Frogger được ra mắt lần đầu vào năm 1981, tức là đã cách đây đúng 38 năm. Thuở sơ khai của trò chơi điện tử có một nét sự “giản dị” rất đặc trưng, và Frogger cũng được thừa hưởng phần nào đặc điểm đó. Đơn giản, vui nhộn, có nhiều màu sắc, tựa game của KONAMI được xây dựng xung quanh cuộc phiêu lưu của một chú ếch, nơi bạn có nhiệm vụ phải giúp chú vượt qua các chướng ngại vật và trở về nhà an toàn. Để dễ hình dung hơn, gameplay của nó tương tự như những tựa game “sang đường” huyền thoại trên máy bấm điện tử cầm tay hay bộ trò chơi 4 nút.
Trải qua bao thời gian cũng như thăng trầm, việc có thể duy trì Frogger đến thời điểm hiện tại thực sự là một kì tích, nhất là khi các dòng game mới với cốt truyện và gameplay hấp dẫn hơn đang độc chiếm thị trường. Dù vậy KONAMI vẫn rất biết cách làm mới những đứa con của mình khi đã khai thác và bổ sung các khía cạnh mới mẻ song vẫn giữ được những thứ cốt lõi từ phiên bản gốc. Không chỉ đơn thuần là tìm cách băng qua đường cao tốc, cuộc phiêu lưu sẽ được nâng tầm với những bối cảnh gần gũi hơn như các kênh mương, bàn ăn, sân chơi trẻ em thậm chí là căn bếp. Không chỉ có những đoàn xe di chuyển sang ngang, mà những đồ vật với kích cỡ khủng với cách di chuyển cực “hack não” sẽ nâng tầm cuộc phiêu của bạn.
Dĩ nhiên, mục đích của cùng của bạn vẫn là đưa được chú ếch về nhà. Ở một khía cạnh khác, sẽ có những thử thách phụ ở mỗi màn chơi, thứ sẽ quyết định số sao bạn nhận được sau ván đấu. Những ngôi sao sẽ mang lại cho bạn những đồng xu ếch tương đương, phục vụ cho việc nâng cấp các tùy chỉnh, mua bán item hay xây dựng, gia cố căn nhà. Những trang phục (skin) thậm chí là âm thanh sử dụng trong màn hình chính hoặc màn chơi cũng sẽ được mở khóa bằng loại xu này. Xen giữa các màn chơi thông thường sẽ là những cấp độ đặc biệt, nơi những thử thách sẽ được nâng lên tầm cao mới. Đây được xem là yếu tố bổ sung giúp bạn đập tan sự nhàm chán cũng như tạo cơ hội để người chơi thu thập thêm những nguồn tài nguyên mới.
Nói qua một chút về các item, thứ bạn không bao giờ thấy được trong các phiên bản cổ điển. Có hai loại item phụ trợ được đánh giá rất cao trong phiên bản này, đó là Power-up và Jellybean. Nếu Power-up là một dạng bom phát nổ giúp dẹp bỏ một lượng chướng ngại vật nhất định trong màn chơi, thì Jellybean cho bạn sức mạnh tối thượng, biến người chơi trở thành một SuperFrog với khả năng bất tử trong khoảng 20 giây. Sẽ có những màn chơi vượt ngoài sức tưởng tượng của bạn, do đó những phụ kiện như 2 thứ “thần kì” kể trên sẽ là vô cùng cần thiết.
Các màn chơi như thường lệ sẽ có độ khó gia tăng. Cuộc phiêu lưu đôi khi sẽ không dừng lại ở việc băng qua mọi thứ và về nhà, mà nó sẽ khó khăn hơn gấp bội bởi sự xuất hiện của các “thế lực thù địch” khác. Những cuộc tấn công tầm xa, các cuộc giao tranh sẽ yêu cầu người chơi có cho mình khả năng điều khiển Frogger một cách điêu luyện.
Điểm nhấn dường như là đáng chú ý nhất mà KONAMI đã mang lại, đó chính là phần đồ họa trên cả tuyệt vời. Với tạo hình 3D cho cả nhân vật và bối cảnh, Frogger in Toy Town mang lại cho người chơi giao diện dễ chịu, cùng với đó là sự chân thật đến không tưởng. Chính sự chân thực này đã bổ trợ rất nhiều cho các màn chơi, nhất là những bối cảnh mới lần đầu xuất hiện trong dòng game này như bàn ăn, nhà khách, sân chơi, nơi có rất nhiều những đồ vật hình khối di chuyển từ mọi hướng.
Từng ấy điểm nhấn có lẽ là đủ để người chơi biết được tại sao Frogger in The Town đang rất hot ở thời điểm hiện tại. Việc có thể duy trì tựa game này sau từng ấy năm là điều không phải ai cũng làm được, song KONAMI lại đang thực hiện nó không thể tốt hơn. Tải về và thử ngay siêu phẩm cực hot này trên Appstore (Miễn phí).