Đời đi học, ít nhiều chúng ta đều được nghe những câu chuyện ma quái liên quan đến ngôi trường chúng ta đang theo học. Ma nhà vệ sinh, ma ký túc xá, đủ các thể loại. Một dạo, người viết có nghe được ở đâu đó rằng trường học là địa điểm công cộng, không được trấn yểm kỹ càng như nhà riêng nên các hồn ma có thể tự do trú ngụ. Dĩ nhiên, đó chỉ là những lời đồn thổi, chưa biết thực hư ra sao nhưng rõ ràng, rất nhiều game và phim kinh dị đều lấy bối cảnh trường học.
Cái tên tiêu biểu nhất phải kể đến là Detention của Đài Loan (đáng tiếc, đã bị bay màu khỏi các cửa hàng game vì bôi nhọ chủ tịch Tập Cận Bình). Detention lấy bối cảnh trường học với nhân vật chính Phương Nhuế Hân đang ngủ gật trong lớp. Khi tỉnh giấc, cô chỉ thấy Ngụy Trọng Đình. Theo lời Trọng Đình thì cả trường giờ chỉ còn lại hai người họ sống sót. Cả hai tìm đường trở về nhà nhưng cây cầu đã bị lũ cuốn trôi và dòng sông chuyển thành màu đỏ của máu. Hai người quyết định quay trở lại trường học và ngồi chờ trong lớp học của Trọng Đình trong khi cậu đi tìm điện thoại để cầu cứu. Sau đó, một lần nữa, Nhuế Hân tỉnh dậy nhưng Trọng Đình đã chết, xác chết của cậu ta bị treo ngược lơ lửng và tất cả biến thành một màu đen u tối.
Đây là Đài Loan của những năm 1960 và trường học lúc đó không đơn giản chỉ là nơi để học. Đó là thời kỳ thiết quân luật “Khủng bố Trắng” ở Đài Loan diễn ra, hàng trăm nghìn người Đài Loan đã bị cầm tù, trong đó có đến 3-4.000 người bị xử tử do chống đối chính phủ Trung Quốc Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch. Trường học trong Detention cũng u ám hệt như lịch sử thời điểm đó, đầy rẫy xác sống và máu me. Không đâu truyền bá tư tưởng chính trị tốt hơn ở trường học nên đây thường là nơi bị chính phủ nhắm đến khi muốn đàn áp các phong trào biểu tình. Trong Detention, học sinh, thậm chí cả giáo viên cũng bị truy tố vì chính phủ lo ngại chúng rặt đều là lũ có tư tưởng phản quốc. Những yếu tố kinh dị trong game một lần nữa tô đậm thêm nỗi kinh hoàng trong lịch sử lúc đó. Vụ thảm sát Thiên An Môn cũng là ví dụ điển hình về sự đàn áp dã man của chính phủ với các sinh viên vì biểu tình chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Detention không phải là trò chơi duy nhất đề cập đến khía cạnh ma quái của các trường học. Còn rất nhiều những tựa game khác có thể kể tên như: Danganronpa, Silent Hill, Obscure, The Secret World, White Day: A Labyrinth Named School, Last Year: The Nightmare,... Về lý thuyết, trường học là nơi học hành, vui chơi; là nơi vui vẻ, tươi sáng - vốn phải cảm thấy an toàn mới đúng nhưng thực tế với nhiều người, ánh nhìn của họ về nơi này lại hoàn toàn khác. Những ai đã từng chứng kiến hoặc thậm chí là nạn nhân của bạo lực học đường có lẽ sẽ cảm nhận sâu sắc điều này. Last Year: The Nightmare là cuộc hành trình của một nhóm 5 thanh thiếu niên chống lại sự truy đuổi của tên giết người điên cuồng do người chơi khác điều khiển. 5 đấu 1 - đó là lý do tại sao nó được gọi là game kinh dị không đối xứng. Hành động bị truy đuổi trong trường phần nào gợi lại ký ức về vấn nạn bạo lực học đường. Ở đó những người yếu ớt một khi đã bị “nhắm” thì chỉ có cách chịu đựng trong ấm ức. Trong game, một khi bị tóm được thì chỉ còn con đường chết, giống như thực tế, khi đã bị đẩy đến đường cùng thì rất nhiều người lựa chọn phương án tự sát để giải thoát.
Chẳng nói đâu xa ở Việt Nam, có không ít các vụ nhảy lầu đều xảy ra ở trường học. Nguyên nhân những vụ nhảy lầu, đương nhiên, không chỉ do mỗi bạo lực học đường. Phần nào đó cũng là tiền đề cho vô vàn những câu chuyện kỳ bí xoay quanh khuôn viên trường học hoặc ký túc xá. Hẳn còn rất nhiều lý do khác để các nhà phát triển lựa chọn trường học làm bối cảnh cho những tựa game kinh dị của họ. Bạn đọc nghĩ sao về vấn đề này? Hãy chia sẻ cho KenhTinGame cùng biết nhé!