Trong những ngày qua, làng eSports thế giới xôn xao với những tin bài về những cậu bé tuổi teen như Wolfiez và Bugha giành lấy các giải thưởng hàng triệu USD của Fortnite World Cup. Báo chí thi nhau khai thác những thông tin này, từ việc mẹ game thủ Wolfiez không muốn cậu chơi game đến việc Bugha đổi đời ra sao với khoản tiền 3 triệu USD. Nhưng đằng sau ánh hào quang của những ngôi vô địch và những khoản tiền thưởng khổng lồ lôi kéo các cô cậu tuổi teen vào eSports, còn có một mảng tối ít khi được nhắc đến: tai nạn và chấn thương.
Trừ những trường hợp của các tựa game bất ngờ phất lên thành eSports như Fortnite, cuộc sống của các game thủ chuyên nghiệp không hề đơn giản. Xmithie đang thi đấu cho đội tuyển LMHT của Team Liquid nói rằng anh tập luyện từ 8 đến 12 giờ mỗi ngày, và luôn phải duy trì khoảng 500 APM (action per minute) khi luyện tập. “Trí óc, cơ thể, bàn tay, cổ tay. Nó đòi hỏi sự tập trung cao độ và sức bền thể lực,” anh cho biết. Đó là điều tối thiểu mà game thủ này và hàng ngàn game thủ chuyên nghiệp khác của LMHT phải trải qua hàng ngày để giữ vững phong độ và vị trí của mình trong một môi trường cực kỳ cạnh tranh – LMHT ngày nay có hơn 100 triệu game thủ và một hệ thống eSports hoành tráng, chuyên nghiệp chẳng kém gì nhiều môn thể thao truyền thống khác. Thật ra, số người xem CKTG của LMHT đã cao hơn các giải đấu bóng rổ nhà nghề đầy danh giá tại Mỹ.
Và khi phải tập luyện ở mức độ này, cơ thể của game thủ phải trả giá.
Một trong những lý do người ta phản đối việc xem eSports là một loại hình thể thao là thành kiến rằng chơi game “ít đòi hỏi vận động,” không có rủi ro chấn thương. Điều này chỉ đúng ở bề ngoài, bởi game thủ chỉ ngồi yên trước màn hình, đeo tai nghe che kín âm thanh từ thế giới bên ngoài, với hai bàn tay không ngừng di chuyển. Nhưng bất kỳ ai có chút hiểu biết về eSports đều hiểu rằng thành kiến đó hoàn toàn không chính xác – ngoài việc là một loại hình đòi hỏi cả phản xạ lẫn trí óc, rất nhiều game thủ đã gặp phải những chấn thương hoặc phàn nàn về trạng thái sức khỏe của mình sau khi luyện tập, thi đấu nhiều năm trời với cường độ cao. Khác biệt có chăng chỉ là ở chỗ những chấn thương này không xảy ra một cách chớp nhoáng, mà tiến triển dần dần, âm thầm và chỉ hiển hiện khi đã đủ nghiêm trọng để ảnh hưởng đến sự nghiệp của game thủ.
Theo những gì Mọt tui được biết, có ba loại chấn thương thường gặp nhất với các tuyển thủ eSports (lẫn những game thủ cày ngày cày đêm): hội chứng ống cổ tay, hội chứng cùi chỏ tenis (hay còn gọi là cùi chỏ máy tính) và đau lưng. Trong số này, hội chứng ống cổ tay là hiện tượng phổ biến nhất, khi mạch máu chạy qua cổ tay bị chèn ép, khiến các dây thần kinh ở khu vực này không nhận đủ oxy và dưỡng chất, ảnh hưởng đến khả năng vận động của bàn tay. Những triệu chứng sớm bao gồm đau, tê hoặc cảm giác lâm râm như kim chích ở cổ tay và ngón tay, chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn, nhưng sẽ trở nên thường xuyên hoặc vĩnh viễn trong trường hợp nặng. Với game thủ thi đấu chuyên nghiệp, điều này ảnh hưởng mạnh đến năng lực của họ và có thể khiến sự nghiệp thi đấu phải tạm dừng, đòi hỏi giải phẫu và ngay cả khi được chữa trị, việc sa sút phong độ là điều khó tránh khỏi. Đau lưng và “cùi chỏ máy tính” ít phổ biến hơn, nhưng cũng xuất hiện rất thường xuyên khi game thủ có tư thế ngồi không chuẩn xác hoặc ngồi quá lâu.
