Chúng ta đã trải qua nửa đầu năm 2019 với vô vàn tựa game hay, hấp dẫn, có nền đồ họa đẹp tới mức đáng kinh ngạc. Ngoài ra, ngành công nghiệp game cũng đang có sự chuyển mình mạnh mẽ giữa các thế hệ console và card đồ họa PC. Vậy nên các hãng phát triển đang cố gắng vắt kiệt toàn bộ sức mạnh của thế hệ hiện tại trước khi chuyển sang áp dụng các công nghệ mới.
Trong bài này, Mọt tôi sẽ liệt kê 15 trò chơi được đánh giá là đẹp nhất, có nền đồ họa xuất sắc nhất trong nửa đầu năm 2019 vừa qua. Những cái tên dưới đây đều đại diện cho những gì tinh túy nhất của các nền tảng Engine đồ họa khác nhau. Và nếu bạn mới bỏ 1 núi tiền ra mua con VGA đời mới RTX hay sắm con PS4 Pro chơi cho thỏa thì những cái tên sau đây có thể là công cụ cho bạn “thử lửa” thiết bị.
15/ RAGE 2
RAGE 2 được xây dựng trên nền Apex Engine của Avalanche Studios đã thực sự khiến game thủ mãn nhãn. Có thể nhận thấy tông màu của RAGE 2 đã được thêm vào các sắc màu như tím và hồng, cùng với việc đẩy tông sáng và sặc sỡ hơn. Tất cả đều do Avalanche Studios muốn nhấn mạnh hơn vào việc bắn giết, các hình ảnh cháy nổ đã mắt. Một thế giới sặc sỡ nhưng đầy hỗn loạn trong RAGE 2 là đều khiến game thủ mê mẩn tới mức khó mà dứt ra được.
Và nếu bạn tinh mắt có thể nhận ra một số phong cách đồ họa của game khá giống với Doom phiên bản reboot vừa ra mắt trước đó, các chuyển động tay và kiểu thiết kế vũ khí khá tương đồng giữa 2 tựa game này. Tất nhiên phần đồ họa cũng khá giống với các kiểu đổ bóng, vân bề mặt, độ sắc sảo của các vật thể… Chỉ có khác biệt là phong cách màu của Doom là u tối và RAGE 2 là tương sáng hoa hòe mà thôi.
14/ Resident Evil 2 Remake
Resident Evil 2 Remake đã cho thấy sức mạnh của RE Engine. Khi công nghệ đồ họa này được áp dụng lần đầu tiên trong Resident Evil 7, nó đã khiến game thủ phải trầm trồ khen ngợi. Và tới Resident Evil 2 Remake, RE Engine đã đạt được ngưỡng hoàn hảo của nó. Từ những chi tiết đẫm máu cho tới những tạo hình quái dị được làm rất xuất sắc. RE Engine cũng tái tạo được môi trường xung quanh không thể chê được, thành phố Raccoon hiện lên càng đáng sợ hơn rất nhiều.
Điểm đặc sắc nhất của RE Engine chính là tạo ra một thứ bóng tối đặc biệt. Các bóng tối đó khiến bạn cảm thấy rất quen thuộc giữa Resident Evil 7 và Resident Evil 2 Remake mặc dù chúng mang 2 tông màu chủ đạo khá khác nhau. Phong cách tạo đồ họa bóng tối này khiến cho bạn cảm thấy bất an trong mỗi bước đi, ở gần bạn thì sáng nhưng phía góc ra kia lại tối đen kịt làm bạn không thể rõ được cái bóng nhảy nhót kia là do ánh sáng rung của đèn hay là một con quái đang nấp ở đó.
13/ Devil May Cry 5
Trong năm 2019 này, một trò chơi khác nữa cũng sử dụng RE Engine, đó là Devil May Cry 5. Do đó, chất lượng đồ họa của DMC 5 là không phải bàn, mặc dù đôi lúc mức độ môi trường trong Devil May Cry thiếu đi một chút sự chăm chút. Tuy nhiên, xét về mức độ thể hiện ánh sáng, các chi tiết hay cách đánh bóng môi trường, cử động nhân vật cho tới biểu cảm, Devil May Cry 5 vẫn là một tựa game xuất sắc về mặt đồ họa.
