Game Tiếng Việt, cái tên vô cùng thân thương nhưng đã trở thành khao khát cháy bỏng của biết bao thế hệ người chơi tại Việt Nam ngay từ cái thời internet tốc độ cao còn là một trải nghiệm vô cùng xa xỉ. Thường nói nhập gia thì phải tùy tục, các bạn Tây lông đã mang 3 chữ World Wide Web đến cho chúng ta thì thì ắt hẳn cái việc thông thạo ngôn ngữ mẹ đẻ của họ để bơi lội trong thế giới ảo đầy kỳ diệu đó là là chuyện nên làm.
Nhưng buồn thay, vào cái thời sơ khai ấy, không phải tín đồ internet nào cũng rành tiếng Anh và dĩ nhiên càng ít game thủ có thể hiểu trọn vẹn thứ ngôn ngữ trong trò chơi mình yêu thích. Cái khó ló cái nhiều, một hai người mù English ắt không làm nên chuyện nhưng một bầy game thủ cùng mù English nhưng có có bạn bè học chuyên Anh lại mê game hẳn sẽ có khát khao chuyển ngữ game nước ngoài thành tiếng bản địa để hiểu xem thằng cha NPC ấy đang muốn nói cái gì. Đơn giản mà nói thì đó chính nền tảng của những tựa game Việt Hóa đầu tiên.
Lại nói việc đọc hiểu trong game rất quan trọng, không chỉ để hiểu và cảm nhận nội dung cốt truyện mà trò chơi muốn truyền tải. Việc hiểu chính xác NPC đang nói gì rất quan trọng trong công cuộc tiết kiệm tiền giờ chơi cho các game thủ phải ra quán ngồi. Ngày nay ông bạn của Mọt có thể tự hào khoe với những bạn trẻ hơn mình 20 tuổi rằng hồi xưa anh ta rất chi là trâu bò. Thiên hạ chơi game tiếng Anh, còn anh ấy phải chơi game tiếng Nhật mới thượng đẳng.
Thực tế anh chả hiểu NPC hay cốt truyện gì cả, chỉ được cái rất kiên nhẫn nên nhiệm vụ yêu cầu giao thứ gì đó thì cứ từ từ thử từng món một, đến khi nào nhiệm vụ hoàn thành thì thôi. Nhưng mà bạn ơi, bạn rảnh không có nghĩa là người ta cũng rảnh như bạn. Bạn có tiền trả cho năm bảy tiếng đồng hồ ngồi mò, không có nghĩa người ta cũng có điều kiện như bạn. Tiếng Nhật thì thôi hardcore quá không nói nhưng chơi game tiếng Anh mà không hiểu cái thằng đối diện nói gì, toàn phải đoán mò thì cũng mất công mất sức thật.
Thế nên mới có nhiều nhóm dịch thuật game tại các diễn đàn lớn như Veno, GVN, VoZ, VnS… được lập ra để chiêu mộ nhân tài về chuyển ngữ. Dịch game? Nói nghe thì dễ vì gọn lỏn có hai chữ nhưng thực tế bắt tay vào làm thì các khâu linh tinh trong đó nó nó giải nén ra hai trăm vạn chữ vẫn còn ít. Nói một cách đơn giản và ngắn gọn thì dịch một văn bản thông thường đã không dễ với dân không chuyên.
Đằng này câu chuyện dịch game thì việc đầu tiên là bạn phải bóc tách cơ sở dữ liệu của trò chơi đó để lấy bằng hết các file text để dịch. Dịch xong chưa phải hết chuyện, có những chữ tiếng Anh khi xuất hiện trong game rất ngắn và gọn, nhét vào giao diện bao đẹp. Nhưng chuyển ngữ xong thì ôi thôi nó dài một cách thái quá, nhét vào game, bể khung, vỡ hình, lỗi giao diện… đủ các thể loại rắc rối. Có thể nói việc đưa ngược trở lại hệ thống mà không tạo ra thiên tai hay phá hủy cả vũ trụ đã là cả một thành tựu lớn lao ngay cả khi chúng ta được hỗ trợ với công nghệ tận răng như hiện tại.
Thế mới nói ngày xưa, các nhóm Việt hóa game đã vất vả thế nào mới hoàn thành xong một sản phẩm? Cũng đổ không ít mồ hôi và tốn khá nhiều chất xám đó ha. NHƯNG do làm vì đam mê, không doanh thu, chẳng lợi nhuận, các nhóm Việt Hóa đời đầu chỉ có thể duy trì vì tình yêu của mình với các dự án. Tất nhiên tình yêu đẹp cỡ nào rồi cũng sẽ gục ngã trước bài toán cuộc sống thực tế. Dần dà họ tan rã theo thời gian và bỏ lại các dự án Việt hóa dang dở, chỉ còn sót một vài cá nhân trong tiếp tục theo đuổi đam mê nhưng không ổn định vì còn bận làm việc khác để có cái bỏ vào mồm.
