Đã qua rồi cái thời game thủ chi tiền mua máy console thế hệ mới chỉ vì đồ họa đẹp - PC/Console

Ngày xưa khi PS2 vừa ra mắt, lập tức người ta sẽ choáng váng vì sự thay đổi của chất lượng đồ họa nhưng giờ đây hình ảnh đẹp liệu có còn là yếu tố thúc đẩy khả năng móc ví quẹt thẻ của đám game thủ?

Đồ họa không còn là yếu tố hàng đầu khi lựa chọn

Đầu tiên đây chưa hẳn là một nhận định gây tranh cãi nhưng sẽ có nhiều người không tán đồng ý kiến này. Nhưng hãy ngồi xuống và nghe đây, ngày nay không có ai bỏ tiền mua máy console thế hệ mới chỉ bởi vì nó sở hữu cơ chế xử lý đồ họa cực đẹp và cũng chẳng có ai bỏ tiền mua một con game bởi đồ họa của nó tuyệt đối xuất sắc còn các yếu tố khác thì dở như hạch. Nói thế nào nhỉ? Cái ngày mà người ta phải trầm trồ trợn mắt cùng há hốc mồm chảy ke bởi đồ họa của Crysis vào năm 2007 nó đã cách đây xa xăm lắm rồi và nếu chỉ bàn về vụ đồ họa thì chắc Xbox One X sẽ phổ biến hơn PS4 bởi dù thích hay không, ai cũng phải thừa nhận Xbox xuất ra hình ảnh “xịn” hơn PlayStation rất nhiều.

Đã qua rồi cái thời game thủ chi tiền mua máy console thế hệ mới chỉ vì đồ họa đẹp

Thật không có ý tứ nếu Mọt tui có lỡ lời làm buồn lòng các PS4 boi nhưng đây là một điều hơi bị hiển nhiên và ai cũng biết Xbox “tạch” vì sai lầm trong chiến lược kinh doanh của Microsoft chớ nếu bàn về kỹ thuật thuần túy thì Sony không mạnh hơn người Mỹ bao nhiêu đâu. Quay trở lại vấn đề cảm giác choáng ngợp khi đồ họa được lên cấp, có một điều thú vị như thế này. Khi còn bé người ta có thể ngợp vì đồ họa 2D của Final Fantasy chuyển hình lên 3D ở bản FFVII trên PS1. Sau đó lại tiếp tục bị ngạc nhiên với nền tảng đồ họa siêu cấp dẫn của FFX khi thời đại PS2 được bắt đầu. Tuy nhiên khi PS5 ra mắt vào cuối năm sau, rất khó để những cú sốc như vậy có thể xảy ra thêm lần nữa. Đừng hiểu lầm, giới hạn của nền tảng đồ họa chưa dừng lại sớm như vậy và kết quả của một tựa game trông chẳng khác gì một bộ phim còn lâu mới có thể đạt đến.

Nói một cách chính xác thì các NSX có thể làm được game có chất lượng đồ họa như thật rồi nhưng người ta chưa tìm ra cách để một cỗ máy có thể xử lý đồ họa ở tầm ấy có mức giá phải chăng để ai cũng mua được. Vài năm trước đây Tim Sweeney từng phát biểu rằng cảnh quan môi trường sống động và chân thực trong trò chơi điện tử không phải là không có cơ sở nhưng điều kiện tiên quyết chính là nó cần một cỗ máy có khả năng xử lý đến 40 TFlops để thực hiện đồ họa. Theo lý thuyết một cặp RTX 2080 Ti khi đem ép xung có thể đạt mức 30 TFlops. Mặc dù mức giá của RTX 2080 Ti rất không tiện nghi và gần như nằm ngoài tầm với của đại đa số bình dân bá tánh thì đây cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy những cỗ máy có khả năng tái hiện đồ họa game y như thật sẽ được bán đại trà nhưng là trong tương lai khoảng 20 năm tới chẳng hạn.

Cuối cùng thì các trò chơi có đạt cảnh giới đồ họa như thật hay không?
Cuối cùng thì trò chơi có đạt cảnh giới đồ họa như thật hay không?
Đồ họa là vấn đề muôn thuở của bất cứ trò chơi điện tử nào, thậm chí khi game thủ không quan tâm thì chúng vẫn bị các NSX moi ra như một công cụ quảng cáo.

