả thi đấu có thể không tốt đi chăng nữa. Không lôi thôi dài dòng nữa, cùng bắt đầu ngay vào chủ đề chính nào.
Liên Minh Huyền Thoại: T1/ SKT T1
Tại tựa game quốc dân Liên Minh Huyền Thoại, không nghi ngờ gì nữa khi đội tuyển được yêu thích nhất mọi thời đại chỉ có thể là SKT T1 hay hiện tại là T1. Không chỉ ở Việt Nam, Hàn Quốc hay rộng hơn là trên toàn thế giới, T1 luôn là đội tuyển có tầm ảnh hướng lớn nhất tới nền Esports toàn cầu.
SKT T1 bắt đầu gây được tiếng vang khi lên ngôi vô địch tại CKTG 2013, cùng với đó là bắt đầu sự thống trị của triều đại SKT, Quỷ Vương Bất Tử – Faker và rộng hơn nữa là nền Liên Minh Huyền Thoại Hàn Quốc. Dù thất bại trong năm 2014 nhưng sau đó, SKT T1 đã trở lại vô cùng mạnh mẽ trong 2 năm 2015 và 2016 với 2 chức vô địch CKTG liên tiếp bằng lối đánh kiểm soát chặt chẽ. Faker, Bengi và HLV kkOma đi vào ngôi đền huyền thoại với 3 lần vô địch CKTG. SKT hay T1 sau đó không thể lên ngôi vô địch CKTG lần nào nữa nhưng vẫn có nhiều thành tích ở các giải đấu quốc nội như Chức vô địch LCK Mùa Xuân 2017,Mùa Hè 2019, 2020 và Mùa Xuân 2022.
Không chỉ về mặt thành tích, sức hút của T1 tại Hàn Quốc còn lớn đến mức phần lớn các tuyển thủ trẻ đều mong muốn được phát triển tại “lò đào tạo” của T1. Các tuyển thủ trẻ của T1 sau đó đều được nhiều các đội tuyển top đầu săn đón như Clozer, Canna, Photon, Berserker… và các tuyển thủ được thi đấu chính thức.
Đối với người hâm mộ Việt Nam cũng vậy, T1 hay SKT luôn là đội tuyển có lượng fan hâm mộ đông đảo nhất, những trận đấu có cái tên T1 luôn có được lượng người xem lớn cho dù đó là gặp những đối thủ yếu hơn đi chăng nữa. Còn khi nói về nền LMHT nước nhà, chắc sẽ không có một đội tuyển nào có được lượng fan hâm mộ có thể so sánh với Faker và T1 được nhưng cũng có một số đội tuyển nhận được nhiều thiện cảm từ khán giả nhà như Saigon Joker (2013-2016), BM (2016), GAM (2017 – hiện tại), PVB – SGB (2018 – 2022), SBTC Esports (từ khi thành lập)…
Counter-Strike: Global Offensive (CS:GO): Natus Vincere
Tiếp theo là tựa game FPS phổ biến nhất trong 10 năm trở lại đây – CS:GO. Trong giai đoạn đầu phát triển, lượng fan của tựa game tại Việt Nam tương đối rải rác mà không có một đội tuyển nào áp đảo về lượng người yêu thích so với các đội tuyển còn lại, có người sẽ yêu thích NIP như Caster Bomman, còn lại sẽ là fnatic, Liquid, Virtus.pro… hay một đội tuyển nước nhà. Nhưng trong vòng 2 năm trở lại đây, có một đội tuyển đã áp đảo tất cả về mặt số lượng lẫn chất lượng, đó chính là Na’Vi – Natus Vincere.
Natus Vincere là một trong số những đội tuyển giàu truyền thống và thành tích nhất nhì nền CS:GO thế giới và khu vực CIS. Họ là đội tuyển duy nhất cho đến thời điểm hiện tại tham dự tất cả những kỳ Major từng được tổ chức. Nhưng mãi cho đến cuối năm 2021, Na’Vi mới có lần đầu nâng cao chiếc cúp vô địch Major cùng với nhiều danh hiệu cao quý dành cho tập thể và cá nhân khác, đặc biệt là Player of the years 2021 – s1mple.
Sức hút của Na’Vi có lẽ đến từ nhiều yếu tố khác nhau khiến Rồng Vàng có nhiều người hâm mộ đến vậy. Đầu tiên, giống như Faker tại LMHT, Natus Vincere cũng sở hữu Player được đánh giá là xuất sắc nhất mọi thời đại – s1mple (player of decade). Thứ hai, cộng đồng người hâm mộ tại Việt Nam thường xuyên có những câu nói, hình ảnh rất thịnh hành khiến nhiều người thường xuyên theo dõi CS:GO đem lòng yêu mến đội tuyển đến từ khu vực CIS như Cúp trong lòng người hâm mộ là chiếc cúp quý giá nhất, “Hang” Giun Vàng, Diệt trừ yêu nữ, “Thắng là out trình, thua là bán”…
Ngoài ra, người hâm mộ Việt Nam cũng dành tình cảm cho một số đội tuyển top đầu nhưng thường xuyên có những tình huống “tấu hài” khác như G2 Esports, Team Liquid hay Astralis… hoặc FaZe Clan. Nhưng tất cả đều không thể so sánh với Na’Vi khi trong các trận đấu có Natus Vincere thi đấu, chỉ có 2 loại người: 1 là fan Na’Vi, 2 là anti Na’Vi, thế thôi.
