Nội dung của Wolcen: Lords of Mayhem thì đã hoàn chỉnh theo đúng lời hứa của nhà phát triển, trong khi những khía cạnh khác của game còn nhiều thiếu sót.
Sau một thời gian dài thử nghiệm beta, tựa game ARPG Wolcen: Lords of Mayhem đã được nhà phát triển Wolcen Studios chính thức phát hành trên Steam vào ngày 14/2. Bởi đây là một trong những tựa RPG gây được tiếng vang và thu hút sự quan tâm từ khi chỉ mới là một dự án Kickstarter, Mọt tui lập tức nhảy vào trò chơi này để trải nghiệm nó. Dưới đây, bạn sẽ tìm thấy những đánh giá mà Mọt dành cho trò chơi đáng chú ý này.
Gameplay
Rất khó để đánh giá Wolcen: Lords of Mayhem mà không so sánh nó với Diablo 3, không chỉ vì hai game có góc nhìn giống nhau mà còn vì Wolcen học hỏi khá nhiều từ thiết kế gameplay của Diablo 3. Tuy nhiên Wolcen không mù quáng sao chép, mà có những thay đổi khá thú vị giúp game thủ có thể xây dựng nhân vật của mình một cách tự do hơn rất nhiều.
Đầu tiên, hãy nói đến hệ thống tạo nhân vật. Như bạn đã biết trong bài viết trước của Mọt tui, bạn đã biết rằng Wolcen cho phép game thủ xây dựng nhân vật một cách tự do, không hề gò bó nhân vật vào những lớp nhân vật được ấn định sẵn ngay từ đầu game. Vì vậy, chỉ cần có đủ Primodial Affinity (một loại tiền trong game), bạn có thể thoải mái reset nhân vật, thay đổi bộ kỹ năng để chơi theo cách mình muốn – người chơi có thể “hô biến” một chiến binh thành pháp sư hay cung thủ và trải nghiệm cách chơi mới mà không cần phải tạo một nhân vật mới để cày lại từ đầu.
Lối chơi đậm chất hành động của Wolcen hẳn cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ Diablo 3. Các nhân vật trong game chiến đấu một cách gãy gọn, với những đòn đánh đầy uy lực và không thiếu máu me, đem lại cho game thủ một bữa tiệc nghe nhìn xứng đáng với công sức họ bỏ ra để chăm chút cho nhân vật. Các khu vực trong game được tạo ra một cách ngẫu nhiên dựa trên các “mảnh ghép” được thiết kế sẵn và kết nối lại với nhau mỗi lần bạn ghé qua, nên game thủ rất ít khi bắt gặp những địa hình giống hệt nhau (trừ các khu vực boss là hoàn toàn cố định). Những cột mốc buff hoặc các sự kiện ngẫu nhiên nằm rải rác trên những bản đồ này cũng đem lại cho game thủ những pha tả xung hữu đột giữa hàng ngũ quái vật và những phần thưởng nhỏ, góp phần “gia cố” trải nghiệm chiến đấu dọc đường đi của bạn.
Tuy nhiên, Wolcen có một vấn đề khá quan trọng: có vẻ như trò chơi hoàn toàn không hỗ trợ “Animation Cancelling,” một trick thường xuyên được sử dụng trong game RPG để cắt ngắn các động tác quá dài. Sự thiếu sót này đôi khi khiến nhân vật của bạn đứng đực ra chờ animation hoàn tất trong khi lũ quái khủng vây quanh mình, hoặc bình máu không được kích hoạt đúng lúc để cứu mạng nhân vật (do chúng được kích hoạt theo từng “tick” của game). Ở những cấp thấp khi bạn còn đi theo cốt truyện thì đây không phải là vấn đề, nhưng khi đến với các chế độ endgame, nhân vật của bạn hoàn toàn có thể bị tiễn về làng trong khi đang chờ đợi animation kết thúc.
