Điều phụ nữ mong mỏi nhất khi kết hôn chính là được cùng chồng chăm lo cho bố mẹ hai bên nội ngoại như 1. Ngược lại nếu lấy phải người chồng vô tâm, ăn ở thiếu công bằng với nhà vợ như anh chồng trong câu chuyện dưới đây, chắc hẳn bất cứ phụ nữ nào cũng sẽ bất bình, mệt mỏi.
Câu chuyện như sau: "Lúc lấy nhau, chồng em chỉ có 2 bàn tay trắng theo đúng nghĩa. Vì bố mẹ em có điều kiện, ông bà có công ty riêng nên đã tạo điều kiện cho con rể phát triển rất nhiều. Bố em gọi con rể về làm cùng, đào tạo dạy kinh nghiệm tới khi anh đủ cứng rồi thì cấp vốn cho tách ra làm riêng. Ông còn san sẻ nhường hợp đồng, chuyển đối tác để con rể có việc.
Đợt đó được bố vợ tạo điều kiện, chồng em biết sống có trách nhiệm với nhà ngoại lắm. Bố mẹ có việc gì là xông xáo, đứng ra làm. Bố mẹ chỉ có mình em là con lại là phận gái, thấy chồng quan tâm chăm lo cho ông bà như thế em cũng mừng. Nhiều lúc còn nghĩ, rể mà sống tử tế thì cũng có kém gì con trai".
Người vợ này kể, những năm đầu kết hôn, trước những gì chồng thể hiện, cô hoàn toàn tin tưởng và an tâm sống bên cạnh anh. Bởi phụ nữ ai lấy chồng cũng chỉ mong chồng mình biết quan tâm tới bố mẹ vợ như chính mình quan tâm tới nhà chồng.
Hơn nữa khi anh nhiệt tình chăm sóc nhà ngoại, cô lại càng khẳng định rằng trước đây cô quyết tâm lấy anh là lựa chọn hoàn toàn sáng suốt. Tiếc rằng khi có biến cố xảy ra, cô mới nhận ra phần tính cách, con người thật của chồng.
"Từ đầu năm ngoái, do ảnh hưởng của dịch bệnh, công việc kinh doanh của công ty bố em bị ảnh hưởng nặng. Sau gần 1 năm xoay sở, cuối tháng 4 vừa rồi ông tuyên bố phá sản.
Buồn hơn là thái độ của chồng em, từ khi bố mẹ vợ sa cơ lỡ vận, anh tỏ ra lạnh nhạt, không chăm lo cho nhà ngoại như trước nữa. Thậm chí thấy vợ hay về ngoại, anh còn khó chịu ra mặt vì sợ em giấu tiền cho bố mẹ.
Bố em sau khi trắng tay, ông suy nghĩ nhiều, sức khỏe xuống dốc trông thấy. Hơn tháng trước bố em bị đột quỵ, xuất huyết não phải phẫu thuật. Chi phí cho ca mổ lên tới trăm triệu chưa nói tới thuốc men, điều trị về sau.
Biết mẹ không có tiền, em về bàn với chồng rút 1 phần tiền tiết kiệm để đưa mẹ lo cho bố. Không ngờ chồng em bảo: 'Cô bỏ ngay tư tưởng ấy đi. Cô là phận gái đã lấy chồng, phải tập trung lo cho nhà chồng chứ không phải suốt ngày nghĩ cách mang tiền về nhà đẻ như thế'.
Em giải thích, thuyết phục cạn lời chồng vẫn một mực quay lưng lại với nhà vợ. Sau em chán không nói nữa mà lẳng lặng lấy hết 4 cây vàng trong két bán đi để lo chữa bệnh cho bố.
Vài ngày sau chồng em phát hiện, anh làm ầm bảo nếu vợ không sang đòi lại tiền, anh sẽ đuổi em về trả cho nhà đẻ. Không để anh nói nhiều, em đưa luôn đơn ly hôn ký sẵn tên bảo: 'Anh khỏi phải dọa. Khi anh quay lưng lại với gia đình tôi thì tôi đã xác định ly hôn rồi. Không chỉ bán vàng, tôi còn liệt kê hết tài sản chung của tôi với anh để ra tòa chia cho tiện. Những gì bố mẹ tôi cho anh bao năm qua lớn hơn rất nhiều so với mấy cây vàng kia. Nhà tôi xem như đã từ thiện nhầm người vậy'.
Đặt đơn ly hôn xuống, em bế con về ngoại để chăm bố. Ca mổ của ông thành công, giờ đợi hồi phục. Chồng em ở nhà 1 mình chắc tự nghĩ lại nên hôm sau cũng sang ngoại cùng vợ chăm sóc bố, không thấy nhắc em chuyện mấy cây vàng kia nữa".
Sự nhẹ nhàng, dịu dàng được xem là bài thuốc hữu hiệu nhất để phụ nữ duy trì hạnh phúc hôn nhân nhưng đôi khi có những "ca bệnh" lại cần tới "vị" gay gắt quyết liệt thì đối phương mới chịu nhìn nhận ra vấn đề của bản thân giống như anh chồng trong câu chuyện trên chẳng hạn. Chính sự vùng lên quyết liệt của vợ mới làm anh nhận thức được mình sai đúng chỗ nào, chứ nhẫn nhịn hoàn toàn không phải cách.