Một năm sau, The Vagrant được đưa lên Kickstarter với lời hứa hẹn giản đơn: trở thành trò chơi hành động góc nhìn ngang 2D lấy cảm hứng từ các game của Vanillaware và Castlevania X. Đòi hỏi nguồn vốn khởi điểm khoảng 26,000 USD, The Vagrant đã gây dựng được… chỉ 10,000 USD và chính thức thất bại. Đây có lẽ không phải một cái kết đẹp cho những con người đã đánh cược cả công việc của mình cho một sản phẩm còn chưa chớm nở.
Tuy nhiên, họ đã không chùn bước. Năm 2017, The Vagrant chính thức ra mắt trên hệ thống Early Access của Steam để thu hút sự chú ý của cộng đồng, gây dựng số tiền cần thiết và thu thập ý kiến nhằm củng cố sản phẩm. Và giờ đây, tuy những gì hiện hữu trong The Vagrant lúc này có khác rất nhiều so với dự định từ thuở đầu Kickstarter, nhưng ít ra, một quyết định tưởng chừng táo bạo, bồng bột năm nào, cuối cùng đã tạo nên một tựa game hoàn chỉnh.
HÀNH TRÌNH THEO DẤU ĐỊNH MỆNH
Đặt trong thế giới Mithrilia hoang dã nhưng đậm chất màu nhiệm, câu chuyện của The Vagrant theo chân nữ chiến binh Vivian trong cuộc hành trình tìm lại người cha đã mất tích, cũng như khám phá sự thật về dòng máu gia đình cô. Liệu cô sẽ vượt qua những mối hiểm nguy, những cạm bẫy lừa lọc và những sự thật đắng lòng như thế nào? Để rồi cuối cùng, điều gì sẽ đợi cô ở cuối con đường ấy?
Nhìn chung, câu chuyện mà The Vagrant chuyển tải không phải là thứ gì đó đằm thắm, lãng mạn hay đáng khắc cốt ghi tâm, nhưng nó đã làm được tốt vai trò của mình: khiến bạn gắn bó hơn với thế giới trong game. Cốt truyện cũng có những nút thắt, điều bất ngờ, giây phút xúc động, đủ để tạo nên sự hứng thú cho bạn và đưa tới một ý nghĩa cho cuộc hành trình.
Đồng thời, cái thế giới mà câu chuyện ấy diễn ra – vùng đất Mithrilia – cũng được tô nên một cách thật đặc sắc. Sử dụng đồ họa vẽ tay, những vùng đất mà Vivian đặt chân tới được thổi hồn rõ nét tới từng chi tiết, bộc lộ nên điểm nhấn của từng miền đất vùng trời. Ở đó, mỗi kẻ thù cũng đều được phác họa bằng những hình thái riêng thật đặc trưng, tạo nên sự đa dạng cho game và thể hiện đúng cái “thần” của địa danh. Chỉ tiếc là thiết kế hình dạng nhân vật còn nghèo nàn, thiếu đi các hiệu ứng cho khu vực như ánh sáng hay thời tiết. Mảng âm thanh cũng chưa có gì quá nổi trội, khiến cho những nét đẹp trong thế giới game chưa thể bộc lộ thành tinh hoa.
Tuy nhiên, điểm nổi bật lớn nhất của tựa game này là cái giá của nó: 4 USD. Đây có lẽ là một con số quá “tí hon”, đặc biệt khi bạn so sánh nó với rất nhiều tựa game độc lập nói chung. Bạn sẽ trải nghiệm một hành trình dài khoảng 10 tiếng, chứa đựng trong đó một thế giới tranh vẽ tay đẹp mắt, các trận đấu trùm thử thách cam go, những phút giây cày đồ lên cấp và cốt truyện chứa những nét hấp dẫn riêng. Đó là chưa kể những bí mật được ẩn giấu trong game mà bạn có thể phải cật lực kiếm tìm, hay những cấp độ khó “nhói tim” dành cho những ai muốn thử thách bản thân.
Thậm chí, nếu mức giá 4 USD vẫn làm bạn phân vân, nhờ chính sách giá vùng và những đợt giảm giá “cận đáy” của Steam, The Vagrant có thể xuống ít hơn nửa bát phở. Một món ăn tinh thần với mức giá bình dân mà bạn có thể trải nghiệm hàng chục tiếng đồng hồ không dứt… còn gì để chê trách về giá đây?
