The Sojourn là một trò chơi thú vị nhưng sự thiếu liên kết giữa lối chơi cùng nội dung cốt truyện đã khiến sản phẩm Shifting Tides trở nên dở dở ương ương.
Nếu cần phải dùng một thành ngữ nào đó để định danh The Sojourn thì tiến thoái lưỡng nan hẳn là một nhận xét phù hợp. Tựa game do Shifting Tides gần như khiến người ta phát cáu khi trải nghiệm, không phải vì nó dở cũng không phải vì nó quá khó. Chỉ đơn giản là trò chơi có đủ nguyên liệu để tạo ra một siêu phẩm nhưng các NSX đã lấy một xấp bài rất tốt đem đi phung phí ở những nơi không cần thiết. Một mặt trò chơi mang đến cho người ta những cảm giác rất thú vị về những câu đố phức tạp nhưng không khó đến mức khiến người chơi nhũn não và cảm giác thú vị mỗi khi phá giải được bí ẩn nào đó. Cùng với lối chơi giải đố hấp dẫn, nền tảng đồ họa đầy màu sắc với tông màu tươi sáng, cốt truyện đầy trừu tượng khiến người chơi bất giác say đắm lúc nào cũng không biết.
Đáng chết thay khi tâm hồn phiêu lãng đang mộng mơ cùng thế giới đầy kỳ ảo The Sojourn lại nhanh chóng khiến người ta bị bối rối giữa hai thái cực vui vẻ và ức chế khi lối chơi tỏ ra không ăn nhập gì đến cốt truyện và những nội dung tư tưởng mà NSX muốn gửi gắm. Một điểm phải phàn nàn nữa về game chính là trong giai đoạn đầu, khi còn bỡ ngỡ, lối chơi giải đố gây khó dễ của game tỏ ra vô cùng gây nghiện khiến game thủ chỉ muốn thử đi thử lại từng phương án cho đến khi thành công. Đến giữa game những thử thách có phai nhạt ít nhiều nhưng nhìn chung vẫn đáng để tiếp tục xem chuyện gì xảy ra. Nhưng than ôi ở giai đoạn cuối của The Sojourn, sự việc trở nên vô cùng tồi tệ khi các NSX tỏ ra thiếu phương án dự phòng khiến các câu đố và thử thách bỗng nhiên lặp đi lặp lại mãi cho đến khi trò chơi kết thúc.
GIống như nhiều game thủ trên Steam đã bức xúc, trải nghiệm của The Sojourn giống như một bữa ăn ngon với nhiều nguyên liệu đắt tiền. Thế nhưng người đầu bếp tỏ ra quá thiếu ý tưởng sáng tạo cũng như không tập trung phát huy những điểm mạnh của món ăn mà chỉ chăm chăm nhồi nhét nhiều món Âu Á vào một thực đơn. Món khai vị rất tuyệt cmn vời, món chính hơi kém so với kỳ vọng nhưng nói chung là vẫn đáng tiền với một nhà hàng 5* nhưng bất ngờ món tráng miệng lại xuống phong độ một cách thảm hại. Điều đó khiến cả bữa tiệc vốn rất ngon lành và đáng để khen ngợi trở thành một trải nghiệm vô cùng khó xử. Không hoàn toàn tồi tệ nhưng chắc chắn không phải là thứ gì đó tuyệt vời mà người ta muốn giới thiệu cho những người bạn của mình biết đến để chia sẻ những cảm xúc thăng hoa. Nói nôm na là dở ông dở thằng vậy.
Mặc dù The Sojourn có những câu đố vừa hóc búa vừa thú vị, đảm bảo sẽ kích hoạt bất cứ tư duy nào còn tiềm ẩn trong từng tế bào thần kinh của người chơi. Cùng với một câu chuyện có vẻ hấp dẫn được đặt trong khung cảnh tràn đầy màu sắc với những yếu tố đậm chất nghệ thuật, nhưng sự mâu thuẫn giữa lối chơi và cốt truyện đã tạo ra một trải nghiệm khá lộn xộn dường như chỉ tỏa sáng trong một vài trường hợp cụ thể.
Thực tế nội dung của The Sojourn là vô cùng trừu tượng, thậm chí đến khi trải nghiệm xong trò chơi, Mọt tui vẫn méo biết cái game quỷ này nói về điều gì. Bởi có một thực tế là cốt truyện của nó quá rối rắm dù NSX tuyên bố trò chơi được lấy cảm hứng từ quyền tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Andrew Krivak. Đây tiếp tục là một cuốn tiểu thuyết cực kỳ khó đọc miêu tả về hành trình trưởng thành từ một thiếu niên ngây thơ đến hung thần trên chiến trường Áo – Hung của Jozef Vinich. Nếu thế chắc cũng chẳng khác Kak zakalyalasy stal! của Nikolai Ostrovsky là bao nhưng việc miêu tả diễn biến nội tâm phức tạp của nhân vật chính khi trở lại cuộc sống bình thường khiến The Sojourn trở thành cuốn sách khó đọc hơn bao giờ hết nếu không thật sự yêu thích thể loại văn chương tự sự. Game The Sojourn lại chẳng giống với cuốn tiểu thuyết cùng tên khi không yêu cầu người ta yêu thích văn chương, chỉ cần có tính kiên nhẫn là đủ.