Trang bị và kỹ năng
Trước khi nói đến các kỹ năng của nhân vật, Mọt tui xin được nói trước về hệ thống tài nguyên (resource) mà game thủ có thể dùng để tung ra các chiêu thức và kỹ năng. Đội ngũ phát triển đã tạo ra một biến tấu thú vị: thay vì để mỗi lớp nhân vật dùng một loại tài nguyên riêng biệt như Diablo, Wolcen chỉ có hai loại tài nguyên khác nhau là Rage và Willpower nhưng bạn có thể sử dụng chúng cùng lúc. Sẽ có những kỹ năng ngốn Willpower nhưng tăng Rage và ngược lại, đồng thời game thủ cũng có thể chủ động thay đổi tốc độ hồi phục của chúng hoặc ưu tiên hồi phục một trong hai loại bằng các kỹ năng, nội tại và hiệu ứng của trang bị cho phù hợp với lối chơi.
Hệ thống kỹ năng của Wolcen học hỏi từ các viên Rune của Diablo, và đem lại cho game thủ những “Modifier” để thay đổi hiệu ứng của kỹ năng một cách tùy thích. Thay vì bó buộc người chơi vào việc chọn một viên Rune duy nhất, Wolcen cho phép bạn chọn bao nhiêu ngọc tùy thích, chỉ bị giới hạn bởi số lượng điểm bạn có. Vì vậy, một kỹ năng trong game có thể mang rất nhiều hiệu ứng khác nhau, và hoạt động theo những phương thức rất khác nhau, chỉ cần bạn có đủ sức tưởng tượng.
Lấy ví dụ Anvils Woe, kỹ năng Mọt tui chọn làm chiêu sát thương chính: nó có thể được spam không ngừng nghỉ + mỗi lần stun sẽ tăng tỉ lệ chí mạng lên mục tiêu, hoặc có thời gian hồi chiêu + chí mạng sẽ gây stun, hoặc stun + AOE + gây sát thương sét thay vì vật lý… Sự linh hoạt trong cách xây dựng kỹ năng này đem lại cho game thủ rất nhiều lựa chọn khác nhau khi phát triển nhân vật của mình, và trong tương lai chắc chắn sẽ mở đường cho nhiều cách chơi khác nhau nếu Wolcen Studios không thất bại trong việc cân bằng và sửa lỗi cho game.
Trong thời điểm Mọt tui viết bài này (patch 1.0.4.0), Wolcen vẫn còn khá nhiều bug trong hệ thống trang bị, kỹ năng và nội tại khiến game thủ không tạo ra được những nhân vật mạnh như mong muốn (hoặc mạnh ngoài mong muốn), nhưng điều đó không ngăn cản được game thủ tạo ra những nhân vật hết sức bá đạo, đến mức gần như chẳng khác gì bug. Các cách build này có thể sẽ bị nerf hoặc fix lại trong tương lai bởi chúng dựa trên những hiệu ứng không mong muốn, nhưng nhiều cách xây dựng nhân vật rất sáng tạo mà không hề “phá game” cũng đã ra đời.
Để làm được điều đó, hệ thống trang bị của game có công lao rất lớn nhờ sự góp mặt của các món đồ Unique màu tím, với những hiệu ứng lạ lùng nhưng khơi gợi trí tưởng tượng của game thủ. Chiến binh không thể dùng phép thuật do các phép thuật đó yêu cầu pháp trượng hoặc Catalyst, nhưng bạn có thể mang một tấm khiên Unique mở ra khả năng dùng phép thuật mà không cần đến hai món vũ khí đó. Mọt tui chưa may mắn nhận được tấm khiên này mà chỉ mới được thưởng thức uy lực của một chiến chùy hoàn toàn miễn nhiễm với các hiệu ứng khống chế. Rất nhiều món Unique có thể cần được buff thêm, nhưng nói chung các vật phẩm Unique xứng đáng là tâm điểm trong cách xây dựng nhân vật của game thủ.
End game
Wolcen hiện tại không có chế độ New Game+ để game thủ chơi lại cốt truyện sau khi đã hoàn thành game, nhưng điều này không có nghĩa là trò chơi thiếu các nội dung endgame cho game thủ. Sau khi hoàn tất phần cốt truyện, bạn sẽ mở khóa được một chế độ chơi mới gọi là Champion of Stormfall, nơi nhân vật chính trở thành nhà lãnh đạo của Stormfall và bắt tay vào việc tái thiết thành phố này với những hoạt động khác nhau và tiêu tốn hai loại tiền Gold, Primodial Affinity. Phần thưởng khi tái thiết thành phố là Gold, Primodial Affinity, trang bị hiếm, ngọc và cả slot kỹ năng thứ 5 trên thanh kỹ năng của nhân vật.
