Tính năng game và những hành vi ngớ ngẩn mà một trò chơi có thể làm ra – P.1 - PC/Console

Game, trò chơi điện tử hay bất cứ tên gọi nào bạn muốn định danh là thể loại giải trí kỳ cực khi người ta yêu thích nó vì sự huyền hoặc.

Trong khi các hãng làm game cứ hô hào làm sao để game ngày càng giống đời thật thì có một thực tế trái ngược là hơi bị nhiều người thích chơi game chỉ vì sự vô lý và phi thực tế của nó. Người ta có thể dễ dàng thỏa hiệp khi tổng thống xuyên không rồi trở thành cận thần theo phò hoàng tử của một vương quốc ma thuật (Ni No Kuni 2 chăng?). Cũng không ai thắc mắc về sức chịu đựng cùng khả năng đề kháng kinh người của bất cứ nhân vật nữ nào. Đại khái tức là thoạt nhìn mỏng cơm cứ như Chi Pu nhưng đánh nhau thì còn trâu chó hơn cả John Cena ấy. Thật sự các định luật trong game rất ngớ ngẩn, đôi khi hơi nhảm nhí nhưng điều tuyệt vời là người ta chỉ cười xòa “game mà” chớ không ai rãnh háng đến mức phân tích vì sao nó lại phi thực tế như vậy.

Saints Row 2 hồi sinh và câu chuyện làm mất game ngớ ngẩn của nhà sản xuất
Saints Row 2 hồi sinh và câu chuyện làm mất game ngớ ngẩn của nhà sản xuất
Volition thú nhận họ lỡ tay… làm mất mã nguồn của Saints Row 2 khiến không thể tiếp tục sửa lỗi cho game, nhưng mọi việc đã thay đổi khi “của lạc tìm về”.

Với những thứ phi lý trong game, thiên hạ rất dễ dàng cho qua cửa thế nhưng thật kỳ lạ khi game bắt nhân vật làm những chuyện giống với đời thật, người ta lại cảm giác nó không thực tế. Đây là một vấn đề mà game thủ có thể gặp phải trong rất nhiều trò chơi, kể cả những game được chấm 10/10. Một số được thực hiện khá tốt khiến người ta chỉ cảm thấy có hơi chút tẻ nhạt khi thực hiện nhưng số khác thực sự là vấn đề lớn. Còn lớn đến mức nào thì đại khái nó khiến người chơi cảm thấy bản thân thật là ngốc nghếch khi buộc phải tuân theo sự sắp xếp này. Hãy cùng xem những điều ngớ ngẩn nhất mà một trò chơi có thể mang lại cho chúng ta nhé!

Đại diện cho công lý nhưng vẫn phải làm bài tập về nhà

Trò chơi điện tử có thể đưa game thủ rời xa khỏi thế giới thực, đồng thời mô phỏng những điều kỳ ảo mà người ta không bao giờ có thể tưởng tượng đến. Không phải đứa nào chơi game cũng lười học nhưng bản chất trời sinh của con nít vốn là mê chơi hơn học rồi (thiên tài thì không tính vào trường hợp này) nên trừ khi chơi một game thuần túy giáo dục kiểu Examination Maths. Không có ai thích mở game lên chơi rồi mà còn phải làm bài tập về nhà ở trong thế ảo cả. Đáng buồn thay các NSX tại Atlus lại không cho rằng làm bài tập về nhà và chơi game có điểm nào xung đột với nhau, thế là những ngày bi kịch của các game thủ Persona đến rồi.

Tính năng game và những hành vi ngớ ngẩn mà một trò chơi có thể làm ra – P.1

Trong Persona 5, trò chơi yêu cầu game thủ phải dành một khoản thời gian nhất định cho công cuộc học tập bên cạnh việc điều tra và khám phá hầm ngục. Với các NSX của P5, học tập cho giỏi là nghĩa vụ của mọi công dân trẻ tuổi dù đó là người đại diện cho công lý thì cũng không có lý do gì để không làm bài tập về nhà. Thậm chí cốt truyện chính của trò chơi sẽ không tiến triển trong những ngày nhân vật chính phải thi kiểm tra. Nhưng dù sao P5 ít ra còn khá vì ký ức học đường cũng tính là tươi đẹp, Bully cũng bắt người chơi đi học nhưng chờ đợi họ sau đó chính là mặt tối của học đường với những trò của đám đầu gấu chuyên bắt nạt bạn bè.

Nhân vật chính hay siêu anh hùng vẫn phải dọn dẹp nhà cửa

À thì cái vụ dọn dẹp nhà cửa, chùi rửa cầu tiêu này được một số game như Animal Crossing làm khá tốt. Nó không khiến người chơi có cảm giác bị buộc phải làm mà đang tận hưởng công việc bản thân đang làm, một cách tự nguyện (ít nhất đó cũng là điều họ nghĩ). Nói cách khác dọn dẹp nhà cửa không phải lúc nào cũng tệ, nó đặc biệt phù hợp khi bạn chơi mấy game The SIMS, Harvest Moon hay Stardew Valley… Nhưng quay trở lại nếu đang chơi một game thuần túy hành động thế giới mở như Red Dead Redemption 2 thì đó thật sự là thảm họa vô cực.

