Những ngày qua, truyền thông tại hai xứ sở Anh và Mỹ cũng như cộng đồng game đang làn truyền câu chuyện mơúi nhất về việc game thủ cứu người. Lần này cuộc giải cứu có vẻ ly kỳ và ảo diệu hơn các trường hợp trước đây: Cứu bạn game xuyên lục địa cách nhau 8000 km từ Mỹ sang Anh.
Câu chuyện cứu người xuyên lục địa
Với nhiều người thì cứu một người gặp nạn ngay trước mắt đội khi còn không làm nổi thì ngày 2/1 vừa qua, một nữ game thù 20 tuổi tên Dia Lathora sống tại bang Texas – Mỹ đã cứu mạng thành công người bạn chơi gamer của mình là Aidan Jackson, 17 tuổi, sống tại Widnes – Anh Quốc. Hai người đã có một buổi tối chơi game và voice chat cùng nhau bình thường cho đến khi Dia nhận ra bạn mình đột ngột dừng trò chuyện vả đầu dây bên kia vang lên tiếng động giống như một người bị cơn động kinh ngã ra sàn co giật.
Dia lập tức “Google” tìm số điện thoại cứu hộ khẩn cấp của Châu Âu nhưng vô vọng. Cô liền nghĩ đến cách khó hơn là tìm số điện thoại “không khẩn cấp” (có thể là số liên lạc hành chính) và cuối cùng cô cũng liên lạc được với cảnh sát địa phương nơi Aidan sống để thông báo tình hình kèm địa chỉ mà cô có được trong thời gian trò chuyện với Aidan. Cảnh sát sau khi nhận cuộc gọi đã nhanh chóng cử người đến kiểm tra theo địa chỉ mà Dia cung cấp.
Khá bất ngờ là lúc đó đang là 9h40 tối và bố mẹ Aidan đang có ở nhà, họ không hề biết điều gì đang xảy ra với con trai của mình trên lầu. Hai bậc phụ huynh tỏ ra khá bất ngờ khi có cảnh sát đến gõ cửa và họ khẳng định không gọi cảnh sát và cho rằng có nhầm lẫn. Thật may, vị cảnh sát giải thích rằng cuộc gọi thông báo đến từ Mỹ và con trai của ông bà có thể đang gặp sự cố sức khỏe nguy hiểm. Mẹ của Aidan liền lên lầu kiểm tra và phát hiện cậu con trai đang lả đi. 40 phút sau khi bắt đầu lên cơn động kinh, Aidan được phát hiện và đưa đến bệnh viện.
Cậu game thủ trẻ sau đó tỉnh lại và an toàn trong khi gia đình cho biết đây không phải lần đầu tiên cậu lên cơ động kinh, lần trước đã xảy ra hồi khoảng tháng 5/2019. Bố mẹ của Aidan cũng đã gửi lời cảm ơn đến Dia vì đã kịp thời thông báo cũng như tiến hành một cuộc giải cứu khó tin từ khoảng cách 8000 km xuyên từ Châu Mỹ đến Châu Âu.
Dùng voice chat cứu bạn khỏi tự sát
Thuyết phục một người từ bỏ ý định tự sát là cả một vấn đề mà người lớn đôi khi còn không làm nổi, nhưng với cậu bé 14 tuổi Reilly Howard thì đó là một khó khăn được chinh phục một cách đầy ảo diệu. Reilly sống tại East Hampton – Connecticut và một ngày tháng 10/2019 êm đềm đã thay đổi rất nhanh. Một cậu bạn trong game yêu cầu voice chat riêng và sau đó trút bầu tâm sự của mình một cách đầy ai oán.
Cậu bạn chơi game 13 tuổi sống tại bang Florida đã kể tất cả uất ức của mình ra rồi sau đó òa khóc đến không thể nói chuyện tiếp và cậu đã bày tỏ ý muốn tự tử khi gõ câu chat nói rằng đêm nay sẽ là ngày cuối cùng. Reilly không muốn mất đi người bạn chơi game của mình nên đã cố trì hoãn cuộc nói chuyện suốt 2 giờ sau đó vừa an ủi vừa thuyết phục bạn mình bỏ ý định. Phụ huynh của Reilly trở về sau 2 giờ và đã giúp con trai một tay vừa thuyết phục cậu bé ở Florida gọi cho đường dây nóng ngăn chặn tự sát vừa gọi cho cảnh sát can thiệp. Cuối cùng cậu bạn đã được cứu và trường trung học nơi Reilly đang học đã tuyên dương cậu bé vì hành động cứu người xuất thần này.
Một điều thú vị là các game thủ CS:GO phát hiện trong phóng sự truyền hình về sự việc, Reilly đã cố ý sử dụng cheat khi chơi. Nhiều luồng ý kiến đã được đưa ra có người tin rằng cậu đang troll đài truyền hình địa phương khi cố tình chơi cheat nhưng họ vẫn đưa lên TV vì không biết về game, chứ chả ông xài cheat nào lại đi cố tình khoe lộ đến thế. Cũng có người cho rằng cậu muốn mình trở nên “pro” khi lên TV nên đã làm vậy.
Game kết nối và là công cụ cứu người hiệu quả
Game kết nối người dùng qua các chế độ chơi nối mạng, từ xưa sử dụng chat chữ cho đến thời hiện đại dùng voice chat chả khác nào những cuộc điện thoại không biên giới. Từ đây mở ra nhiều cơ hội để cộng đồng game thủ đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau bằng chính phương tiện trong game của mình. Nhiều người cứ chăm chăm vào mối lo an ninh khi cáo buộc hệ thống liên lạc của game có thể bị lợi dụng để… khủng bố liên lạc với nhau nhưng lại không nghĩ đến việc game thủ dùng để liên lạc vì mục đích cứu người.
Mặt khác, với khoảng cách thế hệ, sự mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình hay những bức bối của cuộc sống khiến nhiều bạn trẻ không dám trải lòng với người thân. Đôi khi họ chọn những người bạn chơi game để tâm sự vì đó là những người cùng sát cánh với nhau qua những gian khó trong game và đôi khi là có cùng lý tưởng, cùng “hợp cạ”. Từ đó chính những người bạn trong game lại là người nắm giữ chìa khóa để cứu giúp lẫn nhau vì họ bất đắc dĩ trở thành bác sĩ tư vấn tâm lý cho nhau giúp nhau vượt qua những khó khăn áp lực.
Với những sự việc trên và nhiều pha cứu người thần thánh khác của các game thủ, chúng ta hoàn toàn có thể tự hào rằng game cũng có thể giúp cứu được sinh mạng. Mà đó lại là trong những tình huống cực kỳ đặc biệt mà cách thông thường khó có thể đạt hiệu quả.