Ly hôn, điều luôn làm các đôi vợ chồng trăn trở là làm sao để con chung được sống tốt nhất, tinh thần không quá tổn thương từ sự rạn vỡ của bố mẹ. Cũng vì điều này mà đôi khi người lớn lại áp đặt suy nghĩ của mình vào cho con trẻ, không hiểu được mong muốn thực sự của con là gì.
Từng trải qua đổ vỡ hôn nhân, đứng trước những lựa chọn khó khăn để lo cho tương lai của con. Mới đây, một người vợ trẻ cũng đã vào mạng xã hội chia sẻ câu chuyện của mình.
Tâm sự cô kể như sau: "Em với chồng cũ ly hôn cách đây 4 năm. Đợt em quyết định ra tòa, bạn bè, người quen ngạc nhiên lắm bởi chồng em kiếm ra tiền, gia đình anh ta cũng thuộc diện có điều kiện. Tuy nhiên không ai hiểu được, cũng chỉ vì tiền bạc mà em mới ly hôn. Anh ta xem trọng đồng tiền hơn vợ, mở miệng là tiền. Em ly hôn vì không chịu được sự độc đoán của chồng.
Khi ấy vì không muốn mất thể diện, anh ta níu kéo bằng nhiều cách, trong đó có cả mang con ra làm áp lực rằng em muốn ly hôn thì phải nhường quyền nuôi con. Tất nhiên không đời nào em chịu bởi đúng là anh ta có tiền nhưng từ khi em sinh thằng bé, có bao giờ anh ta quan tâm chăm sóc, để ý tới con. Cũng may khi ấy con em mới hai tuổi nên theo quy định, mẹ sẽ có quyền nuôi dưỡng.
Khi ra tòa, chồng cũ từng thách thức em rằng để xem rời anh ta ra, em có nuôi nổi con. Vì câu nói này, em phải cày quật ngày đêm kiếm tiền để chứng minh cho anh ta thấy, không có anh ta, mẹ con em vẫn sống rất tốt. Anh ta thì tái hôn ngay sau khi ly hôn vài tháng.
Suốt 4 năm sau đó, anh ta không hề hỏi han, ngó ngàng gì tới con. Quy định phụ cấp nuôi con tuyệt nhiên không gửi. Anh ta nói chính em giành quyền nuôi con thì tự lo cho nó, anh ta không có trách nhiệm.
Tuy nhiên, vợ mới của anh ta nghe đâu không đẻ được nên đợt này chồng cũ của em liên tục liên lạc, chủ động tới thăm con trai. Mặc dù em thừa hiểu bụng dạ anh ta thế nào nhưng vì con, em vẫn vui vẻ tạo điều kiện cho bố con gần nhau.
Bất ngờ cuối tuần trước chồng cũ đề nghị em rằng, con ở với em thiệt thòi cả về ăn ở lẫn học hành. Anh ta muốn em nhường quyền nuôi con để thằng bé được nuôi dưỡng trong môi trường tốt nhất nào là học trường quốc tế, nào là nhà rộng cửa cao chứ không phải sống cảnh thuê trọ cùng mẹ. Em không đồng ý, anh ta thỏa thuận luôn sẽ chuyển cho em 500 triệu miễn giao con để anh nuôi dưỡng.
Sau gần 1 tháng suy nghĩ, em quyết định để con cho chồng chăm, cũng không cần 500 triệu của chồng. Với con, em phải làm công tác tư tưởng hết mức bởi suy cho cùng bố nó nói không sai, nếu có thể để con sống tốt hơn, tương lai hơn thì em cũng nên tạo điều kiện.
Nhưng chồng cũ đón con về được 2 hôm đã xảy ra chuyện. Trưa hôm sau, em vừa ăn xong đã nghe thấy con gọi cửa. Em tưởng nhớ con quá nên nghe nhầm. Ai ngờ mở cửa thì thấy con trai đứng khóc nức nở, 1 tay ôm túi balo, 1 tay ôm chặt cổ mẹ thút thít bảo: 'Con không ở với bố, con chỉ ở với mẹ thôi'.
Bố nó thất thểu đi phía sau, mang đồ đạc của con gửi lại. Thì ra 2 hôm về bên nội, con em nhịn ăn để đấu tranh đòi về với mẹ. Bố nó mua đồ chơi, dỗ dành các kiểu nó không nghe. Không thể thương lượng được, chồng cũ đành mang trả con cho em. Lúc đó em mới bảo: 'Hi vọng sau chuyện lần này anh sẽ hiểu ra 1 điều, trên đời này tiền có thể giải quyết nhiều thứ nhưng bảo để mua được tình thân, được tình cảm thật sự thì khó lắm'.
Sau lần đó, chồng cũ của em mới bắt đầu quan tâm, chăm sóc cho con nhiều hơn. Thằng bé cũng vì thế mà gần gũi với bố một cách tự nhiên không gượng gạo, bắt buộc như trước".
Câu chuyện của người vợ thu hút sự chú ý của nhiều người. Quả thật ứng xử sau ly hôn như thế nào mới văn minh để đôi bên đỡ tổn thương, con cái vẫn cảm nhận được tình thương của bố mẹ là điều nhiều người cần phải học hỏi. Hôn nhân có thể đổ vỡ do nhiều lý do nhưng bạn không thể phủ nhận quá khứ hai người đã từng là một nửa của nhau và xung quanh vợ chồng vẫn còn rất nhiều thứ chung cần phải cùng nhau chăm sóc tiếp. Đặc biệt là những đứa con, chúng cần sự quan tâm của bố mẹ. Mong rằng sau chuyện lần này người chồng sẽ hiểu ra vấn đề của mình để thay đổi bản thân, nhận ra được giá trị đích thực của cuộc sống mà anh cần phải giữ gìn, trân trọng.