Quán tối om. Chúng tôi đem theo vài lon bia, vài gói bento mua ở tiệm tạp hóa đầu ngõ ngồi nhắm cho qua đêm. Thằng Trung đem theo cây đèn led mini gắn vào cục sạc dự phòng, còn cây đèn sạc lớn thì để điện phòng khi nước dâng cao hơn phải dọn dẹp tiếp.
Mưa vẫn cứ trút xuống không ngớt trong khi gió vẫn thổi không ngừng khiến miếng tôn thừa ở góc nhà cứ đập rầm rầm như thể chuẩn bị tốc lên. Thằng Trung và thằng Minh cứ thi thoảng lại dùng cán chổi khua một vòng quanh quán để không bị lắng bùn. Chúng tôi đã từng đứt dép mấy lần khi lội bùn vào buổi sáng, cảm nhận cái nhớp nháp nhèn nhẹt của bùn luồn vào trong từng kẽ chân suốt cả thời thơ ấu. Một bầy gián trôi ra từ nhà bếp cũ nay đã thành nhà kho, một nửa đã chết, một nửa cố gắng bơi trong tuyệt vọng. Nghe đồn gián sống rất dai, nhịn thở cũng khá lắm, nhưng tôi lại chẳng thấy thú vị gì với việc một sinh vật gớm ghiếc và bẩn thỉu như vậy sống quá dai trên cõi đời này. Tôi bảo thằng Trung:
– Ê mở cửa đẩy mấy con gián ra ngoài đi.
– Đéo. Tự mà làm.
Chúng tôi đùn đẩy qua về, không ai chịu bị ướt chân khi đồng hồ đã điểm 1h sáng và không có nước sạch để rửa lại. Thế là chúng tôi quyết định bằng một ván bài cào. Tôi thua.
Cánh cửa sắt kẹt bùn lắng, đẩy khó cực kỳ. tôi dồn tất cả sức mình để hé một chút, lấy hót rác lùa đống gián ra ngoài rồi khép cửa.
2h sáng, trời ngớt mưa, nước cũng không dâng lên là bao nữa. Cả bầy cũng khá đuối vì dọn dẹp và thức nên quyết định đi ngủ, quên cả việc hỏi thằng Đạt cặn kẽ về việc đã xảy ra hồi tối qua.
Cả bầy thấm mệt, vừa đặt lưng xuống đã ngáy. Tôi liếc sang thằng Đạt, nó đã ngủ tự bao giờ. Có lẽ nó đã hết sợ chuyện vừa rồi, hoặc có thể là nó đã… hết quáng gà.
Tưởng chừng như mới vừa chợp mắt một chút, thằng Huy đập đập vai tôi. Tôi làu bàu, mắt vẫn chưa mở hết:
– Chi đó?
– Tao nghe có tiếng rỉ nước ở góc máy hút thuốc, chỗ cái cửa sổ ấy.
– Tào lao, cửa đó sát vách tường nhà mụ Sen, nước mô ra mà chảy?
– Thì cầm hộ tao cây đèn tau mới trèo lên coi được chứ!
– Mẹ mệt vl, mấy giờ rồi?
– Thôi dậy nhanh đi, không rỉ nước lại hư hết máy.
Tôi đánh một tiếng thở dài mệt nhọc, xắn quần lên đến tận háng rồi ôm cây đèn lui sau dãy nhà. Ngày xưa ở đây vốn là một khoảng đất trống vô chủ tầm 10m2, trồng một cây mít trĩu quả, nhưng chả bao giờ hái được quả chín vì cứ đâm quả non nào ra là tụi tôi lại vặt đem chấm muối ớt hết cả. Rồi nhà mụ Sen xây lại, chả biết mụ đã chùi lót gì cho bên ủy ban phường mà mụ chặt luôn cây mít, lấn luôn cả khoảng đất ấy và che luôn ánh sáng của cuộc đời cả chục thằng game thủ bằng cách xây sát tường bít luôn cửa sổ. Vụ đấy anh chủ quán cũng làm đơn mấy lần, nhưng rồi lần nào cũng bị dập đơn cùng giọng cười quái đản của mụ béo: “Trứng mà đòi khôn hơn vịt, tao đẻ ra mi còn được!”.
Nhà mụ bán tạp hóa và cà phê với dự tính là hưởng ké khách từ bên quán net, nhưng anh em quán net thì một lòng đoàn kết và trung thành cùng nhau, thế nên là chả ai thèm mua của mụ dù cho anh chủ quán cho đem đồ ăn thức uống vào thoải mái. Chúng tôi toàn mua của nhà cô Hoa đối diện, vậy là mụ lại ghen ăn tức ở suốt ngày chửi đổng nói mát bên nhà cô Hoa. Âu cũng là cái nghiệp tự gây tự trả.