Đến năm 2014 khi Romhackingvn ra đời dân tình mê chơi game nhưng dở tiếng Anh hào hứng lắm vì cuối cùng lại có một băng đảng có vẻ to chuyên Việt hóa game xuất hiện. Đó cũng là tiền thân cho hội nhóm Game Tiếng Việt sau này với các dự án quy mô như The Witcher 3, Dark Soul hay mới đây nhất chính là God of War 2018 khi tựa game độc quyền này được Sony mở cửa để bước chân lên mảnh đất PC đầy màu mỡ.
Nói sao ấy nhỉ, ừ thì Game Tiếng Việt cũng có nhiều sản phẩm tốt nhưng phốt khi dịch game của họ thì cũng nhiều không kém. Đầu tiên là The Witcher 3 với nghi án chôm chỉa chất xám của diễn đàn Việt Hóa Game. Vụ bốc phốt đình đám hồi 2017 rồi thì cũng chả đi đến đâu nhưng ai trong cuộc thì chắc tự có câu trả lời, rất nhanh sau đó Game Tiếng Việt lại gây tiếng vang với dự Dark Souls 3 nhưng toàn bộ nhân vật, địa danh và lời thoại đầu sặc mùi kiếm hiệp.
Khỏi nói cũng biết cái ý tưởng cực kỳ hoang đường này đã khiến người đứng đầu dự án bị cộng đồng fan Dark Souls Việt Nam chỉ trích thậm tệ. Nhưng thôi chuyện cũ bỏ qua vì cái đó nó cũng xưa như trái đất thời tiền sử rồi. Nhưng có lẽ Game Tiếng Việt sẽ không còn là Game Tiếng Việt nếu như không tạo phốt. Mới đây nhất khi siêu phẩm God of War cập bến PC vào ngày 14/1 vừa qua, Game Tiếng Việt đã rất nhanh chóng đón đầu xu hướng khi tung ra bản patch Việt hóa vào ngày 18/4. Tất nhiên bản patch này cũng chỉ được tung ra sau hơn 3000 lượt tương tác ngay trên fanpage của nhóm.
Đáng lẽ đây là câu chuyện đẹp khi một nhóm chuyên Việt hóa game đã chứng tỏ họ biết cách chiều lòng fan như thế nào. Nhưng buồn thay cái kết lại vỡ mặt khi nhiều người sử dụng bắt đầu đưa ra bằng chứng về việc patch Việt hóa của God of War có đi kèm thứ vài thứ kỳ lạ rất không đứng đắn. Theo đó rất nhiều bài đăng của những game thủ đã tải về bản patch cho thấy có phần mềm gián điệp với chức năng đào tiền ảo ở trong đó.
Vẫn chưa thể xác định được cáo buộc này là đúng hay sai vì đến thời điểm hiện tại Game Tiếng Việt chưa đưa ra phản hồi cụ thể nhưng có lẽ họ nên có câu trả lời càng sớm càng tốt vì số lượng các bài cảnh báo đang xuất hiện càng lúc càng nhiều. Vẫn biết không phốt thì không phải Game Tiếng Việt nhưng trong trường hợp này giải thích theo hướng chung chung chưa hẳn là câu trả lời phù hợp.
Còn nhớ cách đây không lâu hãng bảo mật NortonLifeLock (trước đây là Symantec) đã bị người dùng chỉ trích vì tính năng giúp khai thác tiền điện tử, được tích hợp sẵn trong phần mềm diệt virus Norton 360 của họ. Vấn đề nằm ở chỗ phần mềm diệt virus của Norton luôn tìm mọi cách để cài ứng dụng đào tiền mã hoá lên máy tính của người dùng để lấy hoa hồng bất kể họ có muốn hay không. Khi ra mắt, hãng cho biết đây là giải pháp giúp người dùng khai thác tiền điện tử một cách an toàn, thay vì tải những phần mềm đào trên Internet vốn có thể chứa mã độc.
Nhưng thực tế lại cho thấy để xóa đi công cụ “tặng” kèm này cần đến quyền quản trị viên máy tính. Nhưng ngay cả khi đã cấp quyền, người sử dụng vẫn không thể loại bỏ hoàn toàn tệp tin NCrypto.exe. Tệp này cũng có thể được tự động cài đặt trở lại mỗi khi người dùng cập nhật ứng dụng. Có thể thấy trường hợp của Game Tiếng Việt cũng khá tương đồng như câu chuyện từng xảy ra với NortonLifeLock trước đây.
Ngoài ra cũng nên ghé thăm fanpage Gosugamers Vietnam khu vườn địa đàng với hàng ngàn tin tức Esports và 7749 loại meme/video… vui tính hơn cả crush của bạn. LIKE NGAY ĐỂ CẢM NHẬN.
Cuối cùng bạn có sẵng sàng "tám" xuyên biên giới tại Gia đình Kênh Tin Game, nơi có những thiên tài như Elon Musk, bí ẩn như Dr.Strange và lịch lãm như Constantine?