Thể loại lạ, lần đầu được khai thác ở Việt Nam
Vòng lặp thời gian (timeloop) là thể loại chưa từng được khai thác trong phim Việt, nhưng lại rất phổ biến ở nước ngoài. Ví dụ gần nhất là series Happy Death Day (Sinh Nhật Chết Chóc), khi nhân vật chính cứ sống đi sống lại ngày sinh nhật của mình. Cô phải tìm lý do khiến mình bị giết thì mới thoát ra khỏi vòng lặp.
Trong 30 Chưa Phải Tết, Hân (Trường Giang) bị kẹt trong vòng lặp của ngày 30 Tết khi anh trên đường về quê để đoạt lấy mảnh đất của ba mình. Sống mãi trong ngày 30 Tết khiến kế hoạch của Hân không hoàn thành, đồng thời anh gặp lại những người quen cũ. Nhiệm vụ của Hân là phải tìm cách thoát ra nhưng mấu chốt khiến anh mắc kẹt lại không đơn giản.
Kịch bản 30 Chưa Phải Tết khai thác rất tốt yếu tố vòng lặp, còn có những sáng tạo riêng khiến khán giả khó đoán được câu chuyện. Phần cuối của phim khi Hân nhận ra nguyên nhân cũng như mục tiêu của mình, phim càng xuất sắc hơn.
Lần đầu tiên Trường Giang không làm trò hề để câu khách, mà diễn bằng thực lực
Người ta quen thấy Trường Giang chọc cười trên phim, trên truyền hình. Các phim điện ảnh anh đóng trước đây gần như phim nào anh cũng phải hoàn thành tốt vai trò chính của mình là chọc cười. "Chỉ cần Trường Giang khiến khán giả cười, nội dung hời hợt tí cũng được" là nhận định của nhiều khán giả về ngôi sao này. Thế nhưng với 30 Chưa Phải Tết, Trường Giang được là một nhân vật thực sự và kể câu chuyện của mình.
Ta vẫn sẽ cảm thấy buồn cười những đoạn Hân tung hứng với thầy sư Thích Tu (Mạc Văn Khoa) nhưng là những tiếng cười thực sự được tính toán trong từng tình huống, tạo ra những chiêm nghiệm thú vị. Hân là một gã con mất dạy, nên hắn chỉ khiến người ta tức, rồi tha thứ và thương chứ không cảm thấy lố lăng.
Cố gắng thể hiện thực lực, Trường Giang đưa khán giả vào mê trận của diễn xuất biến hoá và thuyết phục. Ở nửa sau bộ phim, người ta sẽ rơi nước mắt khi nhìn thấy những cố gắng của Hân khi phải trả giá và hy sinh. Trường Giang cũng không khóc bù lu bù loa để lấy nước mắt kiểu hiệu ứng dây chuyền mà chính ánh mắt, biểu cảm, cách diễn của anh khi tương tã với các nghệ sĩ gạo cội, đã tạo ra sự xúc động mạnh.
Bộ phim khẳng định thương hiệu điện ảnh của Quang Huy
Hai phim trước đó của Quang Huy là Thần Tượng và Chàng Trai Năm Ấy từng nhận nhiều lời khen của khán giả vì cảm xúc rất tròn đầy. Nhưng đâu đó vẫn có định kiến cho rằng vì lăn lộn trong showbiz nên làm phim về showbiz là sở trường của Quang Huy. Ngừng lại hơn 5 năm, nay Quang Huy quay lại diễn đàn điện ảnh với 30 Chưa Phải Tết, một phim không có tí gì của showbiz.
Anh kể một câu chuyện không hào nhoáng, không sân khấu, không chiêu trò. Những thước phim như các lát cắt cuộc đời được xẻ ra đầy mùi vị, lúc đậm đà, khi lại chua chát. Quang Huy khiến khán giả bất ngờ vì họ được xem bộ phim thật cảm xúc nhưng không lợi dụng sự am tường của anh về thế giới giải trí. Thay vào đó là tiếng cười, tiếng khóc từ tình cha con, luật nhân quả, tình làng nghĩa xóm mà bất cứ ai trong chúng ta cũng có và trải qua.
