Tại sao "mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy"?

“Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” là câu thành ngữ dân gian đã đi vào tâm thức mỗi người Việt. Điều này thể hiện phong tục của Việt Nam luôn đề cao chữ “hiếu” và chữ “nghĩa”.

Từ xưa đến nay, Tết Nguyên đán được coi là dịp nghỉ lễ lớn nhất trong năm. Đây là khoảng thời gian để các thành viên trong gia đình có dịp được ngồi quây quần bên nhau sau một năm làm việc vất vả, đồng thời là cơ hội để mọi người thăm hỏi người thân, thầy cô, bạn bè và cầu chúc cho một năm mới bình an và hạnh phúc. Vì vậy, câu nói “mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” chính là lịch trình để mọi người đi lại, thăm hỏi nhau trong 3 ngày Tết đầu năm.

Theo quan niệm của người Việt từ xưa, cha là ý nói họ hàng bên nội. Chính vì vậy, cụm “mùng một Tết cha” có nghĩa là vào ngày mùng một Tết, cả gia đình sẽ tập trung bên họ nội để cúng bái tổ tiên, sau đó chúc Tết ông bà cha mẹ.

Sau khi con cháu chúc Tết và nhận lì xì mừng tuổi đầu năm, cả gia đình sẽ cùng nhau ăn bữa cơm đầm ấm đầu năm, vừa trò chuyện vui vẻ. Cuối cùng, cả gia đình sẽ cùng nhau đi chúc Tết các anh em họ hàng thân thiết bên nội để cùng trò chuyện và chúc nhau sức khỏe, năm mới an lành, hạnh phúc.

Đến ngày mùng 2 Tết, vợ chồng con cái sẽ sắp xếp để “xuất hành” sang chúc Tết bên nhà ngoại, tức là bên “mẹ”. Đây là lý do người xưa gọi ngày mùng 2 là “Tết mẹ”. Cũng với những nghi thức tương tự như ngày mùng 1 bên nhà nội, mọi người sẽ có những giây phút quây quần bên nhau trong không khí tươi mới, tích cực và phấn khởi của mùa xuân.

Đặc biệt, với những nàng dâu lấy chồng xa quê, ít có điều kiện về thăm gia đình, đây là cơ hội lý tưởng để sum vầy, hàn huyên với bố mẹ đẻ và thăm hỏi họ hàng, anh em, bạn bè sau cả một thời gian dài không gặp gỡ.

Cuối cùng là mùng 3 “Tết thầy”, là ngày dành cho thầy cô - những người đã nuôi lớn chúng ta qua từng con chữ và những bài học. Ngày “Tết thầy” này được xem như là “ngày Nhà giáo Việt Nam” thời xưa, khi ngày 20/11 vẫn chưa chính thức ra đời.

Đây là cơ hội để biết bao thế hệ học trò tỏ lòng biết ơn đến những người đưa đò. Ngoài ra, đây cũng là dịp những người trẻ Việt có lý do để họp lớp, giao lưu với những người bạn cũ sau một năm dài ít có cơ hội gặp gỡ.

Câu nói “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” không chỉ là lịch trình để mọi người đi lại, thăm hỏi nhau trong 3 ngày đầu năm mà nó còn là cách người Việt ta thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn, “tôn sư trọng đạo”.

Theo quan niệm của ông bà ta, 2 ngày quan trọng nhất trong năm (mùng 1 và mùng 2 Tết Nguyên đán) phải dành để “Tết cha”, “Tết mẹ”, những người sinh thành, nhằm thể hiện lòng hiếu thảo, kính trọng ông bà, cha mẹ hai bên nội ngoại. Đó không gì khác chính là nét đẹp trong truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của người Việt.

Trên tinh thần đó, ngày mùng 3 là ngày người Việt dành cho thầy cô giáo, những người đã dành sự hi sinh lớn lao cho sự nghiệp trồng người. Với tinh thần “tôn sư trọng đạo”, người Việt từ xa xưa luôn quan niệm “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy).

Chỉ một câu nói đơn giản nhưng chứa đựng trong đó biết bao là truyền thống đạo đức tốt đẹp của người Việt ta trong nếp sống và tư duy. Đây là một giá trị phi vật thể, một nét đẹp văn hóa lâu đời cần được gìn giữ và phát huy.

Theo Yan.vn


* Nội dung liên quan: