Little Nightmares II có đơn giản là những cơn ác mộng nhỏ bé?
Mono tỉnh dậy trong một khu rừng hoang vắng sau một cơn ác mộng về cánh cửa hình con mắt. Không biết cậu là ai, từ đâu tới, chỉ biết chúng ta sẽ cùng cậu trong suốt cuộc hành trình này, để tìm kiếm một điều gì đó, có thể là sự bình yên, một nơi an toàn trước một thế giới thật nghiệt ngã và tàn khốc.
Thế giới trong Little Nightmares II là một ác mộng, nơi con người bị một thế lực bí ẩn có biểu tượng hình con mắt thống trị. Thế lực này truyền đi một loại tín hiệu qua vô tuyến khiến con người biến dạng, trở nên cực kỳ hung hãn với đủ hình thù gớm ghiếc, và đặc biệt là chúng rất ghét trẻ em.
Rồi Mono gặp Six, hai đứa bé buộc phải nương tựa vào nhau để sống sót. Cùng nhau, chúng dần khám phá được sự thật đen tối đằng sau cơn ác mộng này. Liệu rằng chúng có thay đổi được số phận của mình, một số phận mà dường như đã được sắp đặt?
Kết thúc của các phần Little Nightmares luôn làm tôi phải suy nghĩ. Tôi không nói về các giả thuyết mà tôi có thể đưa ra vì game cố tình bỏ ngỏ để người chơi tự suy đoán, mà tôi nói về bài học rút ra từ tựa game này. Nó làm tôi đặt ra nhiều câu hỏi về bản chất của con người, về cuộc sống, về thế giới xung quanh tôi, về bản thân tôi. Những nhân vật chính lẫn cả phản diện đều gây ấn tượng trong tôi, nhất là những kẻ ác.
Họ cũng từng là người, từng là những đứa trẻ nhưng vì những điều tiêu cực mà họ phải đối diện khi trưởng thành, họ lại mất đi chính mình và dần trở thành một thứ gì đó thật kinh khủng. Ngẫm lại, cái tên Little Nightmares không đơn thuần dịch ra là “Những cơn ác mộng” mà hai đứa trẻ phải trải qua, mà nó còn mang ý nghĩa xâu xa hơn thế.
Một tựa game ẩn chứa quá nhiều thông điệp khó giải
Đối với Little Nightmares II (và cả phần trước đó), mọi thứ đều có ý nghĩa riêng của nó. Đằng sau những màn chơi, các NSX tại Tarsier Studios tại đều gửi gắm vào những thông điệp cho xã hội thời hiện đại như một lời cảnh báo về những gì mà chúng ta có thể đang thực hiện hay đang trở thành trong vô thức:
+ Những đứa học sinh trong ngôi trường của The Teacher được gọi là The Bullies (Bọn bắt nạt) có cấu tạo giống như bằng sứ, có cái đầu rỗng tuếch vì ngay từ nhỏ, chúng đã bị người khác rập khuôn để nhồi nhét mà không hề được bày tỏ cảm xúc hay suy nghĩ riêng của mình.
+ Những bệnh nhân The Patients cũng vì quá ám ảnh với cái đẹp, cái chuẩn của xã hội, tự ti với chính bản thân mình mà chấp nhận đau đớn để rồi nhận lại kết cục thật tồi tệ… The Viewers thì chỉ biết dí mặt vào những chiếc TV, sẽ điên lên nếu như ai đó tắt mất nguồn giải trí đến chết của họ, như thể cuộc sống của họ chỉ xoay quanh cái màn hình đó.
Khi thế giới bị méo mó, con người cũng sống với những điều tiêu cực đó, khiến cho họ như bị nguyền rủa với hình thù kinh hợm và có bản chất thật xấu xa, ác độc. Chỉ có những đứa trẻ là có hình dạng bình thường, có lẽ vì chúng vẫn còn sự ngây thơ và chưa dần bị mất đi bởi những cái xấu xa trong thế giới người trưởng thành. Đáng tiếc điều này không tồn tại lâu và những đứa trẻ ngây thơ thường có cái kết khá tệ trong Little Nightmares.
Những cơn ác mộng không hồi kết trong mỗi chúng ta
Về cơ bản các màn thử thách hay giải đố của Little Nightmares II không quá khó (thậm chí vài màn chơi còn khiến tôi ngạc nhiên vì nó dễ đến mức kinh ngạc) nhưng được sắp xếp vô cùng hợp lý cho từng trường đoạn, quan trọng là trải nghiệm của người chơi qua từng hành động và bối cảnh mà chúng mang lại.