Đặc biệt phần đồ họa của Devil May Cry tuy không thể gọi là tuyệt đỉnh như thật nhưng nó vừa đủ đẹp và đồng thời đáp ứng một thứ rất đặc trưng của thể loại game hành động: xử lý những pha hành động nhanh. Chuyển động nhanh và xoay góc nhìn nhanh sẽ khiến card đồ họa phải dựng một cảnh mới trong thời gian rất ngắn, điều đó khiến việc xử lý đồ họa bị nghẽn cổ chai trong tích tắc. Nó sẽ giống như một tay mới tập chạy xe kéo ga giật cục tạo gánh nặng cho máy theo từng đợt cao trào thay vì ổn định toàn phần. Devil May Cry 5 đã có những bố trí đồ họa và tinh chỉnh hợp lý để bạn có những khung cảnh đẹp mắt nhưng đồng thời cũng xoay đủ nhanh để bạn có thể thấy nó trơn tru theo từng pha nhảy nhót lộn nhào thậm chí là bay lượn của nhân vật chính.
12/ A Plague Tale: Innocence
Thật đáng kinh ngạc khi biết rằng A Plague Tale: Innocence lại tới từ một hãng phát triển độc lập nhỏ, chứ không phải một trò chơi được làm từ ngân sách của dự án game AAA. Cách thiết kế đồ họa của hãng Asobo Studio đều gợi cho người chơi cảm thấy như họ đang chơi game của Naughty Dog vậy. A Plague Tale đem tới những hình ảnh đậm chất nghệ thuật. Ngay cả những cành cây, nhành hoa, hay chỉ một chiếc lá thôi cũng cho thấy đây là một sản phẩm rất tâm huyết của những con người trong Asobo Studio. Ai bảo là game indie không đẹp được như game AAA nào?
Một số game thủ chê rằng đồ họa game này trông hơi bị thô, không bóng bẩy cực hạn như các game khác kiểu Shadow of The Tomb Raider chẳn hạn. Tuy nhiên nhìn về mặt đồ họa, thử thách của game này chính là việc dựng hình hàng trăm hàng ngàn con chuột trong một khung cảnh. Như phần trên đã nói, việc dựng một khung cảnh nặng sẽ vắt kiệt khả năng xử lý của card đồ họa trong một tích tắc. Riêng trong A Plague Tale: Innocence nó lại kéo dài hơn rất nhiều, vì hàng ngàn con chuột lúc nhúc đó vẫn hoạt động liên túc lúc bạn giải đố hoặc đấu trùm. Việc cân chính đồ họa tổng thể thấp xuống chính là để đạt được một thành tựu khác: hiển thị một số lượng vật thể khổng lồ trong 1 khung cảnh.
11/ Anthem
Mặc dù là một bom (cực kỳ) xịt của BioWare và EA, nhưng chúng ta đều phải công nhận rằng đồ họa của Anthem vẫn rất tuyệt vời. Hãy bỏ qua vấn đề trong gameplay hay các lỗi vụn vặt khác, Frostbite Engine có thể khiến người chơi ban đầu phải “mắt chữ A, mồm chữ O” khi chiêm ngưỡng trò chơi lần đầu tiên. Các khung cảnh thiên nhiên hoang dã đã tạo nên một hậu cảnh thế giới đẹp tới mê hồn. Nhưng đó chỉ là về phần nhìn mà thôi, và đồ họa thì không thể nào kéo một tựa game từ tệ hại lên xuất sắc được.