Với con dân của vương quốc game, họ không có máu “khổ dâm” tiềm ẩn trong ADN thế nên card đồ họa khủng là danh từ gì đó rất xa lạ. Với những công dân thiện lành này, PS4 Pro hoặc Xbox One X ( có thể là PS5 hoặc Xbox Scarlett nếu bạn đọc lại bài viết vào cuối năm 2020) là quá dư dả cho nhu cầu giải trí của một công dân gương mẫu. Đó là với người có tiền, với đại đa số người chơi phổ thông mức độ để hài lòng chính là những phiên bản hạ cấp hơn như PS4 thường hoặc Xbox one không có X. Những người chơi thích đi đu đưa hay đem nhau đi trốn thậm chí còn có thể chấp nhận nền tảng đồ họa của Nintendo Switch, miễn là nó ngon bổ rẻ và có thể mang đi khắp nơi. Và chắc cũng không cần phải đề cập tới cộng đồng những người thích chơi game trên điện thoại di động, nơi chất lượng đồ họa là thứ gì đó hơi bị xa xỉ và người ta chủ yếu quan tâm đến tính năng multiplayer cùng gameplay hơn là hình ảnh của trò chơi.

The point of diminishing marginal returns

Thật khó để chuyển thể cụm từ này sang tiếng Việt mà vẫn đảm bảo về ngữ nghĩa nhưng có thể tạm gọi đó là trạng thái sản phẩm tốt đến mức độ khó cải tiến mà không ảnh hưởng đến kinh doanh hay điểm giảm lợi nhuận cận biên. Nói nôm na là công nghệ sản phẩm đã đạt đến mức cực hạn ở thời điểm hiện tại trong khi mức kế tiếp quá đắt đỏ để có thể sản xuất đại trà và bán ra cho bà con mua xài. Trong một thời gian dài mỗi thế hệ console mới khi ra mắt đều chứng tỏ sự vượt trội về đồ họa hoặc ít nhất cũng mang đến sự đột phá rõ ràng nếu so với người tiền nhiệm. Genesis có thể không thành công về mặt thương mại nhưng chắc chắn là một tiến bộ nếu so sánh với NES. PlayStation giới thiệu đến công chúng đĩa CD-ROM hay Nintendo 64 rõ ràng là một sản phẩm đột phá từ tương lai nếu đặt bên cạnh SNES và Genesis. Vẫn còn nhiều ví dụ nhưng chung quy cả Dreamcast, GameCube, Xbox và PS2 khi ra mắt đều khiến cho người đàn anh của chúng trông trở nên vô cùng tội nghiệp với chuẩn đồ họa lỗi thời. Cuộc thay máu vẫn tiếp diễn khi PS4 và Xbox One được tung ra. Ngay lập tức bộ đôi này làm cho chính người một nhà như PS3 hay Xbox 360 rút ngắn thời gian của vòng đời và thậm chí những hệ máy ít quan tâm đến đồ họa như Wii hay Wii U cũng thể hiện sự cải tiến về đồ họa so với người tiền nhiệm.

Đã qua rồi cái thời game thủ chi tiền mua máy console thế hệ mới chỉ vì đồ họa đẹp

Tuy nhiên thời thế đã đổi thay. Với PS5 và Xbox Scarlett, game thủ đừng hy vọng đồ họa sẽ càng tiến thêm một tầm cao mới hay ít nhất cũng khiến người ta sửng sốt vì thực tế đồ họa của game tại thời điểm này đã “more than good enough” mất rồi. Tất nhiên chúng vẫn sẽ có một sự tiến bộ về mặt nào đó nhưng chắc chắn không giống cách mà Nintendo 64 khiến người ta ngạc nhiên khi đồ họa 16bit chuyển hình thành một thứ mà thiên hạ chưa bao giờ được thấy. Hay Xbox One đã phá vỡ giới hạn mà phần cứng của Xbox 360 có thể xử lý đồ họa tối đa vào năm 2012. Với PS5 và Xbox Scarlett, game thủ sẽ có một cỗ máy nextgen, một thứ trang sức hợp thời, một món hàng công nghệ mà những ai thích theo trend phải mua sắm nhưng chắc chắn nó nhiều nhất cũng chỉ có thể giúp God of War trở nên “mượt mà” hơn chứ không cách nào làm game trở nên giống như thật được. Đó là hạn chế của các NSX game khi cấu hình máy console phổ thông đã vượt quá điểm giảm lợi nhuận cận biên. Rõ ràng họ có thể làm cho game trông “như thật” nhưng lúc đó giá của một chiếc máy game sẽ đắt đến mức không phải ai cũng mua nổi và những người làm kinh doanh dĩ nhiên không thích điều này.

