Hiện tại, bất kỳ ai tại Nhật cũng đều có thể tự do hóa trang thành các nhân vật mà họ yêu thích, đặc biệt trong các bộ manga-anime mà không phải mất bất kỳ khoản phí nào. Thế nhưng, mới đây nhất chính phủ Nhật Bản cho biết họ đang đề xuất những thay đổi lớn về mặt bản quyền, nhằm hướng đến đối tượng là các cosplayer kiếm tiền từ cosplay – và có thể, nếu các đề xuất này được thông qua, thì cả các cosplayer phi lợi nhuận cũng sẽ phải đối mặt với một số khó khăn nhất định.
Cosplay là một ngành công nghiệp hái ra tiền
Trái ngược với định nghĩa ban đầu về cosplay. Sự bùng nổ của kỹ thuật số và văn hóa manga-anime đang biến thú vui cosplay trở thành một công việc kinh doanh nghiêm túc, với mức thu nhập cao ngất ngưởng.
Ví dụ điển hình là cosplayer đình đám Enako, kiếm được khoảng 90.000 đô la (khoảng 207,6 triệu đồng) mỗi tháng nhờ việc xuất hiện trước công chúng, buôn bán hàng hóa, sách ảnh, talk show… Và Enako không phải cosplayer duy nhất thu về lợi nhuận như vậy. Rất nhiều cosplayer khác cũng kiếm được tiền từ việc bán ảnh hoặc clip hoặc ảnh hóa trang thành các nhân vật nổi tiếng. Đáng nói hơn là hiện nay các cosplayer có thể thoải mái thay đổi hoặc sáng tạo thêm khi hóa trang thành các nhân vật.
Việc kiếm tiền từ cosplay vốn không bị cấm trong luật bản quyền của Nhật Bản. Tuy nhiên, nó vẫn được xem là hành vi đi ngược lạ với định nghĩa về cosplay vốn được đưa vào luật bản quyền. Chính vì vậy, đã có rất nhiều đề xuất thay đổi luật bản quyền để phù hợp với tình hình hiện tại được đưa ra.
Khi cosplay không còn là thú vui miễn phí tại Nhật Bản
Nhà văn kiêm dịch giả Matt Alt cho biết, chính phủ Nhật Bản hiện đang xem xét việc thay đổi luật bản quyền trong nước để buộc các cosplayer chuyên nghiệp phải trả phí sử dụng nhân vật.
Theo Kyodo News, luật bản quyền của Nhật Bản không đề cập đến quá rõ ràng, nhưng đã định nghĩa cosplay là hành động được thực hiện không hướng đến lợi nhuận. Chính vì vậy, với các cosplayer nghiệp dư hoặc cosplay theo sở thích, không phục vụ mục đích kinh doanh thì mọi thứ có lẽ sẽ không quá xáo trộn. Tuy nhiên, Kyodo News cũng cho biết rằng, nếu đề xuất được thông qua thì việc đăng tải hình cosplay lên các mạng xã hội như Instagram có thể bị xem là vi phạm bản quyền.
Các cosplayer hàng đầu tại Nhật phản ứng ra sao?
Tất nhiên, là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất nếu thay đổi diễn ra, các cosplayer chuyên nghiệp tại Nhật Bản đã lên tiếng chia sẻ suy nghĩ về thông tin này. Enako, cosplayer kiêm đại sứ Japan Cool, giải thích rằng cô luôn cố gắng cosplay sát với nhân vật trong nguyên tác nhất có thể mỗi khi tham gia các sự kiện trả phí hoặc xuất hiện trên truyền hình. Cô cũng cho biết mình được cho phép cosplay các nhân vật do người khác sáng tạo. Enako cũng cho biết cá nhân cô không nghĩ rằng việc đăng tải các hình ảnh cosplay lên mạng xã hội là vi phạm bản quyền.
Nhiều netizen cũng chia sẻ ý kiến về vấn đề này cũng như bày tỏ hi vọng rằng nếu các đề xuất được thông qua thì chính phủ Nhật Bản sẽ có những quy định cụ thể để bảo vệ quyền lợi cho các cosplay.