Có một đoạn, Mono làm rơi chìa khoá khiến The Teacher nghe thấy, Mono chỉ việc nhanh chân trốn vào góc tối là an toàn nhưng cái cảnh mụ ta thò cái cổ dài vào phòng khiến tôi sởn hết gai óc. Hay cái lúc Mono cải trang thành một đứa Bully đi qua khu trường học không-khác-gì-sở-thú-điên-loạn, tôi vừa thấp thỏm sợ bị tụi Bullies phát hiện, vừa thấy bất lực với cái thế giới hỗn loạn điên khùng này.
Phong cách của game là không dùng lời thoại mà buộc người chơi phải tinh ý tự đoán về các nhân vật qua những hành động của họ. Đa phần Six khá thụ động, cô bé chỉ đi theo Mono và làm theo những gì Mono sẽ làm. Trong Little Nightmares II, Six chỉ là một AI được lập trình sẵn chỉ hỗ trợ Mono trong vài tình huống nhất định như: đẩy Mono lên chỗ cao, đánh lạc hướng kẻ địch, giúp Mono đẩy vật nặng… nhưng game vẫn đảm bảo ta hiểu được Six và Mono có tính cách như thế nào qua một số hành động của chúng.
Một chi tiết rất hay là nếu bạn đứng gần Six mà nhấn chuột trái, Mono sẽ nắm tay Six. Những khoảnh khắc đáng yêu mà ta không thấy được ở đâu khác trong thế giới này (ngoài những chú Nome). Ngoài ra, Mono có thể nhấn Q để gọi Six đi theo mình. Trong quá trình chơi, hành động này không mang lại tác dụng gì mấy vì Six luôn đi theo Mono mà không cần cậu bé phải gọi. Nhưng bật mí cho các bạn rằng đến màn cuối, nó lại mang một tác động vô cùng quan trọng.
Ý tôi muốn nói ở đây không phải là thao tác nhấn Q, mà là giọng nói của Mono có ảnh hưởng rất lớn với Six. Các bạn hãy trải nghiệm game để hiểu điều tôi muốn nói nhé vì nó mang tính chất spoil. Nếu nhận xét riêng về cách giải đố, game vẫn chỉ xoay quanh những câu đố với thao tác đơn giản như leo trèo, đẩy hoặc ném đồ vật, tìm chìa để mở khoá, những màn lén lút lườn lách khéo léo vượt qua những kẻ địch muốn nín thở và quan trọng là, bạn phải chạy, chạy rất nhiều…
Màn chơi mà tôi ấn tượng nhất có lẽ là khi tôi phải chạy thoát khỏi những con ma nơ canh biết đi. Điểm yếu của chúng là ánh sáng. Thử thách ở đây là Mono phải vừa đi vừa nhanh tay liên tục rọi đèn vào chúng. So với đứa bé tí hon như Mono, tốc độ của chúng rất nhanh. Cảm giác rợn gáy khi bạn chỉ có trong tay một chiếc đèn pin, đi qua những căn phòng tối tăm có dựng đầy những con ma nơ canh để rồi bỗng chốc chúng chạy nhanh tới vồ lấy bạn. Chạy thoát được thì không nói làm gì, đằng này tôi phải chơi đi chơi lại cả hơn chục lần mà lần nào bị bắt cũng đều khiến tôi sợ thót tim.
Một điểm mới mẻ trong gameplay của Little Nightmares II là Mono có khả năng chiến đấu, sẽ có những lúc cậu phải dùng vũ khí để hạ gục kẻ địch, mang lại cho ta trải nghiệm gay cấn và cảm giác chủ động hơn. Chiến đầu trong game khá đơn giản nhưng đòi hỏi sự kiên nhẫn và độ chính xác cao. Mono chỉ có kích thước tí hon so với mọi vạn vật trong thế giới này, nên cậu bé khá chật vật trong việc cầm vũ khí như búa, gậy,…
Những kẻ địch cũng rất lươn lẹo khi chúng biết né đòn hay ập ra một cách bất ngờ. Chỉ cần hụt một nhịp thôi cũng sẽ khó để Mono lấy lại tư thế và xui xẻo nhất là mất mạng. Chưa kể game thuộc thể loại platform đi ngang nên nếu kẻ địch đến từ phía sau, người chơi sẽ khó xác định được khoảng cách chính xác. Ngoài ra Mono còn có khả năng dịch chuyển thông qua những chiếc TV, tuy người chơi không tuỳ ý dịch chuyển mà những chiếc TV đó cũng nằm trong giải đố tuyến tính, nhưng nó cũng mang lại một trải nghiệm mới mẻ khi cậu bé Mono có sức mạnh lạ kì như vậy.
Hãy dành thời gian quan sát một chút về môi trường xung quanh bạn vì có khả năng bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều easter eggs hay collection ví dụ như các kiểu nón mà Mono có thể đội, những bóng ma màu đen hay những achievement. Một tip nhỏ của tôi là hãy đi ngược lại hướng mà bạn định sẽ tiến tới. Có thể bạn sẽ tìm được một lối đi bí mật nào đó.
