Xuất thân trong một gia đình có truyền thống yêu nước và hiếu học tại một tỉnh miền núi Tây Nguyên, có lẽ vì thế mà ngay từ khi còn nhỏ, tình yêu nước tha thiết đã thấm nhuần vào cả trái tim và khối óc của Nam Gâugâu. Để rồi khi lớn lên, chàng trai ấy không chỉ theo học một chuyên ngành liên quan đến quản lý Nhà nước, mà còn hết mình đáp lại lời kêu gọi tham gia công tác chống dịch tại Tp.HCM khi đăng ký trở thành sinh viên tình nguyện trong thời điểm đại dịch Covid-19 đang ở giai đoạn căng thẳng chưa từng thấy. Những tưởng một “profile” có phần nghiêm túc như vậy sẽ chẳng có mối liên hệ nào với giới streamer náo nhiệt trên cõi mạng Internet. Nhưng không, sau những giờ học tập hăng say trên lớp hay căng mình trực chốt kiểm soát dịch bệnh, chàng trai nhiệt huyết ấy lại “lột xác”, hóa thân thành một streamer tài năng, hoạt bát, truyền năng lượng tích cực đến cộng đồng.
Ngày hôm nay, Gamehub may mắn có một buổi trò chuyện cùng với anh chàng Streamer đặc biệt Nam Gâugâu. Bạn đọc hãy cùng ban biên tập tìm hiểu và lắng nghe câu chuyện của anh chàng trẻ tuổi vừa đam mê game lại vừa đam mê công tác xã hội này nhé! Xin chào Nam Gâugâu, bạn có thể giới thiệu đôi nét về bản thân cho độc giả của Gamehub được biết không?
Xin chào mọi người, mình tên là Phạm Phương Nam (22 tuổi) đến từ Lâm Đồng. Hiện mình đang là Streamer tại Fanpage Nam Gâugâu. Mọi người xung quanh nhận xét mình là người hoạt ngôn và hài hước, có chuyện gì cũng có thể nói được. Mình cảm thấy đó là điểm đặc biệt ở bản thân khiến mọi người ấn tượng và nhớ nhất khi nghĩ đến mình. Mỗi buổi livestream, mình thường dành ra khoảng 30 phút đến 1 tiếng để tán gẫu cùng người xem. Đó là cách để mình và mọi người có thể cùng nhau chia sẻ những câu chuyện buồn vui trong ngày, sau đó mình vừa chơi game vừa tấu hài để mang đến tiếng cười thư giãn cho người xem. Theo như Gamehub được biết, Nam bắt đầu livestream từ khoảng đầu năm 2018 đến nay đã được gần 4 năm. Vậy cơ duyên nào đưa bạn đến với con đường trở thành một Streamer và lý do gì khiến bạn gắn bó với công việc này đến vậy? Từ hồi cấp 3, mình đã bắt đầu có những khái niệm đầu tiên về “livestream” cũng như “streamer” do thường xuyên theo dõi anh PewPew – Một trong những “tượng đài” Streamer đời đầu tại Việt Nam. Khi đó mình đã rất ấn tượng công việc này, vì mỗi khi "lên sóng" sẽ được trò chuyện cùng mọi người, hơn nữa mình thấy việc livestream khá phù hợp với một người có tính cách vui vẻ, ham học hỏi và muốn làm người khác vui như mình. Chính vì thế đến năm 2017, sau khi thi đỗ chuyên ngành Quản lý Nhà nước, trường Học viện Cán bộ TP.HCM, mình đã vừa học vừa livestream cho thỏa đam mê bấy lâu. Đến đầu năm 2018, được bố mẹ thấu hiểu và hỗ trợ dàn máy tính thì mình bắt đầu livestream tại nền tảng Facebook Gaming đến tận bây giờ. Dù rất yêu thích livestream, nhưng mình còn thích học hơn nữa. Mình luôn đặt việc học lên hàng đầu nên hiện tại mình đã hoàn thành xong chương trình Đại học, đang đợi lấy bằng để không phụ lòng gia đình. Trở thành một Streamer đã mang tới những điều thú vị nào cho bạn? Và ngược lại, bạn có gặp khó khăn gì không? Sau khi thực hiện được điều mà mình mong ước bấy lâu, đương nhiên là mình cảm thấy rất vui, rất thích. Bên cạnh việc có thêm thu nhập hàng tháng để chi tiêu cho sở thích cá nhân, thì mình còn được giao tiếp với nhiều người hơn nên mối quan hệ cũng được mở rộng, ngày càng có nhiều bạn biết đến mình hơn. Livestream còn giúp mình có thêm nhiều kiến thức về kỹ năng mềm, để mình biết phải làm gì để thu hút người xem hơn cũng như các cách xử lý tình huống khác nhau, giúp đỡ mình cho công việc chuyên ngành quản lý sau này. Nhưng một tảng băng nổi thì lúc nào cũng có phần chìm mà ít người biết đến, làm Streamer cũng vậy. Hào quang cùng sự nổi tiếng là điều mình không phủ nhận nhưng khó khăn, thách thức thì vẫn luôn tồn tại song song với nó. Thời gian đầu mới livestream, có hôm mình lên sóng mà chẳng có ai xem hoặc chỉ 1-2 "mắt" khiến mình khá nản. Mình tốn rất nhiều thời gian để suy nghĩ làm sao có thể phát triển page, đưa hình ảnh cá nhân đến với nhiều người hơn, ... Hai năm đầu miệt mài livestream, số tiền mà mình kiếm được còn không đủ trả tiền điện, tiền mạng hàng tháng. Điều đó làm mình đắn đo khá nhiều và do dự có nên từ bỏ, nhưng may mắn thay mình đã có sự giúp đỡ từ hậu phương gia đình để có thể vừa học vừa tiếp tục đam mê. Thời gian đầu mới lên Đại học, mình còn bỡ ngỡ với chương trình học hoàn toàn khác với học sinh cấp 3 nên không sắp xếp được thời gian biểu một cách khoa học để vừa học vừa live. Rất may là sau nhiều cố gắng, mọi thứ đã ổn thỏa và đi vào đúng quỹ đạo. Tưởng vậy là đã yên bình nhưng hóa ra khó khăn vẫn cứ trập trùng như núi, sau vấn đề kinh tế và thời gian biểu thì mình lại phải đối mặt với việc page bị "đánh gậy" vì vi phạm Chính sách của Facebook. Công sức xây dựng Fanpage đầu tiên được 18.000 follow, livestream ổn định với khoảng 100 viewer của mình đã "bỏ sông bỏ biển" khi mình quyết định xóa page và làm lại mọi thứ từ con số 0 vì không thể kháng nghị được.
