Đánh giá The Binding of Isaac: Repentance – Bình cũ rượu không mới nhưng vẫn ngon tuyệt

Đánh giá The Binding of Isaac: Repentance - Một bản mở rộng tuyệt vời dành cho một tựa game rougelike vốn đã được game thủ cực kỳ yêu thích.

Đánh giá The Binding of Isaac: Repentance – Vào năm 2011, tựa game indie roguelike The Binding of Isaac được phát hành và đạt thành công vang dội. Điều khiến trò chơi này được yêu quý như vậy chính là sự đa dạng về nội dung, trong đó bao gồm các loài quái vật, vật phẩm và cách phối hợp chúng. Cùng với một cốt truyện khá dark được lấy cảm hứng từ Kinh Thánh.

Mười năm sau, vào ngày 31 tháng 3 vừa rồi, cộng đồng game thủ yêu thích thể loại roguelike chào đón Repentance – bản mở rộng cuối cùng của tựa game này. Dù nói là DLC nhưng thật ra thì lượng nội dung mới mà Repentance mang tới chẳng hề thua kém một trò chơi riêng biệt.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là bản cập nhật này không mang lại sự thay đổi quá lớn về mặt gameplay. Vậy nên nếu mười năm trước bạn không thích The Binding of Isaac, Mọt không nghĩ rằng Repentance có khả năng thay đổi suy nghĩ của bạn. 

Điều mà Edmund McMillen đem đến trong bản mở rộng này là hàng tấn nội dung mới mẻ cho fan của dòng game Roguelike nói chung và The Binding of Isaac nói riêng thỏa sức khám phá. 

Gameplay mang tính thử thách cao

Nếu bạn chưa từng chơi thử hay nghe qua về tựa game đình đám này, hãy để Mọt giới thiệu sơ qua vài dòng. The Binding of Isaac thuộc thể loại roguelike với góc nhìn từ trên xuống. Điều này nghĩa là bạn sẽ phải khám phá những chuỗi hầm ngục tối tăm được tạo ra theo một cách ngẫu nhiên, thu thập vật phẩm trong khi tiêu diệt quái vật, sau đó đánh boss và di chuyển tới một tầng khác.

Cách điều khiển trong The Binding of Isaac: Repentance rất đơn giản: các phím wasd cho di chuyển, phím mũi tên để bắn, e để đặt bom, space để sử dụng vật phẩm và q để uống thuốc/dùng thẻ tarot. Chắc hẳn đọc đến đây thì các bạn đã có thể mường tượng ra gameplay của trò chơi này rồi.

Nhưng roguelike mà không khiến người chơi phải than trời vì độ khó thì làm gì được gọi là roguelike. Sau khi vượt qua một vài tầng đầu tiên, bạn mới bắt đầu thấm thía được sự thách thức mà tựa game này mang lại. Những con quái vật và boss trở nên trâu chó và có nhiều “trò con bò” hơn. Chưa hết, khắp nơi đều là bom đạn, vậy nên chỉ cần sơ sẩy một chút thôi là bạn mất nguyên một trái tim hoặc phải chơi lại từ đầu.

Đây cũng là lúc mà bạn nhận ra tầm quan trọng của vật phẩm và vận may trong trò chơi này. Khi nữ thần may mắn mỉm cười, bạn sẽ có thể thu thập được một combo cực kỳ bá đạo với sức mạnh đủ để hủy diệt boss mà chẳng phải đổ một giọt mồ hôi. Tuy nhiên nếu mang trong mình số mệnh “con dân châu Phi” thì chỉ cần một giây phút lầm lỡ thôi, bạn sẽ được “tiễn” về màn hình chính ngay lập tức.

Thêm vào đó, The Binding of Isaac vốn đã có nhiều vật phẩm, Repentance lại thêm vào tận 130 vật phẩm mới. Điều này nghĩa là cơ hội nhận được những trang bị mạnh mẽ như Brimstone, Rock Bottom, Incubus, Mom’s Knife… sẽ trở nên thấp hơn rất nhiều. Mặc dù nhà phát triển đã cố gắng chỉnh sửa rất nhiều vật phẩm để chúng có thể kết hợp với nhau tốt hơn, tuy nhiên phần lớn trải nghiệm chơi game của Mọt đều có thể được gói gọn trong câu “đen thôi, đỏ quên đi”.