Nói tóm lại, The Vagrant là một trải nghiệm nhẹ nhàng cho bạn và cả chiếc ví của bạn, chứa đựng chuyến phiêu lưu kì thú với những nét đặc sắc, đáng trải nghiệm riêng… đấy là nếu bạn không quá kì vọng vào cơ chế chơi!
CƠ CHẾ CHƠI VỤNG VỀ, THIẾU SẮC
Theo lời nhà sản xuất, The Vagrant chứa đựng những “trận chiến hoàn hảo, đầy thử thách”, cơ mà không!
Vấn đề lớn nhất của game là sự “vụng về” khi Vivian di chuyển. Điều khiển cô, bạn sẽ cảm nhận thấy chuyển động của nhân vật không được linh động. Nhảy gần như chẳng có tác dụng trong việc né đòn trừ phi bạn thực sự nhấn thêm nút “né đòn”. Đối mặt với Vivian là một loạt những kẻ thù được thiết kế hành động nghèo nàn. Quái thường đơn giản thì ta có thể nương tay bỏ qua, nhưng các tên trùm – điểm nhấn quan trọng của game, gần như chỉ xoay quanh hai loại.
Loại một chiếm khoảng phân nửa kẻ thù thuộc loại “di chuyển được”, và cách hữu hiệu để đối phó với chúng là ra đằng sau lưng mà đánh. Nếu chúng có quay lại tấn công bạn thì hãy nhanh tay “né đòn” để luồn ra sau lưng chúng và… đánh tiếp. Đảm bảo với phương thức dễ dàng ấy, bạn sẽ hạ được toàn bộ những tên trùm biết di chuyển của game.
Còn loại hai là trùm “đứng yên”. Như tên gọi, các tên trùm này sẽ bất động nhưng sẽ có những điểm yếu mà bạn có thể tận dụng để gây sát thương. Loại trùm này thì thường có các đòn đánh đa dạng hơn, nhưng vấn đề chính là: chúng không di chuyển, mà lại có điểm yếu cố định nữa nên phần lớn thời gian bạn chỉ cần giữ Vivian ở một khu vực rồi mặc sức đả thương chúng là xong, nên các trận đánh cũng chẳng tạo nên sự đặc sắc nhiều.
Bên lề những trận chiến, các cơ chế phụ để bổ sung sức mạnh cho nhân vật cũng không có gì đặc sắc. Nhân vật không mạnh lên theo cấp, mà mạnh lên nhờ sử dụng Mana – có được sau những trận đánh – để nâng cấp vũ khí hoặc mở khóa kĩ năng. Tuy nhiên, hầu hết kĩ năng đều liên quan tới cộng điểm chỉ số ngầm nào đó, nên Vivian sẽ không có quá nhiều đòn đánh mới để mở khóa, đặc biệt là về sau này. Còn nếu sử dụng Mana để nâng cấp vũ khí, bạn sẽ chỉ tăng được thêm một chút công thủ nào đó và mở khóa được một ô để lắp các mảnh đá cổ tự Rune Stone, mà hầu hết Rune Stone cũng chỉ loanh quanh bổ trợ chỉ số chứ không thêm kĩ năng gì đặc sắc. Hơn thế nữa, Rune Stone trong The Vagrant rất khó kiếm, ít xuất hiện, nên nhìn chung chức năng này để “cho có mà quảng cáo” là chính.
Ngoài ra, The Vagrant cũng có một số “hạt sạn” nhỏ khác, nhưng cuối cùng, mấu chốt của vấn đề với cơ chế chơi chính là nhà sản xuất chẳng hề trau chuốt để tạo ra thứ gì thật sự đặc biệt, nổi trội. The Vagrant có nâng cấp đồ, có cơ chế nấu nướng, có mở khóa kĩ năng… có rất nhiều thứ đó, nhưng cuối cùng, chẳng có mặt nào đủ đậm sâu để “gồng gánh” trải nghiệm chơi của game và tạo ra trải nghiệm đáng nhớ.
(theo VietGameAsia)