Không cần sử dụng chiêu trò hù dọa cũng đủ làm ta sợ hãi
Tarsier Studios vẫn rất thành công trong việc tạo dựng một không khí u ám đen tối cho thế giới của Little Nightmares, đồng thời thể hiện được cho chúng ta thấy bằng hình ảnh rằng một cơn ác mộng sẽ trông như thế nào. Những con quái vật từng-là-người dị hợm, toả ra một những nỗi ám ảnh qua từng hành động, cử chỉ của chúng. Bà giáo The Teacher với cái cổ dài ngoằng, những con ma nơ canh quái dị, trông như được ghép ngẫu nhiên từ đủ thứ bộ phận, The Doctor thì như một con ấu trùng hay The Viewer thì như bị hút hết sự sống từ mặt.
Những con quái được miêu tả qua góc nhìn phóng đại đầy sợ sệt của những đứa trẻ, và bản thân tôi cũng trải qua nhiều cảm giác trong số đó như hồi xưa đi học thì sợ giáo viên, đi khám bệnh thì sợ bác sĩ, lớn lên cũng trải qua nhiều cảm giác tự ti, xấu hổ nên cảm thấy những con trùm này đáng sợ hơn bình thường chăng? Thế giới trong Little Nightmares II được miêu tả bởi nền đồ hoạ đẹp mắt, bối cảnh nhiều chi tiết (những hình ảnh tưởng chừng như ngẫu nhiên nhưng đều mang lại một ý nghĩa gì đó khiến game thủ phải lùng sục từng ngõ ngách trong game để đưa ra hàng tá giả thuyết cho nó) cùng với âm thanh và nhạc xuất sắc.
Nhất là có những lúc Mono phải phiêu lưu mà không có Six, mọi thứ xung quanh thật im ắng và tối tăm, chỉ có tiếng bước chân của cậu, tiếng nước nhỏ lỏng tỏng và nhạc nền u rợn, tất cả khiến tôi như bị kéo vào một cơn ác mộng thực sự mà nơi đó chỉ có mình tôi lạc lõng trong bóng đêm. Có những khi Mono chỉ cách Six một bức tường thôi cũng làm tôi đủ sợ rằng sẽ có chuyện gì đó không hay, hai đứa lại bị tách khỏi nhau, tôi lại một mình trong cơn ác mộng này.
Lời kết
Không uổng công người chơi chờ đợi, Little Nightmares II mang lại những trải nghiệm thật tuyệt vời. Cái hay của game không chỉ nằm ở gameplay, đồ hoạ hay âm thanh mà những câu chuyện không lời mà game kể cho chúng ta, những thông điệp mà nhà làm game muốn gửi gắm, những cung bậc cảm xúc mà game mang lại; lúc vui, lúc buồn, lúc hy vọng, lúc tuyệt vọng.
Tuy thời lượng game khá ngắn (khoảng 5 tiếng), nhưng không thể phủ nhận, những trải nghiệm mà game mang lại tác động lên tôi chiếm nhiều thời gian hơn số đó. Tìm hiểu thêm về trò chơi tại trang chủ của NSX: https://www.bandainamcoent.com/games/little-nightmares-2
Chấm điểm: 9/10
Ưu điểm
- Cốt truyện hấp dẫn, mang lại nhiều cảm xúc và nhiều thông điệp giá trị
- Lối chơi có cải tiến rõ rệt so với người tiền nhiệm
- Đồ hoạ đẹp mắt, khắc hoạ được những gì NSX muốn truyền tải
- Nhạc hay, âm thanh xuất sắc cho từng trường đoạn
Nhược điểm
- Các câu đố đôi khi quá dễ đoán, chưa đủ gây nhức đầu
- Góc nhìn ngang đôi khi gây khó khăn cho người chơi khi tìm kiếm đồ vật và chiến đấu
Dù tựa game phiêu lưu kinh dị Little Nightmares II đã gặt hái được thành công lớn với hàng loạt lời khen ngợi nhưng có vẻ như Tarsier Studios không có kế hoạch tiếp tục phát triển thương hiệu này. Embracer Group, công ty mẹ của Tarsier vừa ra thông báo rằng studio game sẽ tập trung vào việc phát triển các tựa game mới.
Lý do cho việc này là bởi vì thương hiệu Little Nightmares thuộc quyền sở hữu của Bandai Namco chứ không phải Embracer. Vì vậy, công ty này quyết định phát triển những cái tên khác để kiếm thêm doanh thu. Chắc chắn Namco Bandai sẽ tiếp tục thương hiệu này những câu hỏi đặt ra chính là liệu cái hồn suốt hai phiên bản vừa qua có được duy trì bởi bàn tay của một NSX khác? Xem thêm chi tiết về vấn đề này tại đây.
Và cuối cùng bạn đã đăng ký kênh Youtube của Kênh Tin Game chưa? Đăng ký đi vì nó miễn phí.