Playerunknown’s battlegrounds (PUBG): Refund Gaming
Refund Gaming là một trong những đội tuyển đời đầu của PUBG Việt Nam được Streamer Mixigaming thành lập vào cuối năm 2017 đầu 2018. Ban đầu, Refund Gaming chỉ là một tình huống “hốt” các player không thể thi đấu của HS Food vì ViruSs phải làm caster cho giải đấu tực tộc trưởng Độ Mixi. Line up lúc đó bao gồm: MeoU, Pino NTK, FunkyM và DjChip.
Sau một số giải đấu không mấy thành công vào đầu năm 2018, Refund Gaming vẫn thi đấu ổn định cùng với Divine, Pochinki House và GIGABYTE Marines góp mặt tại giải đấu lớn nhất khu vực Đông Nam Á lúc bấy giờ – PUBG Southeast Asia Championship. Dù không được đánh giá quá cao, Refund Gaming lại thi đấu cực kỳ bùng nổ, dành hạng 2 chung cuộc, MVP Sea cho Pino NTK và tấm vé quan trọng góp mặt tại PGI 2018 (CKTG PUBG) được tổ chức tại Đức. Refund Gaming dù không quá xuất sắc tại quốc tế nhưng một top 1 cũng đủ làm nức lòng người hâm mộ tại quê nhà, niềm yêu thích đội tuyển và Streamer Mixigaming cũng từ đó mà lớn dần.
Refund Gaming sau đó thi đấu trật nhịp tại nhiều giải đấu liên tiếp. Tuy nhiên khi ba thành viên: Rambo, ThaiLinhHuong (Nhism) và Snake gia nhập, đội tuyển PUBG quốc dân đã có được chức vô địch Việt Nam đầu tiên – PUBG Vietnam Series 2019. Refund Gaming sau đó còn được tách làm 2 đội tuyển là Refund Alpha và Refund Omega sau khi mua lại lineup của Pochinki House nhưng cũng không đạt được thành công gì quá đáng kể. Quản lý đội tuyển – Mixigaming thu thập ký kiến của những người em và quyết định dừng hoạt động thi đấu chuyên nghiệp tại tựa game PUBG và các thành viên của Refund Gaming chuyển sang mảng streaming và hoạt động cho tới bây giờ.
Tựa game PUBG cũng có rất nhiều đội tuyển chiếm được cảm tình từ người hâm mộ Việt Nam như Divine Esports, SGD, FFQ, GAM, CES, TE,… nhưng Refund Gaming vẫn như một “vết thương lòng” của tình đầu vậy, nó khiến chúng ta không thể quên mà cũng không thể có được cảm giác đó thêm lần nào nữa.
Valorant: Sentinels/Tenz
Valorant mới phổ biến tại Việt Nam trong khoảng 2 năm trở lại đây nhưng cũng đã có được lượng người chơi tương đối ổn định. Các giải đấu cũng đã được Riot Games tổ chức tương đối bài bản với Valorant Champions Tour hàng năm. Theo thống kê mới của Riot Games, cho đến thời điểm hiện tại, Valorant đã có trên 10.000 đội tuyển thi đấu chuyên nghiệp trên toàn thế giới. Valorant Champion 2022 có lượng người xem cực kỳ khổng lồ với con số 1,5 triệu peak viewers, nhiều hơn PGL Rio Major 2022 của tựa game CS:GO.
Đối với người hâm mộ Việt Nam, không có một đội tuyển Valorant nào thực sự chiếm chọn được cảm tình từ người hâm mộ mà thay vào đó là các tuyển thủ xuất sắc. Chúng ta có thể kể đến một vài tuyển thủ xuất sắc trong những năm gần đây của Valorant như nAts, Tenz, Yay, f0rsakeN, derke, Scream, một số thành viên cũ của FPX, OpTic… Tuy nhiên nếu phải lựa chọn 1 đội tuyển nhận được nhiều tình cảm nhất thì có lẽ đó là Sentinels và Tenz trong những ngày thi đấu chuyên nghiệp Valorant đầu tiên.
Nhưng sau hàng loạt thất bại tại các giải đấu quốc tế liên tiếp, lượng fan hâm mộ của Sentinels và Tenz giảm xuống đáng kể. Từ đó người hâm mộ Việt đã công bằng hơn và chuyển sang cổ vũ và hâm mộ nhiều player xuất sắc hoặc đơn giản là trung lập với những trận đấu hấp dẫn.