Câu chuyện gia đình không của riêng ai
30 Chưa Phải Tết làm được một điều rất quan trọng: chạm được vào tất cả khán giả. Ai cũng có gia đình, có những người cha mẹ yêu thương ta, có những xung đột và tức giận. Câu chuyện của Hân không hề xa lạ. Có khi là chuyện của chính bạn, hoặc của người hàng xóm nhà bên, của người yêu của bạn. Đôi khi sự xa cách sẽ tạo nên những khoảng cách mãi mãi, tưởng là không thể hàn gắn như Hân và ba mình. Nhưng khi ta có nhiều thời gian hơn để nhìn, để hiểu và để đối thoại, những bực dọc và hiểu lầm sẽ biến mất.
Không chỉ những người con mà cả ba, cả mẹ… đều có thể xem và rung động với 30 Chưa Phải Tết.
Dàn diễn viên ba miền, ba thế hệ
Phim mùa Tết ở Việt Nam vốn chỉ hướng đến đối tượng khán giả phía Nam với những câu chuyện đậm mùi văn hoá miền Nam, miền Tây. Chính vì thế mà đạo diễn Quang Huy, WePro muốn mang đến một bộ phim với sự tham gia của diễn viên cả 3 miền: miền Bắc có Mạc Văn Khoa, miền Trung có Trường Giang, miền Nam có Tấn Beo. Mỗi người một chất giọng từ các vùng miền khác nhau hội tụ trong một phim như một vòng tay lớn được chấp nối, từ chính những cảm xúc gia đình thân thuộc.
Ngoài ra, những cái tên gạo cội, có diễn xuất rất đẳng cấp như NSND Việt Anh, NSND Hồng Vân sẽ tạo ra những khoảnh khắc khiến bạn phải sụt sùi rơi nước mắt.
Các diễn viên khách mời đến từ loạt ngôi sao, ca sĩ đình đám như Phương Thanh, Đức Phúc, Puka, Huỳnh James, Ái Phương… mỗi người đều có những nhiệm vụ riêng, tạo được một bức tranh đa dạng trong phim.
Phim này không xem mùa Tết thì xem mùa nào?
Lấy bối cảnh ngày 30 Tết, khi ai nấy đều tất bật chuẩn bị cho năm mới, câu chuyện của Hân mang đến không khí rất thân thuộc. Đó là khi chú Ba Bò chở cây mai về nhà để trưng Tết. Khi ông Hai Chử trông đứng trông ngồi thằng con trai đã bỏ đi biền biệt. Khi mà vợ chồng cãi nhau đến mấy thì đến Tết cũng phải quên. Khi Hân gặp lại thằng bạn ngày xưa nay đã là thầy tu sau bao biến cố. Chính những sự tất tả, nỗi ngóng trông và tái ngộ đó đã làm nên một không khí Tết không lẫn đi đâu được.
"Có nhiều nơi để đi, Tết đến chỉ có một chốn quay về", thông điệp phim cũng là câu chuyện của Hân và ba mình, của sự thấu hiểu và bao dung. Đó cũng là lý do để ekip 30 Chưa Phải Tết đấu tranh đến cùng cho bộ phim của mình kịp ra rạp. Vì nếu không xem phim này mùa Tết thì còn xem vào mùa nào nữa?
Nếu không phải là thời điểm mà ai cũng muốn trở về nhà như Tết, bộ phim sẽ mất đi nhiều ý nghĩa.
Thành thử, 30 Chưa Phải Tết chính là bộ phim hợp nhất, cảm xúc nhất và Tết nhất mùa xuân năm nay. Phim khởi chiếu từ ngày 25/1/2020, nhằm mùng Một Tết trên toàn quốc.