Mandates Board là hoạt động tương tự các Nephalem Rift trong Diablo 3 – bạn sẽ được thả vào một bản đồ đầy quái vật và nhiệm vụ của bạn đơn giản là tiêu diệt chúng. Tính năng tạo portal về làng (mặc định là nút T) vẫn hoạt động trong các chiến trường này nên game thủ hoàn toàn có thể trở về thanh lý trang bị trong túi đồ trước khi trở lại diệt quái vật. Chế độ này là một phương thức tốt để thử nghiệm cách lên đồ và trang bị hoặc để farm một cách nhẹ nhàng, nhưng phần thưởng mà nó đem lại không đủ hoành tráng, và rất khó tìm trang bị Legendary hay Unique từ đây.
Vì vậy nên nếu muốn tìm “hàng khủng” để nâng cấp nhân vật của mình, bạn cần tìm đến Expedition. Về cơ bản, nó cũng tương tự như Mandates Board nhưng có độ thử thách cao hơn hẳn. Game thủ còn có thể bổ sung thêm tối đa 5 “Zone Modifier” để thay đổi cách quái vật chiến đấu, điều kiện môi trường… và từ đó tăng cơ hội nhận được trang bị khủng (thể hiện qua chỉ số Magic Find). Bạn thậm chí còn có thể đánh cược khi hoàn thành một Expedition: đi sâu hơn và đối mặt những quái vật mạnh hơn để nhận phần thưởng lớn hơn, hoặc ngừng lại và mang phần thưởng đang có về nhà.
Expedition là hoạt động endgame thực sự của bạn khi nó có thể đem tới những con quái vượt xa cấp bậc của người chơi, nhưng đó chưa phải là khó nhất. Bạn còn có thể dụ dỗ những con quái khủng bố được gọi chung là “Untainted” đến với chuyến thám hiểm Expedition của mình và nhận phần thưởng khi đánh bại chúng, tuy nhiên có vẻ chế độ này còn bug: đôi khi phần thưởng mà nó đem lại quá bèo nhèo, khoảng vài mươi đồng vàng và mấy món trang bị rác rưởi chỉ xứng quăng vào shop.
Multiplayer, bug và những vấn đề lớn
Mọt tui lựa chọn chơi Wolcen online để đề phòng trường hợp mình muốn co-op cùng bạn bè (hoặc người lạ) sau này, nhưng điều này đã đem đến cho Mọt khá nhiều điều bực mình. Ngoài việc server của game bị down một thời gian dài ngay sau khi ra mắt (khoảng 2 ngày rưỡi) vì nhiều lý do khác nhau, tính năng bạn bè của trò chơi cũng còn bị hạn chế, trong khi chơi co-op không thực sự hoạt động. Mọt tui thử co-op với người khác trên server Discord của game ba lần, và chỉ một lần không bị crash nhưng đó là bởi cuộc co-op chỉ kéo dài khoảng 5 phút mà thôi.
Dù phần chơi cốt truyện của game đã hoàn thành và cấp bậc của nhân vật cũng được nâng từ 20 lên 90 trong phiên bản 1.0 ra mắt vào tuần trước, Wolcen: Lords of Mayhem thực sự còn rất nhiều vấn đề khiến game “hoàn thành chứ chưa hoàn thiện.” Ngoài những bug nghiêm trọng như mất nhân vật, mất trang bị, mất tiến độ khiến Wolcen Studios phải đóng cửa server 2 ngày để khắc phục, trò chơi còn vô vàn vấn đề khác cần được khắc phục.
