H.P.Lovecraft, nhà văn kinh dị giả tưởng người Mỹ từng nói: “Thứ tình cảm mãnh liệt và cổ xưa nhất của con người chính là sợ hãi, còn nỗi sợ hãi mãnh liệt và cổ xưa nhất, không gì khác ngoài sự không-biết.” Những tác phẩm sử dụng chủ đề sợ hãi và sự không-biết này xuất hiện vô số trong kho tàng văn học nhân loại, và hiển nhiên cả ở các thể loại khác nữa. Theo sự phát triển của ngành game, những câu chuyện kinh dị và khủng bố cũng nhanh chóng trở thành một thể loại đặc biệt được yêu thích bởi người chơi, khi có thể mang đến cho họ những chuyến mạo hiểm đầy kích thích.
Đối diện với những thứ đáng sợ đang đến gần, con người thường sẽ có hai lựa chọn: phản kháng, hoặc trốn chạy. Game kinh dị cũng thường mang đến cho người chơi 2 loại lựa chọn ấy, để từ đó hình thành nên 2 loại hình ‘game kinh dị’ hoàn toàn khác biệt. Trốn chạy trong tuyệt vọng Đó là những trò chơi chỉ cho phép game thủ chạy trốn và có rất ít cảnh tượng chiến đấu, ví dụ như Outlast 1 & 2 hay series Fatal Frame… Với những game dạng này, game thủ sẽ đóng vai những nhân vật thuộc dạng người thường, bất lực giữa một thế giới đầy rẫy quỷ ma, và vì thế nên luôn cảm thấy sợ hãi, tuyệt vọng. Không có cảnh chiến đấu, nên thứ quan trọng với dạng game này là cách xây dựng bầu không khí cũng như khả năng thiết lập cảnh tượng. Với một tựa game kinh dị dạng chạy trốn thành công, dưới sự ảnh hưởng của thị giác và thính giác, người chơi sẽ trọn vẹn cảm nhận được sự tuyệt vọng của nhân vật, từ đó hóa thân vào nhân vật ấy, và “có được” những trải nghiệm kích thích đến khó quên.
Tất nhiên, khác với phim ảnh, trong game kinh dị dạng này, người chơi sẽ còn có rất nhiều cơ hội để giải đố hoặc đưa ra những lựa chọn khác nhau. Trên thực tế, những chi tiết ấy phần lớn cũng là để game thủ nhập tâm hơn, để rồi bất chợt “dọa” cho họ nhảy dựng với những “trường đoạn quen thuộc”. Tựa game kinh dị dạng chạy trốn thành công nhất gần đây có lẽ là Outlast 2 cũng áp dụng rất nhiều những chi tiết kiểu như vậy, dẫn đến phần lớn người chơi đều vì những lựa chọn sai lầm của mình mà… tự tìm đường chết. Dũng cảm phản kháng Điểm đặc sắc nhất của game kinh dị dạng chiến đấu, hiển nhiên chính là… chiến đấu. Người chơi lúc này sẽ hóa thân thành những nhân vật thuộc dạng tinh anh hoặc siêu phàm, ví dụ như quân nhân xuất ngũ, đặc nhiệm hay thám tử… nói chung là những nhân vật không-phải-người-thường. Lúc này, người chơi sẽ cảm nhận được sự phấn khích khi đóng vai “siêu anh hùng” tả xung hữu đột giữa một rừng những thứ yêu ma quỷ quái (phần lớn là zombie), để từ đó tự tìm cho mình một con đường sống. Điển hình của những tựa game dạng này có thể kể ra đến như Resident Evil, Silent Hill hay The Evil Within… Trong đó, Silent Hill có thể nói là sự kết hợp của cả 2 thể loại (nhưng vẫn có thể chiến đấu ở một chừng mực nào đó chứ chưa đến mức bất lực như game chạy trốn đơn thuần).
Điều quan trọng nhất trong khâu thiết kế của những tựa game kinh dị dạng này, đó là làm sao để duy trì được tính “kinh dị” của trò chơi. Thông thường, khi game vừa bắt đầu, do thiếu thốn tài nguyên (súng ống đạn dược…), nên người chơi sẽ luôn phải duy trì một sự sợ hãi và e ngại nhất định. Tuy nhiên, càng về cuối game, khi mà những thứ vũ khí “hạng nặng” đã trở nên thừa thãi, bạn sẽ rất khó để duy trì cảm xúc này, khi hoàn toàn có thể càn quét lũ yêu ma quỷ quái một cách nhẹ nhàng. Rất nhiều nhà làm game đã mắc phải sai lầm kiểu này, và khiến cho tính chất kinh dị của trò chơi trở nên nhạt hơn rất nhiều. Ngược lại, nếu như thiết kế thành công, thì tựa game của bạn sẽ không chỉ khiến cho người chơi cảm thấy sảng khoái khi được chiến đấu, mà đồng thời cũng cảm thấy sợ hãi trước những mối đe dọa tiềm tàng. Resident Evil 7 có lẽ là ví dụ thành công nhất của thể loại này.