Do không thể tăng thêm về đồ họa, để bán được máy, các hãng sẽ phải tính đầu ra ở những khía cạnh khác để hấp dẫn khách hàng. Đây tiếp tục là một vấn đề gây chia rẽ trong cộng đồng game thủ và thậm chí là các NSX cũng có những định hướng rất khác nhau khi xác định yếu tố cần tập trung phát triển. Một vài hãng như Sony cho rằng ecosystem lock-in hay khả năng tương thích ngược là vấn đề cốt lõi bởi một hệ máy mới ra mắt chắc chắn sẽ chiếm được cảm tình của game thủ nếu nó đọc được các đĩa game cũ. PS5 đang rất cố gắng tương thích ngược với PS4 nhưng kết quả hình như không khả quan cho lắm chớ đừng nói đến PS3 hay các trò chơi cổ xưa hơn. Trong thời gian chờ đợi PS5 có thể tương thích nhiều trò cũ hơn, họ vẫn còn một con bài chiến lược quan trọng là những tựa game độc quyền. Vì sao cộng đồng Xbox tại VN ngày càng lụi tàn? Hỗ trợ kém? Buộc trực tuyến khi chơi? Khó mua game? Thật ra Sony nói chung hay PS4 nói riêng cũng gặp những vấn đề đó. Nhưng đáng tiếc game độc quyền (và hay) trên hệ máy này quá nhiều nên cuối cùng đám game thủ thường nhắm mắt tặc lưỡi cho qua.

Đã qua rồi cái thời game thủ chi tiền mua máy console thế hệ mới chỉ vì đồ họa đẹpĐã qua rồi cái thời game thủ chi tiền mua máy console thế hệ mới chỉ vì đồ họa đẹp

Trong khi đó Xbox lại quá ít sản phẩm độc quyền và nếu có lại thường là những game không thể nào gọi là hay được. Gears 5 mới đây là một ngoại lệ hiếm hoi nhưng trong ngần ấy thời gian PS4 đã có Persona 5, God of War, Red Dead Redemption II (gần đây mới lên vét tiền trên PC), Marvel’s Spider-Man, Detroit: Become Human, Horizon: Zero Dawn và một đống game độc quyền hay ho khác. Cuộc chiến không quá khó để phân định thắng bại và Microsoft có muốn vãn hồi thế cục thì họ vẫn còn một đống chuyện cũng quan trọng không kém cần được giải quyết bên vụ game độc quyền cho Xbox Scarlett. Bên cạnh đó người Mỹ trước khi đấu đá với Sony cũng phải dè chừng Nintendo bởi ông lớn này dù đã định vị cho Switch trở thành một thiết bị chơi game tốt nhất dành cho những người thích đi đu đưa, một trong những phong cách sống được đám game thủ sinh sau năm 2000 cực kỳ ưa chuộng. Nhưng bọn họ sẽ sẵng sàng thay đổi nếu cảm thấy sự đe dọa từ PS5 và Xbox Scarlett.

Tất nhiên bài viết này không nhằm mục đích phủ nhận sự quan trọng của đồ họa đối với bất kỳ trò chơi chơi nào. Bạn sẽ thấy Sony và Microsoft nhấn mạnh những gì về vụ độ họa tân tiến trong các bài chạy quảng cáo khi hai chiếc console thế hệ mới của họ ra mắt vào cuối năm sau, bất chấp việc hình ảnh của chúng chưa chắc đẹp hơn PS4 Pro hiện tại là bao. Thật hoài niệm cái cảnh PS2 bán chạy như tôm tươi vì đồ họa tiên tiến hay Xbox 360 từng có thời làm mưa làm gió vì chất lượng hình ảnh HD nhưng từ năm 2020 người ta sẽ không mua máy game mới chỉ vì chúng có hình ảnh đẹp nữa!

Siêu phẩm kiếm hiệp hot nhất cuối năm 2019 – Bấm liền tay nhận ngay quà tân thủ: https://go.onelink.me/WOzv/MotGame