Nhưng có dại thì mới có khôn, mình rút kinh nghiệm từ lần đầu lập fanpage và quyết tâm gầy dựng lại tất cả. Và có lẽ thành công luôn đứng về phía người biết cố gắng, mình duy trì livestream ở page mới dù số người xem ít ỏi hơn trước rất nhiều và bước ngoặt đã đến khi mình tham gia giải PUBG Mobile UEC Xgaming dành cho sinh viên toàn quốc năm nay. Kể từ đó, fanpage của mình đã có những phát triển tốt hơn, đến nay đã có hơn 12.000 follow. Mình cũng đã tìm một ngôi nhà mới là chương trình OTA Plus của OTA Network, đối tác chính thức của Facebook Gaming tại Việt Nam và được các anh chị của chương trình giúp đỡ rất nhiều. Nghe bạn tâm sự, Gamehub nhận thấy con đường trở thành Streamer của bạn không hề dễ dàng. Vậy khi biết bạn làm công việc này, gia đình, bạn bè và người thân có ủng hộ (hay phản đối) không? Mình may mắn được gia đình và bạn bè ủng hộ, hỗ trợ rất nhiều. So với hồi cấp 3 còn có phần trẻ dại thì khi lên Đại học mình đã trưởng thành hơn khi sống trong một môi trường mới, rời xa vòng tay của gia đình. Thấy được sự thay đổi tích cực của mình, bố mẹ cũng yên tâm phần nào. Bạn bè mình thì giúp đỡ bằng cách like, share những buổi livestream đầu tiên của mình. Thời gian ấy chủ yếu viewer toàn là người quen, những người thân yêu quý mình nên xem ủng hộ. Dần dần sau này có những người bạn cùng ngành nổi tiếng hơn cũng share livestream, giúp mình có nhiều người xem và được biến đến hơn nữa. Mình rất cám ơn sự hỗ trợ này của mọi người. Sau khi trở thành Streamer, bạn thấy mình có những thay đổi như thế nào? Sau khi trở thành Streamer thì mình thấy tinh thần bản thân vui vẻ hơn, chém gió "đỉnh cao" hơn, giao tiếp hoạt ngôn hơn, xử lý tình huống tốt hơn. Có lẽ sức khỏe của mình là điều duy nhất thay đổi theo hướng tiêu cực, mình đã tụt khoảng 5-7kg khi làm công việc này, vừa học, vừa làm khiến mình suy nghĩ nhiều từ đó gầy đi. Tuy nhiên, hiện tại mình đã cân bằng được cuộc sống và duy trì cân nặng ở mức khỏe mạnh.
Mình cũng quen biết nhiều hơn với các anh em cùng làm Streamer và các Gamer chuyên nghiệp. Ngoài đời thì mình được mọi người chú ý hơn nên mình cũng thấy rất vui, tuy mình không nổi tiếng nhưng nhiều viewer vẫn muốn gặp mình. Trong lần ra Hà Nội tham dự chung kết giải UEC XGAMING 2021, các anh em xem live của mình cũng đi đường xa đến địa điểm thi đấu để gặp mình. Mình thấy rất hạnh phúc vì với mình, thành công của một Streamer chính là được mọi người đón nhận và quý mến. Rất cám ơn Nam Gâugâu đã dành thời gian trò chuyện cùng Gamehub. Trước khi chào tạm biệt với độc giả, bạn có lời nào muốn gửi đến mọi người cũng như một số bạn trẻ đang muốn đi theo con đường của bạn không? Mình chỉ muốn nói với mọi người rằng: Hãy cố gắng làm việc thật chăm chỉ và chuyên nghiệp, livestream đúng giờ, cố gắng cải thiện phong cách nói chuyện của bản thân, trau dồi kỹ năng chơi game. Có một bí quyết nhỏ mà mình đúc kết được là hãy tránh live cùng giờ các Streamer lớn, khi họ ngủ thì mình làm, khi họ làm thì mình ngủ. Hãy kiên trì, cố gắng thì thành công sẽ đến với bạn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có câu thơ:
Độc giả quan tâm có thể theo dõi livestream cũng như ủng hộ streamer Nam Gâugâu tại:
Mọi phản hồi về bài viết, cung cấp thông tin hoặc liên hệ đăng bài xin gửi về địa chỉ Email Mr. Duy (Tổng biên tập): [email protected]