Nhưng còn có một chấn thương khác nguy hiểm hơn rất nhiều: tràn khí màng phổi. Trong khoảng vài năm qua, có ít nhất 6 game thủ chuyên nghiệp nổi tiếng đã vướng phải vấn đề này, chẳng hạn Mylon (LMHT – Pain Gaming), sC (StarCraft 2), Janus (LuxuryWatch Blue – Overwatch), gla1ve (Copenhagen Wolves – CSGO), và Hai (C9 – LMHT). Họ sẽ cảm thấy một cơn đau nhói mạnh ở ngực hoặc vai, hơi thở ngắn và gấp bởi không khí thoát ra khỏi phổi và tràn ngập vùng không gian bao quanh, khiến phổi không thể nở ra một cách bình thường. Nếu nghiêm trọng, người bệnh sẽ cần phải được cấp cứu. Trong trường hợp của Hai, anh đã phải nghỉ thi đấu một thời gian trước khi trở lại làm HLV cho đội tuyển của mình, rồi trở lại với đấu trường chuyên nghiệp một thời gian sau đó.
Vậy đấy. Khi hai cầu thủ bóng bầu dục lao vào nhau trên sân hoặc một tay đua F1 va vào rào chắn, người ta dễ dàng thấy ngay những nguy hiểm mà họ phải chịu đựng. Nhưng khi một game thủ chuyên nghiệp luyện tập trong âm thầm và thi đấu trên sân khấu long lanh, rất ít người biết được những rủi ro về sức khỏe mà họ phải chịu đựng. Bạn đã biết về những rủi ro sức khỏe mà một game thủ bình thường có thể mắc phải, nhưng với một game thủ chuyên nghiệp, những rủi ro đó lớn hơn rất nhiều.
Bác sĩ Levi Harrison, một nhà ngoại khoa nổi tiếng ở Los Angeles, Mỹ là một trong những bác sĩ nổi tiếng nhất trong giới eSports. Ông đã chữa trị cho rất nhiều game thủ trên khắp thế giới, và nhìn thấy rất nhiều ca bệnh khác nhau. “Tôi đã thấy hội chứng ống cổ tay, cùi chỏ tennis, những cơn đau trầm trọng ở vai, cổ, lưng và chân,” ông cho biết. “Đó có thể là những chấn thương nghiêm trọng đủ sức chấm dứt một sự nghiệp.”
Nhưng cũng như những vận động viên chuyên nghiệp của các môn thể thao truyền thống, các game thủ chuyên nghiệp luôn ép buộc bản thân thi đấu và luyện tập, bất kể những triệu chứng ban đầu. Đây là một điều dễ hiểu bởi nếu để lộ ra rằng mình đang bị chấn thương, có thể họ sẽ phải tạm ngừng thi đấu, hoặc tệ hơn nữa là không tìm được một nhà tài trợ hoặc buộc phải rời đội tuyển. Họ tránh nhắc đến các vấn đề sức khỏe này và cố gắng vượt qua sự suy giảm phong độ mà chúng tạo ra bằng cách luyện tập nhiều hơn, dẫn đến những chấn thương đó tiến triển nhanh hơn.
Steve Arhancet, đồng sở hữu của Team Liquid xác nhận mối lo ngại này. Để tránh việc tương tự xảy ra với các game thủ của mình, họ có những chuyên gia tham gia vào việc sinh hoạt, ăn ở và tập luyện của game thủ. Team Liquid thậm chí còn thuê chuyên gia dinh dưỡng để tính toán bữa ăn cho các game thủ, theo dõi lượng caffein họ uống vào hàng ngày và nhiều chỉ số khác nhằm đảm bảo sức khỏe của các thành viên trong đội. Rất nhiều đội tuyển chuyên nghiệp khác cũng có phương thức chăm sóc sức khỏe bài bản tương tự, nhưng trong một thị trường eSports không ngừng bành trướng và biến động, vấn đề lại trỗi dậy từ phía những game thủ cá nhân. Một game thủ tuổi teen chơi game 8 giờ mỗi ngày với bạn bè hay một cậu sinh viên nuôi giấc mơ eSports không thể có được những sự hỗ trợ chuyên nghiệp này, và với những người trẻ này, sức khỏe thường không phải là một vấn đề đáng quan tâm.
Bởi tất cả những vấn đề trên, eSports vẫn đang là một hướng đi đầy rủi ro cho những người trẻ. Quả thật tương lai của eSports là rất tươi sáng, khi ngày càng nhiều người coi trọng ngành kinh doanh đã có giá trị hơn 1,1 tỉ USD này, và cộng đồng cũng dần chấp nhận eSports = thể thao. Nhưng bên ngoài ánh đèn tụ quang và các sân khấu khổng lồ lôi kéo ánh nhìn của game thủ trẻ, eSports vẫn còn đang rất yếu ớt. Rất ít game thủ có thể tiếp cận được những phương thức huấn luyện bài bản hay thậm chí là một bộ bàn ghế chơi game đúng chuẩn, và càng ít người quan tâm đến sự khả thi của một sự nghiệp lâu dài, sống và thành công với eSports.
Khi eSports luôn đòi hỏi game thủ phải ở trong trạng thái tốt nhất cả về trí óc lẫn cơ bắp, những trường hợp thành công bất ngờ như Wolfiez và Bugha luôn là ngoại lệ, chứ không phải là tình trạng chung.