Nếu có chiến thuật điều chỉnh đăng ký nguyện vọng hợp lý thì ngay cả khi thí sinh 20 điểm vẫn có cơ hội đỗ vào Bách khoa, Kinh tế...
Một thí sinh tại Thanh Hóa ấp ủ đỗ vào ĐH Bách khoa Hà Nội.
PGS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, đề thi các môn liên quan tới các tổ hợp xét tuyển truyền thống A, A1, D1 trong kỳ thi THPT Quốc gia năm nay được thí sinh (TS) đánh giá là dễ hơn năm ngoái nên nhiều em lo ngại về khả năng điểm chuẩn sẽ nhích lên một chút. Theo ông Triệu, phán đoán này cũng có cơ sở nhưng TS cũng không nên quá lo lắng vì sẽ có sự tăng giảm không đều giữa các ngành.
Một đặc điểm của kỳ tuyển sinh ĐH mà TS cần lưu ý là điểm trúng tuyển sẽ không có đột biến như tuyển sinh lớp 10. “Có thể điểm chuẩn sẽ tăng ở một số ngành hot, nếu TS không có chiến thuật đặt nguyện vọng (NV) khôn ngoan thì có thể điểm cao vẫn trượt ĐH. Đây là khuyến nghị dành cho TS sau khi đã biết điểm thi: Khi điều chỉnh NV, cần có sự sắp xếp hợp lý hơn mới đảm bảo việc đỗ vào ngành hoặc trường mà mình yêu thích.”, ông Triệu nhận định.
Vị PGS cũng cho rằng, thông thường TS sẽ tập trung đặt NV cao nhất vào các ngành nóng nên sẽ đẩy điểm chuẩn các ngành này lên rất cao, trong khi có một số ngành điểm vẫn thấp. Ông Triệu dự đoán khoảng cách điểm chuẩn giữa ngành thấp nhất với ngành cao nhất trong một trường sẽ xa hơn năm ngoái. Năm ngoái, điểm chuẩn ngành thấp nhất của ĐH Kinh tế Quốc dân là 20,5 điểm, năm nay khả năng 20 điểm đã có thể đỗ do có 10 mã ngành mới.
PGS Triệu cũng cho biết, các ngành được xem là nóng của ĐH Kinh tế Quốc dân những năm gần đây có một số ngành như Kế toán, Quản trị kinh doanh, Marketing, Kinh tế quốc tế, Kinh doanh quốc tế, Khách sạn... nên nhiều khả năng điểm chuẩn sẽ tăng mạnh. “Thậm chí có ngành điểm chuẩn lên đến 2 điểm. Những ngành này năm ngoái khoảng 24 điểm mới đỗ, năm nay dễ mà bị đẩy lên 25 - 26. Sẽ không có ngành nào lên đến 27.”, PGS Triệu đưa ra nhận định.
PGS Trần Văn Tớp - Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội thì phân tích: “Điểm chuẩn năm nay sẽ nằm ở giữa mức bình quân của 2 năm 2017 - 2018. Đề dễ thì điểm cao hơn nên điểm chuẩn sẽ tăng. Nhưng điểm chuẩn không chỉ phụ thuộc vào phổ điểm mà còn dựa vào xu hướng đăng ký xét tuyển NV của TS. Do đó, sẽ có hiện tượng ngay tại một trường, một số ngành điểm chuẩn tăng, trong khi một số ngành điểm chuẩn vẫn như năm ngoái, thậm chí giảm”.
PGS Trần Văn Tớp nhận định 20 điểm vẫn có thể đỗ Bách khoa. (Ảnh: Kenh14.vn)
Theo dự đoán của ông Tớp, điểm chuẩn các ngành tốp trên sẽ giữ ở mức cao tương đương năm ngoái hoặc cao hơn một chút. Ví dụ với riêng ĐH Bách khoa Hà Nội, các mã ngành trong lĩnh vực công nghệ thông tin năm nay điểm chuẩn sẽ rất cao, khoảng 26 điểm. Ông giải thích, điểm chuẩn bị chi phối bởi nhiều yếu tố, chẳng hạn năm ngoái nhiều ngành của trường giữ mức 20, nếu năm nay cũng những ngành này mà trường tuyển đủ chỉ tiêu thì cũng phải lấy xuống đến 20.
“Vừa rồi có TS thi xong hỏi làm bài chỉ được khoảng 20 điểm, nhưng muốn học ngành ô tô, liệu có đỗ không? Tôi khuyên em ấy cứ mạnh dạn đăng ký NV1 vào ngành ô tô, nhưng phải đặt NV2 vào ngay khoa học vật liệu. Vì năm ngoái ngành ô tô điểm chuẩn 21, nên năm nay khó xuống 20.”, ông Tớp chia sẻ.
PGS Lê Thu Thủy - Phó hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương cũng nhận định rằng, dù đề thi được xem là dễ thở hơn so với năm ngoái nhưng số lượng TS ở nhóm điểm rất cao tăng không đáng kể nên khó đẩy điểm chuẩn lên quá cao như năm 2017, nhưng chắc chắn không thể thấp hơn năm 2018. “Dao động điểm chuẩn chủ yếu ở các nhóm trường tốp giữa, vì đề dễ hơn sẽ khiến cho số lượng TS đạt mức 17 - 20 sẽ tăng mạnh.”, PGS Thủy nói.
Theo Thanhnien.vn
Sinh viên sư phạm sẽ phải hoàn trả học phí nếu không làm đúng ngành được đào tạo sau 2 năm ra trường