Khỏi đầu The Sojourn cho thấy hình ảnh một đứa trẻ đang háo hức khám phá thế giới (hay mê cung?) tràn đầy sự kỳ bí, game thủ sẽ được dẫn đường bởi một ánh mặt trời soi rọi. Càng dấn thân sâu vào tìm hiểu, người ta sẽ càng cảm thấy hoang mang bởi câu hỏi đứa trẻ này là ai, chúng ta đang làm gì? Về mặt nào đó người chơi cũng chính là bạn đồng hành duy nhất của đứa trẻ và mỗi khi phá giải được một câu đố do trò chơi đưa ra, chúng ta lại có thể tìm hiểu sâu hơn về các sự kiện đã, đang và sẽ diễn ra trong suốt cuộc đời của cậu nhóc này thông qua các bức tượng được tạo hình theo phong cách baroque đầy ấn tượng. Dĩ nhiên theo phép lịch sự thì phải nói là có thể tìm hiểu sâu hơn khi tiến sâu vào trò chơi chớ thật ra Mọt tui vẫn không hiểu cho lắm về cốt truyện thật sự của game này, chỉ biết là mấy trò giải đố của nó khá vui và độ khó vừa đủ để người ta cảm thấy sự thử thách chớ không khó theo kiểu làm người ta nản cmn lòng như Dark Souls.
Quay trở lại với The Sojourn, rõ ràng thế giới trong game là tập hợp của một chuỗi nhưng điều quái lạ để người ta phải suy nghĩ. Cảnh quan môi trường rất tươi sáng, rất sống động với những gam màu cực kỳ tươi sáng bắt mắt nhưng chung quy vẫn khiến người ta cảm thấy đâu đó chút bất an vì cảm giác hài hòa vô cùng giả tạo của thế giới này. Các nhân vật trong game cũng vậy, thoạt nhìn “bọn chúng” cư xử khá bình thường hay ít nhất cũng cố gắng tỏ ra không có gì bất thường. Thế nhưng những chiếc băng bịt mắt, những câu nói đầy ám ảnh khiến ta rợn người mỗi khi bất chợt chiêm nghiệm ra sau từng câu đố hóc búa, chứng tỏ thế giới này thật sự không ổn chút nào. Tuy nhiên nhiều khả năng người chơi sẽ bị lạc lối và bỏ lỡ câu chuyện bởi cách dẫn nhập của game hết sức có vấn đề.
Câu chuyện của The Sojourn rõ ràng cậu nhóc là nhân vật chính, game thủ chỉ là người quan sát thế nên muốn câu chuyện được tiến triển hoàn toàn lệ thuộc vào khả năng giao tiếp của đứa bé này và đó chính là điểm gameplay và story của trò chơi bị xung đột. Đứa nhóc khá kiệm lời, chúng ta lại không thể lên tiếng, các bức tượng theo trường phái baroque rất đẹp về mặt nghệ thuật nhưng không mang nhiều giá trị truyền tải thông tin. Không có bất kỳ cuộc hội thoại ngang hàng nào, đồng nghĩa với việc không có nhiều hứng thú để người ta đào sâu vào tìm hiểu những gì xảy ra xung quanh, từ đó câu chuyện chủ đạo của The Sojourn chính là tìm đường, giải đố, qua màn và hết, không có nhiều sự tương tác để các NSX có cơ hội gửi gắm những điều bản thân muốn truyền tải.
Thêm vào đó các câu đố của The Sojourn cho đến hơn nửa sau của trò chơi, tỏ ra rất thú vị và vì thế giữa muôn vàn câu hỏi hấp dẫn còn chờ người ta khám phá, hãy nói cho Mọt tui biết lý dó vì sao phải quan tâm đến mấy bức tượng đá xù xì kém thân thiện đây? Hậu quả dĩ nhiên cũng rất là nhãn cmn tiền khi chỉ cần vài màn chơi bị bỏ quên, đám tượng đá đó sẽ ngày càng trở nên trừu tượng và cuối cùng game thủ (như Mọt tui chẳng hạn) sẽ cóc hiểu gì về cốt truyện của trò chơi. Chơi lại màn cũ? Quá mệt óc. Chơi lại từ đầu? Bỏ qua đi. Dù sao đây cũng không phải là lỗi của người chơi mà lỗi thuộc về các NSX khi họ đã làm ra một sản phẩm mà nội dung và lối chơi bị tách rời, thiếu nhất quán giữa tốc độ trải nghiệm cùng khả năng tiến triển của câu chuyện đồng thời tỏ ra quá nhàm chán trong giai đoạn cuối chỉ vì giám đốc sáng tạo đã cạn kiệt ý tưởng.
Dẫu sao đi nữa nếu chỉ thuần túy quan tâm đến phần giải đố và lờ hết đi mọi thứ tiêu cực kia thì The Sojourn vẫn là một trò chơi người ta nên thử để biết giới hạn nào mà bộ não của chúng ta có thể tiếp nhận khi di chuyển trong vũ trụ đa chiều.
Cấu hình tối thiểu:
- Hệ điều hành: Windows 7 SP1 64-bit
- CPU: Quad-core Intel hoặc AMD processor, 2.5 GHz
- RAM: 4 GB
- VGA: NVIDIA GeForce GTX 470 hoặc AMD Radeon 6870 HD series
- DirectX: Version 11
- HDD: 5 GB trống
–
Siêu phẩm kiếm hiệp hot nhất cuối năm 2019 – Bấm liền tay nhận ngay quà tân thủ: https://go.onelink.me/WOzv/MotGame