Tính năng game và những hành vi ngớ ngẩn mà một trò chơi có thể làm ra – P.1

Thực tế không ai muốn chơi một game cao bồi miền Tây hoang dã chỉ để thu dọn cỏ khô hay quét dọn chuồng ngựa cả. Nhân tiện những NSX của game có vẻ rất thích sạch sẽ nên khi Arthur Morgan luôn bị buộc phải đi tắm nếu mức độ bẩn thỉu vượt quá ngưỡng cho phép. Thật là bi kịch khi bạn đang \ở trong một cuộc truy đuổi và lạc mất kẻ thù chỉ vì cái game chết tiệt này nó cảm thấy đã đến lúc gã cao bồi cần phải tắm. Cao bồi ở dơ thì mới đúng là cao bồi các ngài ạ và cao bồi thì không có rãnh đi dọn dẹp xung quanh nông trại khi đang bị săn đuổi bởi chính phủ liên bang đâu. Nhiều người cho rằng đây là cách để NSX gia tăng thời lượng chơi của game nhưng có lẽ nó khiến người ta cảm thấy mệt mỏi hơn là thú vị.

Không gì không làm được ngoại trừ chuyện bơi lội hay dính nước

Nước biển, nước sông, nước suối thậm chí nước trong một cái vũng đủ sâu đã là kẻ thù của nhiều thế hệ nhân vật chính trong trò chơi điện tử. Trong tự nhiên nước là một yếu tố mang lại sự sống còn thế nhưng trong game, rất nhiều lần, nước là một kẻ địch khó chịu mà không ai muốn chạm trán. Từ các màn bơi lội trong Super Mario cho đến ngôi đền nước của Ocarina of Time, nước trở thành một sự thách thúc thú vị. Tuy nhiên một số nhà làm game cho rằng chỉ có thế là chưa đủ chứng tỏ sức mạnh thật sự của nước. Họ sẽ làm mọi cách để người chơi tránh xa chất lỏng này như tránh tà.

Tính năng game và những hành vi ngớ ngẩn mà một trò chơi có thể làm ra – P.1

Hữu hiệu nhất là biện pháp nào? Bingo, cho nhân vật không gì không làm được nhưng tuyệt đối sẽ chết đuối nếu rơi vào trong nước là đáp án chính xác. Nước rất nguy hiểm, đặc biệt là các vùng nước trong Grand Theft Auto: Vice City. Nó ám ảnh đến nỗi người chơi đã phải tạo ra các bản mod chỉ với mục đích cho phép các nhân vật không chết đuối hoặc bệnh hoạn hơn thì có thể thi triển khinh công thủy thượng phiêu như Cừu Thiên Nhẫn trong Anh Hùng Xạ Điêu luôn. Mấy tay anh chị không phải là kẻ duy nhất sợ nước, siêu cấp thích khách như Altair trong Assassin’s Creed hay người hùng Batman của loạt Arkham cũng sợ nước như sợ cọp đấy thôi. Thật hoang đường khi một gã sửa ống nước còn bơi giỏi hơn Kỵ Sĩ Bóng Đêm nữa.

Mọi phi vụ hack/cheat đều được thể hiện qua những minigame

Bạn là tay súng trong Warframe, bạn bị kẻ thù phát hiện và cách duy nhất để tắt báo động chính là xâm nhập vào hệ thống máy chủ của kẻ địch sau đó vô hiệu hóa nó bằng một minigame. Minigame cũng được đi nhưng nó không giống nhưng đoạn code gõ tanh tách mà người ta hay thấy trên các bộ phim về tin tặc. Minigame này chỉ là xoay xoay, ráp ráp vài đường cho nó ăn khớp với nhau và XONG, bạn đã hack thành công một trong những hệ thống an ninh tân tiến nhất thế giới. Nói thiệt chớ ngay cả những người có cảm tình nhất với trò chơi cũng thấy cái vụ này nó ngớ ngẩn làm sao ấy. Thà cứ vứt bỏ cái minigame, hợp thức hóa vụ hack qua một cái nhấn nút hay công nghệ hắc ám gì đó, còn dễ chấp nhận hơn rất là nhiều luôn.

Tính năng game và những hành vi ngớ ngẩn mà một trò chơi có thể làm ra – P.1

Vụ nối mấy tấm bảng mạch quái lạ trong game marvel’s Spider-man cũng là một hành vi thiếu đứng đắn khi bắt đầu xâm nhập vào hệ thống trí tuệ nhân tạo. Thế giới này có văn minh rất cao, điển hình là tập đoàn Oscorp chế được những con robot nhỏ xíu ở mức nano để điều khiển sinh vật sống. Chế ra những bộ bionic suit có thể điều khiển linh hoạt thông qua hình thức kết nối với não người từ dây thần kinh cột sống. Tóm lại là hàng tỉ thứ mới nghe cứ tưởng là hắc khoa kỹ nhưng tay phụ tá Peter Paker và tiến sĩ Otto Octavius có thể phá giải hệ thống máy chủ của tập đoàn Oscorp chỉ bằng cách ráp hình lại mạch điện. Chọc cười ai vậy chớ!

Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Kênh Tin Game: http://bit.ly/2ByvA1e

Đây là bài viết nằm trong loạt bài về Những tính năng ngớ ngẩn trong game
  1. Tính năng game và những hành vi ngớ ngẩn mà một trò chơi có thể làm ra – P.1