Nhật Bản siết chặt luật lệ đối với "nghề" game thủ chuyên nghiệp

Đây là một sự thay đổi trọng đại đối với nền esport cũng như sự nghiệp của các game thủ chuyên nghiệp tại xứ sở hoa anh đào.

Ở Nhật Bản, trước đây, bất cứ game thủ nào có thể kiếm ra tiền nhờ việc chơi game đều có thể gọi là/tự nhận là game thủ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, điều này sẽ bị thay đổi kể từ năm 2018, khi mà chính phủ nước này đã thành lập một cơ quan mới để quản lý việc cấp chứng chỉ cho các game thủ chuyên nghiệp đúng nghĩa. Cơ quan mới mang tên Japan Esport Union (JESU), được hỗ trợ bởi các tổ chức esport lớn nhất Nhật Bản như CESA hoặc JAMMA sẽ cấp chứng chỉ cho những game thủ sở hữu các danh hiệu và giải thưởng từ các giải đấu xác định. Với sự thành lập của JESU, game thủ chuyên nghiệp sẽ trở thành một nghề hợp pháp tại Nhật Bản, được chính phủ của quốc gia này công nhận và hỗ trợ về mặt luật pháp cũng như các thủ tục pháp lý.

Để trở thành một game thủ chuyên nghiệp được cấp phép, các game thủ Nhật Bản phải thỏa mãn 4 điều kiện được Japan Esport Union đặt ra dưới đây: - Tự nhận thức về sự chuyên nghiệp của bản thân - Tôn trọng tinh thần thể thao khi thi đấu/chơi game - Tập luyện chăm chỉ để có được những kết quả ấn tượng trong các giải đấu được JESU công nhận. - Cống hiến cho sự phát triển của nền esport nước nhà. Hiện tại, JESU mới chỉ chính thức công nhận Winning Eleven 2018, Call of Duty: WWII, Street Fighter V: Arcade Edition, Tekken 7, Puzzle & Dragons và Monster Strike là các tựa game chuyên nghiệp (game thủ của các tựa game này mới được công nhận là game thủ chuyên nghiệp). Những tựa game khác sẽ sớm được chính thức xác nhận trong tương lai gần.

Giấy phép được cấp cho các game thủ chuyên nghiệp sẽ có hiệu lực trong vòng 2 năm. Bên cạnh việc thi đấu tốt trong các giải đấu được công nhận bởi JESU, những game thủ này còn cần ký kết vào một văn bản đảm bảo rằng mình sẽ tuân thủ theo 4 điều luật nói trên và tham gia vào một khóa ngắn hạn. Hiển nhiên, một cơ quan với các đạo luật chặt chẽ như thế này sẽ mang lại không chỉ sự ưu đãi mà còn cả bất tiện cho các game thủ muốn theo đuổi con đường chuyên nghiệp. Ngoài ra, tuy ngành game tại Nhật Bản rất phát triển, nhưng nền esport của nước này lại đi theo một con đường tương đối biệt lập, khi chỉ nổi trội ở thể loại đối kháng và hầu như vô danh ở các hạng mục khác. Sự hợp pháp hóa game thủ chuyên nghiệp liệu có thể thay đổi điều này và ghi dấu ấn của Nhật Bản lên bản đồ esport thế giới, hay sẽ chỉ mang đến sự lụi tàn bởi những điều luật chặt chẽ nói trên? Chúng ta hãy cùng chờ xem.