Thông tin về nền tảng chipset Z390 - dự kiến được hãng Intel cho ra mắt tại Computex 2018, vừa bị lộ diện với những thông số đáng chú ý: Hỗ trợ Wi-Fi ac + BT 5.0, thêm 6 cổng USB 3.1 Gen2 (10 Gbps).
Cụ thể, Z390 là thế hệ thứ 2 của dòng chipset cao cấp trong nền tảng Intel 300 series (sau Z370), dành cho các bộ vi xử lý Coffee Lake-S. Nó được phát triển dựa trên dòng chipset Z370, nhưng đã được hãng Intel thêm vào 2 điểm mới: Đó là số lượng cổng kết nối USB 3.1 Gen2 với tốc độ 10 Gbps được tăng thành 6 cổng; và tích hợp giải pháp kết nối Wi-Fi với chuẩn 802.11ac băng tần kép lần đầu tiên xuất hiện trên chipset Intel - Trang tin AnandTech cho hay.
Nếu đem so sánh các thông số giữa các dòng chipset Intel 300 series, nhìn chung, chúng ta có thể xem Z390 là chipset dành cho các bộ vi xử lý Coffee Lake thật sự, bởi với Z370 khi mới ra mắt cùng thế hệ Intel Core I thứ 8, nó đã không có nhiều nâng cấp so với Z270 và vẫn được xem là "Z270 bản làm lại". Và như thế, chỉ có Z390 mới thật sự là chipset cao cấp của Intel mà thôi.
Sơ đồ khối cho chipset Z390 của Intel. |
Ngoài ra, so với Z370, Z390 ngoài 2 "điểm nhấn" khác biệt được bổ sung như đã nêu, nó vẫn hỗ trợ OC và không tích hợp các tính năng vPro dành cho doanh nghiệp (tức tách bạch so với dòng Q300 series). Và các tính năng tiêu chuẩn trên Z390 cũng vẫn tương tự Z370, như hỗ trợ RAID với Intel Rapid Storage, hỗ trợ bộ nhớ Optane, số lượng lane tốc độ cao HSIO vẫn không đổi,...
Tuy nhiên, "điểm cộng" đáng lưu ý nhất trên Z390 chính là nó đã được tích hợp giải pháp Wi-Fi AC, hỗ trợ kênh 160 MHz (Wave 2) cho tốc độ kết nối tối đa 1733 Mbps. Intel cũng nhấn mạnh rằng, với cách làm trên, chipset Z390 cho kết nối Wi-Fi nhanh hơn 12 lần so với chuẩn 802.11n thường thấy trên những giải pháp Wi-Fi tích hợp giá rẻ.
Mặc dù được Intel hỗ trợ sẵn tính năng kết nối ưu việt như thế, nhưng không phải tất cả các bo mạch chủ sử dụng Z390 đều cung cấp kết nối Wi-Fi, bởi điều này còn tùy thuộc vào từng nhà sản xuất thiết bị, đặc biệt là họ phải thiết kế thêm mô-đun CRF, gắn thêm anten và nhất là việc trang bị thêm kết nối Wi-Fi này sẽ làm tăng thêm $15 chi phí sản xuất ra bo mạch chủ. Trong khi đó, Z390 là chipset cao cấp và nó sẽ nằm trong tầm giá có mức thấp nhất là $130, do đó việc cắt giảm Wi-Fi có thể sẽ giúp các hãng làm bo mạch chủ giảm giá thành, đáp ứng nhiều tầm giá hơn.
Ngoài ra, giải pháp Wi-Fi của Intel còn phụ thuộc vào CNVi - một giải pháp kết nối tích hợp có trên dòng CPU Gemnini Lake và hiện thời là các vi xử lý thế hệ 8. Giải pháp này bao gồm CNVi tích hợp trong chipset và mô-đun kết nối băng tần vô tuyến liên đới (CRF) dùng khe M.2.
Về cơ bản, CNVi bao gồm vi xử lý, mạch logic, bộ nhớ và địa chỉ MAC của Bluetooth và Wi-Fi, cùng các thành phần còn lại như vi xử lý tín hiệu, chức năng RF nằm trên mô-đun CRF. Các mô-đun CRF có thể hoạt động với CNVi bao gồm Intel Wireless AC-9560, 9462 và 9461.
Như vậy, đây không phải là một giải pháp Wi-Fi tích hợp hoàn toàn vào chipset như những gì chúng ta thấy trên các SoC di động. Intel chỉ tích hợp một vài phần thân có trên card Wi-Fi thông thường vào chipset - một động thái mà hãng cho là sẽ giảm chi phí, bởi các nhà sản xuất bo mạch chủ chỉ cần mua các mô-đun CRF từ Intel thay vì một mô-đun Wi-Fi đầy đủ với chi phí đắt hơn.
Tiếp theo là số lượng các cổng USB 3.1 Gen2 (10 Gbps) cũng được hỗ trợ bởi chipset. Các nhà sản xuất bo mạch chủ phải sử dụng các lane HSIO cho các cổng USB 3.1 Gen2. Trên Z390, số lượng cổng USB tốc độ cao này tối đa lên đến 6 cổng, còn trên các bo mạch chủ dùng chipset H370/B360 chỉ có 4 cổng thôi. Do vậy, nếu các nhà sản xuất muốn trang bị các cổng USB 3.1 Gen2 mà là chuẩn USB-C, nhất thiết họ phải làm lại trình điều khiển.
Ngoài ra, Z390 còn có tính năng Modern Standby/Smart Connect cho phép hệ thống cập nhật email và những dữ liệu tương tự khi thiết bị của bạn đang ở "trạng thái ngủ" (Sleep). Intel cho biết, đây là lần đầu tiên tính năng này xuất hiện trên máy tính desktop, còn với laptop, một số dòng cũng đã có tính năng này từ trước. Hay Z390 còn có một tính năng thú vị khác là Ambient Computing - cho phép bạn đánh thức máy trong tình trạng Sleep bằng giọng nói, giống như khi bạn gọi Cortana hay Alexa trên điện thoại để đánh thức nó khi đang tắt màn hình.
Dự kiến Intel sẽ công bố dòng chipset mới này ngay tại Computex 2018, và những bo mạch chủ có chứa dòng chipset Z390 hứa hẹn sẽ lên kệ ngay sau đó.