Tình trạng hack/cheat luôn là vấn nạn gây nhức nhối cho cộng đồng và cần phải triệt để ngăn chặn. Tuy nhiên, nhà sản xuất PUBG Corp nhận thấy việc truy quét những tay chơi dùng hack chỉ giải quyết bề nổi của vấn đề. Vì thế, nhà sản xuất quyết định nhắm đến phần “gốc rễ” – chính là những thành phần phát triển, quảng bá và bán các chương trình hack.
Theo lá thư từ đội ngũ Anti-Cheat chia sẻ, để ngăn chặn tình trạng phần mềm gian lận ngày càng phổ biến tràn lan, PUBG Corp đã bắt tay phối hợp với các cơ quan hành pháp, cùng văn phòng luật ở nước ngoài, để triển khai những đợt truy quét cực mạnh cả trong và ngoài nước. Dưới đây là kết quả thu được trong năm 2018, với sự trợ giúp nhiệt tình từ phía Tencent tại khu vực Trung Quốc.
41 đối tượng đã bị bắt tại Liên Vân Cảng, Trung Quốc vào tháng 1 năm 2018
3 đối tượng bị bắt tại Hoài An, Trung Quốc vào tháng 2 năm 2018
11 đối tượng bị bắt tại Tương Dương, Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 2 năm 2018
141 đối tượng bị bắt tại Nam Kinh, Trung Quốc vào tháng 4 năm 2018
1 đối tượng bị bắt tại Hoài An, Trung Quốc vào tháng 4 năm 2018
6 đối tượng bị bắt bởi Cơ quan cảnh sát đô thị Daejeon, Hàn Quốc vào tháng 8 năm 2018
1 đối tượng bị bắt tại Ôn Châu, Trung Quốc vào tháng 9 năm 2018
3 đối tượng bị bắt tại Đường Sơn, Trung Quốc vào tháng 10 năm 2018
34 đối tượng bị bắt tại Ôn Châu, Trung Quốc vào tháng 10 năm 2018
11 đối tượng bị bắt bởi đồn cảnh sát Yangcheon, Hàn Quốc vào tháng 10 năm 2018
Tính ra, có tổng cộng 235 tay làm hack bị bắt giữ tại Trung Quốc và 17 kẻ khác bị bắt tại Hàn Quốc vì tội danh tương tự.
Ngoài các kết quả được đề cập ở trên, PUBG Corp hiện đang điều tra việc bán các chương trình hack với Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc, các công ty luật và các cơ quan bảo vệ bản quyền, cùng với việc theo dõi các tay phát triển hack.
Rõ ràng, với sự bùng nổ mạnh mẽ của những gương mặt mới như Apex Legends, PUBG cần phải mạnh tay thanh lọc thành phần xấu để lấy lại lòng tin từ những người đã quay lưng với trò chơi bởi vấn nạn Hack/Cheat.