Một trong những vấn đề không ảnh hưởng đến gameplay nhưng làm Mọt cực kỳ khó chịu là sự mịt mờ của các dòng mô tả kỹ năng chủ động. “Nhận một buff cho mỗi kẻ địch trúng đòn khi hạ cánh.” Buff gì? Tồn tại bao lâu? Mạnh thế nào? Trúng nhiều đối thủ thì được nhiều buff khác nhau hay một buff level cao hơn? “Tăng sát thương cho đòn tấn công.” Sát thương của đòn đánh thường hay của kỹ năng? Tăng bao nhiêu? Tăng cho mấy đòn hay mấy giây? “Thêm Rage cho mỗi đối thủ bị đánh trúng.” Bao nhiêu Rage? Có giới hạn tối đa không? Có chịu ảnh hưởng của các hiệu ứng tăng % hồi Rage không? Cứ thế, những câu hỏi không có đáp án liên tục xuất hiện khiến game thủ rất khó khăn trong việc tìm kiếm một cách build lý tưởng cho mình.
Càng tệ hơn nữa là khoảng 50-70% số kỹ năng nội tại trên bảng Gate of Fates của game không hoạt động chính xác (chẳng hạn các cộng dồn Unleashed Fury từ kỹ năng Flurrying Flames biến mất trong khoảng nửa giây thay vì 3 giây như mô tả, các chỉ số +% có tác dụng không như mô tả,…). Nhiều lỗi khác cũng xuất hiện trong quá trình chơi như game không hiển thị bảng chỉ số của trang bị để so sánh, bảng phần thưởng hiện ra che khuất kẻ địch xung quanh, gỡ và đội nón trở lại có thể khiến mảnh giáp ngực mất tác dụng, nhân vật rơi khỏi bản đồ, quái vật biến mất, hitbox của quái không chính xác…
Nếu như những bug trên không ảnh hưởng quá nhiều đến gameplay và có thể khắc phục, Mọt tui còn biết đến những bug khác nghiêm trọng hơn và phá hoại trải nghiệm của game thủ. Lấy ví dụ trùm cuối Act 2: trong Phase 2 hắn ta có một kỹ năng AOE toàn bộ bản đồ và chỉ để lại một điểm an toàn nhỏ. Mọt tui nhiều lần gặp bug các lớp AOE chồng chéo lên nhau không để lại một điểm an toàn nào, khiến Mọt phải nhờ đến sự giúp đỡ của một nhân vật max level để tiêu diệt nó (đây chính là đợt co-op dài 5 phút Mọt nhắc đến bên trên). Nhiều game thủ xui xẻo cũng báo cáo rằng một boss Act 3 hoàn toàn miễn nhiễm với sát thương và phải thử lại rất nhiều lần cho đến khi bug đó không xuất hiện trong trận đánh. Do Wolcen Studios nói rằng họ sẽ tung ra một patch mỗi tuần, những game thủ không may mắn có thể sẽ phải chờ đến tuần sau hoặc lâu hơn để vượt qua những chướng ngại này.
Lời kết
Wolcen: Lords of Mayhem không phải là một tựa game dở, nhưng cũng rất khó để nói rằng nó là một trò chơi xuất sắc. Trải nghiệm lẽ ra rất tuyệt vời của trò chơi bị băm nát vì sự xuất hiện thường xuyên, liên tục của quá nhiều vấn đề khác nhau, chưa kể đến sự thiếu cân bằng của hệ thống kỹ năng, trang bị và quái vật. Thật may mắn là nhà phát triển tỏ ra sẵn sàng lắng nghe game thủ và đang tập trung vào sửa lỗi của game, nhưng đó không phải là lý do để chúng ta có thể bỏ qua những vấn đề của nó.
Vì vậy, Mọt tui xin được kết luận rằng nếu bạn đang thèm khát một tựa ARPG mới và sẵn sàng chấp nhận các vấn đề của Wolcen, hãy cứ mua tựa game này nhưng cũng phải sẵn sàng đón nhận những điều khó chịu không thể tránh khỏi. Còn nếu có kiên nhẫn, hãy chờ đợi thêm khoảng 6 tháng đến một năm để Wolcen Studios có đủ thời gian hoàn thiện trò chơi của mình, và khi đó bạn sẽ có được một trải nghiệm hoàn chỉnh và thú vị hơn.