Ngược với tựa game “toàn chuột” bên trên, Anthem tối ưu đồ họa theo hướng “đẹp” với cảnh quang môi trường lung linh huyền ảo với một số lượng lớn và góc nhìn rộng. Nó giúp bạn ngắm những cảnh đẹp như mơ khi bay trên bầu trời và đánh nhau với những con boss sắc sảo đến từ con ốc, từng nếp nhăn da. Và đ1o cũng chính là điểm ăn khách khiến Anthem trở thành game hot ngay từ trailer đầu tiên công bố. Nó có đồ họa quá đẹp! Nhưng gameplay cùi bắp nên chết.
10/ Days Gone
Days Gone không phải là một tựa game có chất lượng xuất sắc, nó chỉ ở mức độ tạm đủ nào đó mà thôi, nhưng đồ họa của Days Gone thì không ai có thể nói là không đẹp được. Dù là một game độc quyền PlayStation nhưng trò chơi lại sử dụng sức mạnh của Unreal Engine (các game độc quyền PS vốn chỉ sử dụng những Engine thuộc biên chế của Sony), đem tới cho người chơi những hình ảnh thế giới quá chân thực, các nhân vật rõ nét tới từng lỗ chân lông. Tuy nhiên, đôi lúc các vật thể nhỏ như thùng hay xe hơi bỏ lại ven đường trông không tương xứng với tổng thể đồ họa quá đẹp của game.
9/ Mortal Kombat 11
Thật khó để tin rằng Mortal Kombat 11 được xây dựng trên nền tảng Unreal Engine 3 cũ kỹ. Dưới bàn tay của NetherRealm Studios, đồ họa của trò chơi đẹp và ấn tượng tới mức đáng ngạc nhiên. Tất nhiên là trò chơi không đẹp tới mức soi được từng sợi lông của nhân vật chính, nhưng nó vẫn cuốn hút người chơi bằng cách nét riêng. Từ những pha ra đòn được quay chận, zoom cận cảnh ở độ chi tiết cực cao đến phần nền 3D của các sàn đấu và cuối cùng là cảnh các vật thể nứt vỡ như thật.
Cái độc đáo ở đồ họa của Mortal Kombat 11 chính là lợi dụng việc hiển thị ít vật thể do là game đối kháng chỉ có 2 – 4 nhân vật hiển thị cùng lúc, nhà sản xuất để dành nguồn tài nguyên đồ họa cho các chi tiết cực kỳ nhỏ. Các hiệu ứng x-quang chuyên thấu hay các vật thể bị đánh thủng, gãy, vỡ đều được đầu tư rất chi tiết về phần hiển thị khiến bạn cảm nhận được độ “thốn” của mỗi chuỗi tuyệt chiêu. Và nhất là như mọi game đối kháng, nó cũng phải đủ nhẹ để chạy trên mức khung hình 60fps một cách ổn định hoàn toàn. Như bạn biết, game đối kháng thắng thua dựa trên phản xạ của người chơi ở từng khung hình, nếu để lag khung hình trận đấu sẽ trở nên bất công và không thuyết phục cũng như không còn chất eSports công bằng nữa.
8/ The Division 2
The Division 2 là một phần game nâng cấp rất đáng tiền so với người tiền nhiệm, đặc biệt là về phần đồ họa. Ngay từ các đợt beta, The Division 2 đã nhận được lời khen ngợi là có sự đầu tư kỹ lưỡng. Các hiệu ứng mờ hay nhìn rõ ở xa gần hay các hiệu ứng thời tiết được làm rất chân thực. Ngay cả hình ảnh bóng đèn chói trong màn đêm, hay như khi nhân vật dựa vào tường, các hình ảnh đèn mờ từ thiết bị bạn đeo trên người cũng hắt lên rất thật. Sự chăm chút từng chi tiết nhỏ nhất thôi cũng khiến cho game thủ cảm thấy phấn khích khi chơi The Division 2.
Còn tiếp…
- 15 tựa game có đồ họa xuất sắc nhất nửa đầu năm 2019 – Phần 1
- 15 tựa game có đồ họa xuất sắc nhất nửa đầu năm 2019 – P.Cuối