Từ trước tới giờ thì điểm số đánh giá game (review) luôn là thước đo tương đối chính xác để xem liệu một sản phẩm tốt tới đâu, những tựa game bị đánh giá thấp luôn không phải là thứ hấp dẫn lắm trong mắt game thủ. Nhiều người thường nghĩ rằng việc đánh giá game và điểm số cao/thấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới doanh số của tựa game đó, nhưng thực ra không phải vậy vì cộng đồng thường lựa chọn theo sở thích và truyền miệng nhiều hơn là dựa vào đánh giá game.
Trong suốt chiều dài phát triển của mình, đánh giá game luôn là một phần không thể thiếu để xác định xem một sản phẩm là tốt hay xấu, tất nhiên nó bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố như sở thích của người viết, quan hệ của trang tin đó với nhà phát hành hoặc phản ứng của cộng đồng khi game mới ra mắt… nhưng nhìn chung thì hầu hết các đánh giá game đều chính xác ở mức độ tương đối tốt, rất hiếm xảy ra chuyện một game dở tệ được đánh giá cao hoặc ngược lại. Tuy vậy thì có một điều mà mọi người thường lầm tưởng, đó là số điểm này không hề quyết định tới việc mọi người có bỏ tiền ra để mua game hay không.
Thuật ngữ trong ngành có một từ chuyên dùng khi nói về việc này đó là “Review bomb”, nó ám chỉ một số lượng người dùng vô cùng lớn vào chấm điểm thấp hoặc có đánh giá tiêu cực một sản phẩm giải trí nào đó (game, phim ảnh hoặc sách). Đối với cộng đồng game thì việc này không hề xa lạ gì vì có rất nhiều sản phẩm bị ghét hoặc gây ra các đánh giá trái chiều, khiến cho điểm đánh giá chung của nó bị giảm rất nhiều.
Thí dụ gần đây nhất về Review bomb có thể kể đến Death Stranding, khi ngay trong nửa tháng đầu ra mắt nó đã nhận tới 15 ngàn review trên Metacritic, trong số này có cả tích cực lẫn tiêu cực. Nhưng có vẻ là do lối chơi của mình mà Death Strading bị kéo xuống chỉ còn có 5,5 điểm, điều này làm cộng đồng lo lắng nó sẽ ảnh hưởng tới ngày ra mắt trên PC vào 2020. Không biết có phải vì lý do này hay không, mà Metacritic đã xóa 6000 đánh giá game không tốt và kéo số điểm user score lên 7,4/10.
Một trường hợp khác cũng đi vào lịch sử đó là Star Wars: Battlefront II, nó bị cả thế giới chửi bới không thương tiếc bằng việc lạm dụng tiền mặt mua vật phẩm quá nhiều, chỉnh sửa điểm kinh nghiệm để ép người chơi phải bỏ tiền. Đã có thời điểm Star Wars: Battlefront II bị đánh giá chưa tới… 1 điểm bởi cộng đồng, thậm chí còn trở thành game có bình luận tiêu cực nhiều nhất trong lịch sử trên reddit.
Nói như vậy để thấy việc điểm đánh giá game lên xuống rất thất thường, nó không đại diện cho việc game đó có thực sự hay hoặc không, mà thường là bởi phản ứng của cộng đồng nhiều hơn. Trong thời buổi này thì đôi khi các nhà làm game chú trọng hiệu ứng truyền thông nhiều hơn là điểm số, vì có một thực tế là các game thủ lựa chọn không vì đánh giá game mà thường theo kiểu “truyền miệng” nhiều hơn.
Chúng ta có thể lấy chính Star Wars: Battlefront II làm ví dụ, mặc dù đã từng có thời gian bị đánh giá và chửi như chưa từng được chửi như vậy. Nhưng tựa game này vẫn đạt mốc doanh số kinh khủng là hơn 9 triệu bản bán ra chỉ trong vòng 3 tháng sau khi ra mắt (11/2017), nó còn nhích lên ngưỡng 10 triệu đầu năm 2018, thậm chí EA còn nói vốn dĩ mọi thứ còn tốt hơn nếu game không bị vướng vào vụ lùm xùm microtransactions.
Một trường hợp khác bị chê bai nhưng vẫn đạt doanh số khả quan là Days Gone, thực tế nó bị gọi là “một trong game độc quyền tệ nhất lịch sử Playstation 4”, với số điểm trên hầu hết các trang đánh giá game chỉ ở mức quanh quẩn từ 6 tới 7/10. Nhưng điều đó không ngăn cản Days Gone vượt mặt cả God of War lẫn Horizon Zero Dawn, để trở thành game bán chạy nhất trong ngày đầu ra mắt. Tính tới tháng 6/2019 thì Days Gone đứng thứ 8/10 game trong năm, một kết quả không hề tệ với những chê bai trước đó.
Cuối cùng một thí dụ khác cho thấy điểm đánh giá game hoàn toàn vô nghĩa là Shenmue III, mặc dù nó có user score là 7,9 trên metacritic, nhưng nó chỉ bán được 18 ngàn bản tại Nhật trong tuần đầu ra mắt và đứng tận thứ 17 trên bảng xếp hạng ở thị trường Anh (chưa bằng phân nửa Shenmue remaster ra mắt trước đó). Nó cho thấy một điều là không phải lúc nào điểm đánh giá game cũng quan trọng, vì cộng đồng còn dựa vào nhiều yếu tố khác để móc tiền ra cơ.
Một tựa game được quảng cáo và truyền thông tốt sẽ có cơ hội bứt lên trên bảng xếp hạng, còn không thì danh tiếng đi trước của nó cũng sẽ là đủ để kéo fan móc tiền. Trường hợp này đúng với hầu hết bom tấn như Red Dead Redemption 2 (26,5 triệu bản) hay Marvel’s Spider-Man (13,2 triệu bản), có rất nhiều người chưa từng chơi các phần trước nhưng với danh tiếng từ trước thì họ tin tưởng sản phẩm đó sẽ thực sự tốt và sẵn sàng bỏ tiền.
Tất nhiên đối với các trang tin thì đánh giá game vẫn là một phần rất quan trọng, như chúng ta thường nói các nhà phát hành rất hay chịu khó bỏ tiền quảng cáo trên những nơi uy tín để giúp cho game của họ dễ tiếp cận công chúng hơn. Trường hợp của Jeff Gerstmann – biên tập viên tại GameSpot là điển hình, anh ta đột ngột rời khỏi GameSpot không kèn không trống vào năm 2007, với lời đồn đại là đã “lỡ” chấm điểm quá thấp cho một tựa game nào đó (về sau được biết là Kane & Lynch).
Mọi việc sáng tỏ vào năm 2012, khi lúc đó Jeff Gerstmann chính thức xác nhận nguyên nhân trong một bài phỏng vấn, anh kể rằng mình đã đánh giá game Kane & Lynch với số điểm không tốt, điều này dẫn đến xích mích giữa anh ta và sếp của mình. Sự bất đồng này kéo dài qua nhiều tựa game khác nhau cho đến Kane & Lynch thì nó thành giọt nước tràn ly, Jeff được gọi lên phòng sếp và thông báo đuổi việc. Những người có thẩm quyền cao hơn anh nói rằng các đánh giá quá “gắt” của anh ảnh hưởng tới việc quảng cáo trên trang, với việc nhà phát triển Kane & Lynch dọa rút quảng cáo vì điểm thấp. Điều này từng rùm beng cộng đồng một thời, khi nó càng cho thấy điểm đánh giá game vốn chỉ là thứ để tham khảo mà thôi.