Điều khiến người ta ngạc nhiên về lịch sử của hội kín này là mối liên hệ mật thiết giữa nó với rất nhiều tổng thống Mỹ như George Washington, Thomas Jefferson, John Adams, Benjamin Franklin…
Lịch sử của Hội Tam Điểm
Hội Tam Điểm có một lịch sử lâu dài và gắn liền với nhiều sự kiện tại hàng loạt quốc gia. Tuy nhiên, người ta vẫ không biết chính xác hội được thành lập từ bao giờ. Cho đến nay, phần lớn các nhà nghiên cứu lịch sử mới chỉ đưa ra giả thuyết, cho rằng hội có tiền thân là tổ chức huynh đệ có nguồn gốc từ thời Trung Cổ. Mốc thời gian thành lập chính thức của hội có lẽ là vào năm 1646 và sự kiện này diễn ra ở thị trấn Warrington, Anh quốc.
Các thành viên được kết nạp hội không những phải xuất thân từ gia tộc quyền quý, mà còn thuộc tầng lớp tinh hoa, thông tuệ trong các lĩnh vực chính trị, khoa học, nghệ thuật… Những người này phải giàu lòng bác ái và hướng đến mục đích là sự tiến bộ chung của nhân loại.
Hội Tam Điểm và các tổng thống Hoa Kỳ
Danh tính của các thành viên trong Hội Tam Điểm được giữ bí mật, nhưng theo thời gian, một số cái tên đã được tiết lộ. Điều khiến người ta kinh ngạc là có không ít nhân vật nổi tiếng thế giới ở nhiều thời kỳ và trong nhiều lĩnh vực khác nhau có liên hệ mật thiết đến hội. Ấn tượng nhất có thể kể đến là các tổng thống nổi tiếng của Hoa Kỳ như George Washington, Benjamin Franklin, Andrew Jackson, Theodore Roosevelt; các nhà khoa học như Charles Darwin, Isaac Newton…
Nhiều giả thuyết từ các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng Hội Tam Điểm có ảnh hưởng nhất định đến Hoa Kỳ thông qua các hội viên là tổng thổng. Trường hợp tiêu biểu nhất có lẽ là tổng thống George Washington và quá trình xây dựng thủ đô Washington DC.
Những tri thức của Hội Tam Điểm được áp dụng trong kiến trúc thành phố Washington?
Đây là một giả thuyết được đưa ra với nhiều bằng chứng nghe có vẻ khá thuyết phục. Câu chuyện bắt đầu khi 13 bang Bắc Mỹ giành được độc lập từ tay người Anh và George Washington lựa chọn vùng đất mới làm thủ đô thay vi các thành phố có sẵn như Boston, Pensylvania hay New York.
Khi bắt tay vào xây dựng thủ đô, George Washington đã giao việc cho kiến trúc sư người Pháp có tên Pierre Charles LEnfante – người cũng là một thành viên của Hội Tam Điểm. Yêu cầu tiên quyết dành cho vị kiến trúc sư phải kế thừa kế các truyền thống kiến trúc Ai Cập, La Mã và Hy Lạp cổ, đồng thời phải tính toán để các công trình đạt được kích thước lẫn tỷ lệ cân xứng chuẩn mực; ngoài ra, thủ đô mới cũng cần có sự phối trí hài hòa với những ảnh hưởng của bốn nguyên tố cơ bản: đất, nước, gió, lửa…
Kiến trúc sư LEnfante đã hoàn thành xuất sắc yêu cầu này. Ông bắt đầu từ việc bố trí hai công trình chủ chốt là Nhà Quốc Hội và Nhà Trắng nằm khác trục đường để tránh cho chúng đứng ở thế "đối đầu nhau". Tiếp đến, LEnfante khéo léo lồng ghép biểu tượng linh vật cú vọ của Hội Tam Điểm ở khu vực trung tâm quyền lực nhất đất nước. Cú vọ không chỉ là biểu tượng của hội kín mà còn là biểu tượng của sự khôn ngoan, sáng suốt theo văn hóa Hy-La.
Không chỉ dừng lại ở việc thiết kế đường xá, quy hoạch nói chung, các tri thức của Hội Tam Điểm còn được áp dụng vào những chi tiết nhỏ nhất. Hai con số yêu thích của hội là 13 và 33, được cho là xuất hiện ở nhiều công trình quan trọng như nhà quốc hội (mái vòm với 33 cột chống, mỗi cột cao 3,3 m) hay tờ 1 đô la (13 ngôi sao trên đầu đại bàng, 13 tầng kim tự tháp, 13 vạch ngang trên tấm khiến, 13 nhành và 13 quả trên khóm ô liu, hai dòng chữ Latin Annuit Coeptis và E Pluribus Unum đều gồm 13 ký tự).
Dù những giả thuyết này nghe có vẻ khá thuyết phục và cuốn hút, nhưng cho đến nay độ chân thực của chúng vẫn còn là chủ đề gây tranh cãi với nhiều người.