Không chỉ vậy, bản DLC này cũng mang tới rất nhiều loài quái vật, trùm cuối cũng như nhân vật mới. Ngay cả một game thủ từng đầu tư hàng trăm giờ đồng hồ vào The Binding of Isaac cũng có thể sẽ cảm thấy xa lạ.

Ngoài ra, The Binding of Isaac: Repentance cũng bổ sung tính năng co-op đúng nghĩa, cho phép người chơi phá đảo thế giới ảo với những người bạn của mình. Ừm… Mọt chưa có cơ hội trải nghiệm tính năng này (bởi vì một ngày 24 tiếng thì đi ngủ mất 25 tiếng rồi chứ có chịu giao thiệp với bạn bè gì đâu), vậy nên bạn nào đã thử co-op rồi hãy chia sẻ ý kiến của mình với mọi người ở dưới phần comment nhé.

Cốt truyện cực kỳ, cực kỳ đen tối

Thường thì khi chơi roguelike Mọt không quá quan tâm về cốt truyện, tuy nhiên The Binding of Isaac: Repentance là một trường hợp ngoại lệ. Cốt truyện của game xây dựng dựa trên câu chuyện về Isaac – cái tên gợi nhớ về một trong ba vị tổ phụ của người Israel theo Kinh Thánh, và đó cũng là một phần có liên quan trong nội dung cốt truyện.

Game khởi đầu với cảnh cậu bé Isaac và người mẹ sùng đạo của mình sống hạnh phúc cùng nhau trong một ngôi nhà nhỏ trên đỉnh đồi. Thế nhưng bỗng một ngày, mẹ cậu nghe được giọng nói của Chúa Trời, yêu cầu bà phải “cứu rỗi” Isaac khỏi những thứ làm ô uế linh hồn và cuối cùng là hiến tế con trai mình để chứng tỏ đức tin. Biết được chuyện này thông qua lỗ hổng trên cửa phòng, Isaac đã phải chạy trốn xuống tầng hầm, chiến đấu với quái vật để có thể sống sót.

Không chỉ bị mẹ mình ngược đãi, Isaac còn thường xuyên bị những đứa trẻ cùng trang lứa đưa ra làm trò tiêu khiển. Chẳng hạn như khi hào hứng bóc quà lại nhận ra bên trong là một cục cớt, khi đang tỏ tình với crush thì bị bạn bè tụt quần… Cảm thấy như chẳng có ai yêu thương mình, đã có nhiều lần Isaac mơ tới việc chấm dứt cuộc đời đau khổ của cậu. 

Câu chuyện này lại càng trở nên buồn hơn sau khi Mọt biết được rằng trò chơi được xây dựng dựa trên những kí ức tuổi thơ của Edmund. Có lẽ do vậy mà điều Mọt thích nhất về Repentance là bản DLC này đã cho Isaac một cái kết tốt đẹp hơn (hoặc không khác gì tùy theo cách hiểu của từng người). Cũng giống như việc Edmund giờ đây đã trưởng thành và có một cuộc sống tươi sáng hơn vậy.

Mọt nghĩ rằng có lẽ chúng ta nên để dành cốt truyện The Binding of Isaac: Repentance cho một bài viết khác. Hoặc bạn có thể chinh phục những hầm ngục tăm tối để tự mình tìm kiếm lời giải đáp cho câu hỏi này.

Hình, âm đơn giản nhưng có sức hút

Cũng tương tự như phần lớn game thuộc thể loại roguelike khác, The Binding of Isaac: Repentance tập trung vào gameplay chứ không phải nền đồ họa hào nhoáng. Hình ảnh trong game khá trẻ con như được tạo thành bởi những nét vẽ cơ bản. Tuy nhiên trong trường hợp này, Mọt nghĩ rằng đây là một phong cách đồ họa cực kỳ phù hợp với câu chuyện mà nhà phát triển muốn truyền tải.

