Truyền tín hiệu sai khi giao tiếp: Đôi khi, phụ huynh quên để ý những tín hiệu họ gửi đến con qua lời nói, hành động. Những tín hiệu này này “lập trình” đứa trẻ, ảnh hưởng lâu dài đến tương lai. Chuyên gia tâm lý người Nga Marina Mellia, người sáng lập công ty tư vấn MM-Class, đưa ra một số ví dụ cho thấy tác hại của sai lầm này như trẻ tự ti, không dám thể hiện vì sợ mắc sai lầm hay e ngại bày tỏ cảm xúc.
Kể công: Thực tế, nuôi dưỡng con cái là trách nhiệm của bố mẹ. Phụ huynh có thể lựa chọn hy sinh vì con hay không. Bố mẹ không nên đòi hỏi con phải luôn biết ơn vì điều đó. Do đó, bà Mellia khuyên phụ huynh đừng nói những câu như “Mẹ đã hy sinh rất nhiều, con phải…”
Dạy con thành học sinh xuất sắc hay nhà vô địch: Nhiều phụ huynh khát khao con thành công nên đặt nhiều áp lực lên đứa trẻ. Vì thế, con dành cả ngày để học hành, tập luyện. Sai lầm này của phụ huynh cũng khiến trẻ chỉ hạnh phúc khi đạt được mục tiêu
Trả tiền cho con: Không ít bố mẹ có thói quen trả hoặc thưởng tiền khi con được điểm cao, tự dọn phòng hay làm việc nhà khác. Tuy nhiên, Marina Mellia cho rằng đây không phải cách hay để nuôi dạy con. Việc này khiến trẻ không đánh giá cao thành công thực sự của mình. Thay vào đó, phụ huynh nên để con tự giác thực hiện và cho tiền tiêu vặt định kỳ, đồng thời cho phép trẻ tự quyết định chi tiêu từ sớm.
Hay nói đạo lý: Nhiều cha mẹ thích nói đạo lý với con “tiền không phải lá mít”, “hồi bằng tuổi con, mẹ đã…”. Thực tế, cách nói này không có tác dụng giáo dục. Thay vào đó, họ nên thảo luận chi tiết về tình huống cụ thể. Ví dụ, nếu con muốn mua món đồ đắt tiền, cha mẹ có thể nói thẳng nó nằm ngoài khả năng tài chính hoặc không đáng để bỏ ra chừng đó tiền cho món đồ như vậy hay khuyên con tự tiết kiệm tiền nếu thực sự muốn mua.
Làm bạn với con: Đây được coi là xu hướng mới trong việc nuôi dạy con. Tuy nhiên, gia đình phải có thứ bậc, mỗi người có vị trí, vai trò riêng. Do đó, phụ huynh cần đặt ra giới hạn để con hiểu việc gì có thể làm, việc nào không được phép. Việc cho trẻ quá nhiều sự tự do có thể dẫn đến tác dụng ngược, khiến chúng thiếu tự tin khi trưởng thành
Không thống nhất về tiền bạc trong gia đình: Trưởng thành trong gia đình mà bố sống tiết kiệm, thường chỉ trích mẹ tiêu xài hoang phí khiến trẻ rất bối rối. Gia đình nên thống nhất về cách chi tiêu ở một việc nhất định. Ngoài ra, phụ huynh không nên gửi tín hiệu không đồng nhất đến trẻ trong vấn đề tiền bạc như chê bai người khác phung phí trong khi mình cũng không sống tiết kiệm
Không dạy con biết ước mơ: Khi bị giới hạn bởi những quy tắc nghiêm ngặt, trẻ nhanh chóng quen với sự kiểm soát từ bên ngoài. Phụ huynh có thể nhận biết tình trạng này qua việc trẻ quá nghe lời và luôn tuân theo yêu cầu của bạn học ở trường. Theo bà Marina Mellia, để con thành công, bố mẹ cần dạy con không sống theo kỳ vọng của người khác mà nên làm những gì mình muốn, biết ước mơ, sáng tạo.
(Theo zingnews.vn)