Bọn mình quen nhau cũng đã sang năm thứ 9, nên hỉ nộ ái ố cũng trải qua đủ rồi. Nhưng cũng mới xách cổ nhau đi hơn năm nay, mới được năm bảy nơi thôi chứ chưa nhiều.
Lần đi Hà Giang này với bọn mình không thuận lợi lắm, nhưng có lẽ vì thế mà ấn tượng để lại càng sâu sắc hơn. Đi xa và đường đèo như thế thì yếu tố thời tiết ảnh hưởng rất lớn, nên khi dự báo thời tiết mưa to rét thì bọn mình cũng khá lo. Nhưng vì bạn mình đặt vé từ Hồ Chí Minh về rồi, nên là cứ đi thôi.
Chuyến đi được bắt đầu bằng trận mưa tầm tã ở cổng trời Quản Bạ. Mưa mà, nên bất lợi nhiều chứ:
- Không ngắm được trọn vẹn khung cảnh núi đèo trên đường đi đẹp như thế nào, lung linh dưới nắng ra sao.
- Không thấy được tầm nhìn bao quát núi đèo hùng vĩ từ cổng trời vì chỉ thấy một màu trắng xóa do mưa.
- Không thấy được trọn vẹn vẻ đẹp hiên ngang của cột cờ Lũng Cú trong nắng, lá cờ Tổ quốc ở đó chứng minh chủ quyền này là của ta.
- Không được check in tại đỉnh đèo Mã Pí Lèng thần thánh hùng vĩ ra sao. Mà đi HG mà không được đi Mã Pí Lèng thì thôi coi như chưa đi rồi.
- Cũng chẳng có những bức ảnh được sống ảo thần sầu về khoe anh em, câu like Facebook.
- Đường đèo trơn trượt, nguy hiểm, mưa nhòe kính, mây che hết tầm nhìn. Nên ảnh hưởng lớn đến cả tâm trạng, sức khỏe cũng như lộ trình ban đầu bọn mình dự tính.
Ừ thì bất lợi nhiều như thế đấy, những chuyến đi này thực sự đem lại cho mình đặc biệt nhiều cảm xúc, ấn tượng hơn:
- Là lúc cười nắc nẻ khi nhìn thấy nhau mặc áo mưa - đồng phục nhóm mới đồng hành cùng bọn mình suốt chuyến đi 3 ngày ở Hà Giang.
- Là lúc vui sướng được các chú Kiểm lâm ở Cửa khẩu Phó Bảng dẫn ra cột mốc Việt Trung. Đặt thêm một bước chân thôi là coi như được xuất ngoại rồi.
- Là sự cảm khái mạnh mẽ khi được ngắm nhìn núi đèo bao la được bao trùm bởi mây mù. Cũng là lúc thực sự hiểu "mây mờ che đỉnh" là như thế nào. Là sự cảm thán ngập tràn khi đi trên sông Nho Quế. Để biết rằng, Việt Nam thực sự đẹp và hùng vĩ lắm, nên càng thôi thúc tinh thần: phải đi thật nhiều thật nhiều nơi nữa.
- Là cảm giác ảo diệu khi được xuyên qua từng làn mây lơ lửng như phim cổ trang. Chính là nơi mà bọn mình gọi là "ngọn cỏ ven đường với được mây" .
- Là khi trên đỉnh Lũng Cú, đứng dưới lá cờ Tổ quốc mới thấy điều đó thiêng liêng đến nhường nào.
- Là cái cảm giác gì đó khi gặp rất nhiều các bạn nhỏ đi chân trần, quần áo lấm lem đi theo con đường đèo dài ngoằng, xa tít. Các em đi từ điểm nào, đi đến đâu? Thực sự là mình không biết.
- Là sự cảm thán, ái ngại khi đi xa thật xa, qua rất nhiều quả đổi mới thấy được lưa thưa mái nhà, tận đâu mới có trường học. Để rồi cảm nhận rõ hành trình đi đến tri thức của các bạn ấy gian nan đến thế nào. Hiểu một phần vì sao thầy cô phải đến nhà vận động khó khăn đến thế. Đặt mình vào hoàn cảnh đó, liệu có đủ kiên nhẫn hay không?
- Là thu vào tầm mắt hình ảnh người dân vác trên lưng những bó củi vừa to vừa nặng, mà bước chân vẫn nhanh nhẹn, vững chắc. Trong khi mình lê lết, đi từ bờ sông Nho Quế đi lên, vác thân không cũng phải nghỉ 10 chặng. Khoảnh khắc ấy tự thấy bản thân thực sự may mắn hơn nhiều quá.
- Là lúc vui vẻ, thích thú khi đi đến nơi nào cũng được các bạn nhỏ chìa tay ra, thật tươi tắn nói "Tạm biệt", " Cảm ơn", làm mình nhớ đến chi tiết anh thanh niên mắc bệnh 'thèm người' trong "Lặng lẽ SaPa". Mình không rõ điều này xuất phát từ đâu, từ bao giờ, vì sao. Nhưng ít nhất thì hành động ấy tác động mạnh mẽ đến cảm xúc của tất cả mọi người, để nhắc mọi người nhớ rằng có một Hà Giang đẹp như thế.
- Là cảm xúc hụt hẫng khi chuyến đi kết thúc nhanh quá, lại trở về với Hà Nội quay cuồng, ồn ã, đầy khói bụi.
- Là dung lượng trong điện thoại giảm đi kha khá, là phải lập thêm gmail mới để tiếp tục lưu giữ lại những nồng nhiệt của thanh xuân cùng nhau trải qua.
- Là sự đồng điệu hơn trong suy nghĩ, hiểu nhau hơn trong tính cách, gắn bó hơn trong tình cảm, để cùng nhau vẽ nên bức tranh tuổi trẻ này thật rực rỡ.
Một chuyến đi đầy vất vả, một chuyến đi đầy khó khăn nhưng là một chuyến đi đầy ý nghĩa.
Chắc chắn là bọn mình sẽ quay lại. Hy vọng cho một lần được gặp gỡ thật vui vẻ hơn.
Hẹn gặp lại vào một ngày không xa nhé cậu, Hà Giang.