Dù sao thì chúng ta cũng đang quan sát thế giới trong game thông qua những bức vẽ của Isaac – một đứa bé 5 tuổi. Ngoài ra, các vật phẩm trong game đều có tác dụng rõ ràng lên nhân vật; đường đạn được làm nổi bật trên background, dễ nhìn, không làm người chơi rối mắt dù khắp nơi đều là mưa bom, đạn lạc. Mọt không có yêu cầu gì hơn về phần hình ảnh của tựa game này.

Về phần âm thanh, các bản nhạc nền đều được lồng ghép phù hợp với từng màn chơi; chậm rãi, rùng rợn khi bạn đang dạo quanh hầm ngục và dồn dập khi đối đầu với boss. Thêm vào đó, mỗi một loài quái vật, vật phẩm đều có hiệu ứng âm thanh riêng biệt, đặc trưng. 

The Binding of Isaac: Repentance đáng mua?

Đối với một người yêu thích thể loại roguelike như Mọt, The Binding of Isaac: Repentance là một tựa game đáng đồng tiền bát gạo. Với mức giá có hơi chát là 580.000 vnđ trên Steam nhưng đây là một trong những trò chơi roguelike hay nhất hiện nay với khả năng mang tới cho bạn hàng trăm giờ giải trí thú vị.

Tuy nhiên như Mọt đã nói ở đầu bài, nếu bạn không thích thể loại roguelike và trước đây cũng chẳng ưa gì The Binding of Isaac, Repentance không đáng với số tiền mà bạn có thể sử dụng để mua gần 15 tô phở. Còn ngược lại thì ngại gì mà không “xúc” ngay về tài khoản Steam của mình.

Ưu điểm:

  • Một trong những tựa game roguelike hàng đầu hiện nay.
  • Cốt truyện hắc ám nhưng đằng sau đó là ý nghĩa sâu xa.
  • Hàng tấn nội dung mới cho người chơi tha hồ khám phá.

Nhược điểm:

  • Well, nếu bạn không thích The Binding of Isaac thì tốt nhất đừng mua bản DLC này.
  • Phần lớn các nội dung mới đều nằm ở phần cuối game, vậy nên đa số game thủ sẽ chỉ được trải nghiệm qua Youtube mà thôi.

Đối với các game thủ hiện đại thì những tựa game roguelike đã không phải là thứ gì quá xa lạ, khi chúng như tách biệt hoàn toàn khỏi phần còn lại, khi mà nó bắt buộc nhân vật do người chơi điều khiển chết vĩnh viễn cũng như màn chơi luôn thay đổi hoàn toàn sau mỗi lần reset. Cụm từ Rogue-like không phải là kiểu một định nghĩa cho thể loại game nào đó, mà nó cũng giống như metroidvania hay soulslike – tức là các game có cách chơi cùng thiết kế giống như một hoặc nhiều bản gốc đi trước.

Trên thực tế dòng game rouguelike được định nghĩa khá muộn khi tới tận năm 2008 thì cái tên gọi “roguelike” mới chính thức xuất hiện và được công nhân rộng rãi, khái niệm roguelike được đặt ra để chỉ các tựa game có một lối chơi gần giống nhau nhưng phải đi theo một công thức chung có sẵn. Theo dòng thời gian thì các nhà phát triển dần dần hoàn thiện cũng như bổ sung thêm nhiều cải tiến mới, do đó các bạn sẽ thấy có vài game thuộc dạng roguelike rất khác phần còn lại, nhưng về cơ bản chúng cần phải thỏa mãn một vài yêu cầu bắt buộc. Bạn có thể tìm hiểu thêm về vấn để này tại đây.

Fanpage Kênh Tin Game Esports - khu vườn địa đàng với hàng ngàn tin tức Esports và 7749 loại meme/video.. vui tính hơn cả crush của bạn. LIKE NGAY ĐỂ CẢM NHẬN!
Bạn có sẵng sàng "tám" xuyên biên giới tại Gia đình Kênh Tin Game, nơi có những thiên tài như Elon Musk, bí ẩn như Dr.Strange và lịch lãm như Constantine?
Và cuối cùng bạn đã đăng ký kênh Youtube của Kênh Tin Game chưa? Đăng ký đi vì nó miễn phí.