Tôi quét ngón tay lên vách cửa sổ. Chỉ có độc toàn bụi và mạng nhện, không có tí ẩm ướt nào. Cũng phải thôi, con mụ tham lam ấy xây sát sàn sạt vào có chừa một milimet vuông hở nào đâu mà mưa chảy vào được.
– Không có chi hết. Mi nghe lộn rồi.
– Đm lạ rứa, tao nghe rõ ràng.
– Nghe chứ có phải thấy mô, thằng mô đái tiếng cũng rứa thôi. – tôi càu nhàu.
Thằng Huy nhăn mặt. Nó thả mình xuống nước theo thói quen, làm một cái tõm rõ to cùng vạt nước văng tung tóe. Tôi quay lui, gắt nó:
– Đm thằng loz, ồn…
Câu chửi bị ngắt ngang họng vì tôi chợt thấy hai chấm đỏ ngay trên rầm gỗ sát cửa sổ. Gầm đó dùng để chất ghế xếp và chăn gối cho thằng nhỏ trông net đêm, cùng hai thùng carton đựng phone và bàn phím cũ. Rầm hẹp lắm, nhưng lại sâu, bởi anh chủ làm đề phòng khi lũ dâng lên quá cao dời máy đi không kịp. Tôi nhìn chăm chăm vào hai chấm đỏ đó. Nó đỏ thẫm như màu tiết canh, mờ ở vùng ngoài như một vết máu nhỏ xuống thấm vào tấm vải đen. Hai chấm đỏ sâu hoắm, hướng thẳng về phía tôi như đang soi mói điều gì. Tôi bật cây đèn led nhỏ chiếu lên. Ánh sáng cây đèn dỏm mua với giá mười một nghìn chỉ có thể làm tôi lóa mắt chứ không thể nhìn rõ phía trên kia đang có gì. Thằng Huy đứng nhìn tôi từ cửa sổ, lên tiếng hỏi:
– Chi đó?
Tôi im lặng, hay nói đúng hơn tôi không thể cất tiếng. Không biết vì sợ đó là một cái gì đó ghê gớm hay tôi sợ hai chấm đỏ đó sẽ biến đi khi tôi cất tiếng. Nhưng bây giờ, nó vẫn ở đó, hướng vào tôi. Tôi bất giác làm hành động như sắp quăng cây đèn đang cắm trên cục dự phòng về phía đó, ánh đèn khiến tôi lóa mắt, chỉ có thể ti hí. Khi tôi hạ tay xuống, hai chấm đỏ đó đã biến mất.
Tôi kéo tay thằng Huy, cầm cây đèn sạc lớn, đạp cửa tiến ra cây bồ đề, bật cả đèn flash điện thoại soi lên. Tim tôi đập thình thịch, tôi vừa muốn xác nhận, nhưng lại vừa sợ điều tôi sắp sửa xác nhận. Tôi khua đèn một cách điên loạn, như thể muốn đạp vào cây cho rụng hết lá để xem cái thứ chết tiệt mà thằng Đạt đã thấy ở trên đấy là gì. Vẫn biết là trước giờ không ai dám đụng vào cây bồ đề, vẫn biết cái đất này dễ đến cả chục bộ cốt đang nằm dưới mà không ai biết, nhưng cả chục năm nay một tuần dễ đến 4 5 ngày là chơi đêm mà có bị gì, thấy gì đâu, sao giờ tự nhiên mọi thứ cứ dồn dập đến một lần, kinh hãi một cách khó hiểu.
Cả bọn tỉnh ngủ, chạy theo tôi ra ngoài. Tôi vẫn quơ đèn một cách điên loạn, mặc cho mưa đã quật ướt cả người. Cả bọn đứng chết trân nhìn tôi.
– Mi cũng thấy đúng không? – Thằng Đạt hỏi tôi, giọng chắc nịch.
– Hai chấm đỏ, rõ lắm. Chắc chắn tao không quáng gà.
– Không… tao thấy áo trắng… – Giọng nó lại chùng xuống, run rẩy như hôm qua.
– Rứa là có ít nhất hai con đúng không? – Thằng Huy vẫn bình tĩnh hỏi.
– Ít rứa à, cái đất ni tao nghĩ là cả chục con, chỉ là chưa tới ngày trồi lên thôi. – Thằng Khoa cợt nhả.
– Đm giờ ni còn giỡn. Thằng Long cũng thấy thì đéo đùa được nữa mô.
Tôi hạ đèn. Im lặng bước vào quán. Cả bầy cũng bước vào theo, đóng cửa tụt hết quần áo, vắt vắt rồi lại mặc vào. Trời vẫn mưa như nước dãi mấy ông bợm nhậu mùa đông thấy đĩa thịt chó. Không đứa nào ngủ tiếp, cũng không đứa nào than mệt mỏi nữa. Chúng tôi im lặng, mỗi đứa có một dòng suy nghĩ của riêng mình, chỉ riêng thằng Huy vẫn cứ chăm chỉ chóp chép nhai đống bento còn lại.
(Còn tiếp)