Lâu nay game nói chung luôn phải nhận một cái nhìn không mấy thiện cảm từ phía thầy cô, gia đình và xã hội. Anh em ta chỉ cần ngồi vào máy tính là ngay lập tức bị gắn cái mác “nghiện game” dù đang chăm chỉ học hành, kiếm tài liệu online… Quả thực vô cùng oan ức.
Tuy nhiên bất ngờ thay, cộng đồng Liên Minh Huyền Thoại (LMHT) đang truyền tay nhau một đề thi Vật Lý, được coi là minh chứng nhãn tiền cho việc game đang dần được công nhận. Thậm chí thầy/cô ra đề còn am hiểu tường tận về khu rừng Summoner’s Rift và cả các tướng chạy nhanh nhất trong Đấu Trường Công Lý để cho một bài tập không thể… “chất” hơn.
Cụ thể, trong đề thi Vật Lý khối 10, thời gian làm bài 1 tiết bao gồm 4 câu về tính toán chuyển động. Nhưng bất ngờ hơn cả, giáo viên đã cài cắm nội dung trong game để yêu cầu sự tính toán của các bạn trẻ vô cùng thú vị.
Anh em hãy để ý bài 4 trong đề nhé:
Trong khu rừng thần thoại Summoner’s Rift, sau khi trải qua nhiều vòng loại của cuộc thi “Ai chạy nhanh nhất”, trận chung kết diễn ra với sự tranh tài của 3 con vật:
– Chim ưng Quinn. Con này có khả năng bay lượn nhanh và chuyển động thẳng đều với vận tốc 480m/s.
– Tê tê gai Rammus. Con này ban đầu xuất phát và di chuyển đều với vận tốc 400m/s, sau 5 giây Rammus sử dụng phép thuật “Quả Cầu Tốc Độ” và chuyển động đều với vận tốc 550m/s trong quãng đường còn lại.
– Nhân mã Hecarim. Con này xuất phát với vận tốc 360m/s. Sauk hi chạy đều trong 2 giây, sử dụng kỹ năng “Vó Ngựa Hủy Diệt” nên chuyển động nhanh dần đều với gia tốc 20m/s.Biết đoạn đường đua thẳng dài 4800m và các con vật xuất phát cùng thời điểm.
Theo bạn con vật nào đích đầu tiên?
Có thể thấy cả 3 tướng Quinn, Rammus và Hecarim đều là những ứng cử viên cho chức vô địch chạy… “gank tem”. Rõ ràng, phải là game thủ LMHT thứ thiệt mới biết được điều này, vậy nên nhiều người cho rằng thầy cô cũng đã chơi qua tựa game hiện đang rất hot trong giới trẻ.
Câu hỏi đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình tới từ phía cộng đồng game thủ LMHT. Một phần vì sự dễ thương, mặt khác vẫn đảm bảo được chất lượng của đề thi. Bởi học sinh sẽ phải tính toán thời gian hoàn thành quãng đường của từng tướng, dựa theo các dữ kiện của đề bài. Nếu không cẩn thận vẫn sẽ nhầm như thường.
Có lẽ cũng cần xuất hiện nhiều hơn các đề thi như vậy, thay vì các con số khô khan. Với những ví dụ sinh động, gần gũi thì học sinh cũng dễ dàng tiếp nhận kiến thức và tăng khả năng tư duy, học hỏi. Và chắc chắn game thủ sẽ ủng hộ đề thi như thế này lắm đây.