Nguyên nhân khiến bạn thường xuyên thức dậy vào một giờ cố định mỗi đêm

Thức dậy lúc nửa đêm thông thường không phải là một hiện tượng đáng ngại, nhưng dưới đây là một vài cách để bạn cải thiện sức khỏe của mình. 

TIN LIÊN QUAN

Hẳn bạn đã ít nhất một lần trải qua việc thức dậy vào lúc nửa đêm ở một giờ cố định liên tục trong nhiều ngày. Đây không phải là một tình trạng sức khỏe đáng lo ngại, nhưng việc diễn ra thường xuyên có thể ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ.

Tại sao chúng ta thao thức trong đêm

Nhà tâm lý học và chuyên gia về giấc ngủ Alexa Kane, PsyD, cho biết:

“Tại một thời điểm nào đó trong đêm, bạn sẽ thức dậy, có thể là do ngưng thở khi ngủ hoặc nghe tiếng trẻ con khóc. Cơ thể bạn trở nên quen với điều đó.”

Nhưng dù là vì lý do gì đi nữa, thức giấc vào ban đêm là một hiện tượng phổ biến và thường vô hại, đặc biệt nếu bạn dễ ngủ trở lại. Điều này cũng không dẫn đến tình trạng mất ngủ lâu dài.

Khi nào thì thức giấc thường xuyên là một vấn đề?

Nếu bạn nhiều lần thức dậy vào ban đêm vào giờ cố định, sau đó trở nên tỉnh táo mà không ngủ lại được thì câu chuyện bắt đầu trở nên nghiêm trọng. Tiến sĩ Kane nói:

“Nếu bạn thức dậy và bắt đầu cảm thấy lo lắng, bồn chồn hoặc thất vọng, bạn có thể đã kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm. Khi điều này xảy ra, não của bạn sẽ chuyển từ chế độ ngủ sang chế độ thức. Tâm trí của bạn có thể bắt đầu quay cuồng, nhịp tim và huyết áp của bạn có thể tăng lên. Điều đó khiến bạn khó ngủ lại hơn rất nhiều”.

Phản ứng căng thẳng này có thể dẫn đến mất ngủ, rối loạn giấc ngủ toàn diện.

Thường xuyên thức dậy vào ban đêm cũng có thể là một triệu chứng của chứng ngưng thở khi ngủ. Ngoài việc khiến bạn thức giấc, chứng ngưng thở cũng làm rối loạn nhịp tim và giảm lượng oxy đến cơ thể.

Một vài triệu chứng khác của chứng ngưng thở khi ngủ bao gồm: Ngáy, bị giật mình khi tỉnh giấc, ban ngày buồn ngủ hoặc mệt mỏi.

Tiến sĩ Kane nhấn mạnh nếu gặp những triệu chứng như trên, bạn cần đến gặp các chuyên gia hoặc bác sĩ về giấc ngủ.

Làm gì khi thường xuyên thức dậy trong đêm

Mỗi khi hiện tượng này xảy ra, hãy dành cho mình 15 đến 20 phút để chìm lại vào giấc mơ. Tuy nhiên nếu thức lâu hơn thế, bạn nên ra khỏi giường.

Cô nói: “Bộ não của chúng ta có tính liên kết cao. Điều đó có nghĩa là nếu chúng ta ở trên giường trong một thời gian dài khi không ngủ, bộ não của chúng ta có thể liên kết chiếc giường với các hoạt động tỉnh táo như lo lắng và lập kế hoạch, thay vì ngủ. Ra khỏi giường phá vỡ sự liên kết đó”.

Sau khi rời giường, bạn có thể làm một vài hoạt động để thúc đẩy giấc ngủ như: tập thở sâu, suy nghĩ, đọc một thứ gì đó nhàm chán, tuyệt đối không sử dụng điện thoại di động hay làm điều gì khiến bộ não nghĩ rằng đã đến lúc phải thức dậy và làm việc.