Dragon's Dogma 2: Lại một tựa game hay bị hủy hoại vì microtransaction?

Game nhập vai mới của Capcom đang vấp phải nhiều chỉ trích gay gắt trong các bài đánh giá trên Steam vì microtransaction.

Dragon's Dogma 2, phần tiếp theo của tựa game nhập vai đình đám năm 2012 của Capcom, hiện đã ra mắt và được ca ngợi về thế giới mở rộng lớn cùng gameplay đa dạng. Nhưng rất nhiều người hâm mộ đã mua trò chơi lại đang tỏ ra không quá hài lòng và trên Steam, đánh giá của người dùng chỉ vừa đạt mức “Mixed”, còn trước đó là “Mostly Negative”. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu là do các microtransaction mà Capcom bày bán cùng trò chơi.

Có 21 DLC của trò chơi đang được bày bán như các microtransaction, cho phép người chơi sở hữu các vật phẩm như Wakestones hồi sinh tại chỗ, tiền tệ dưới dạng Rift Crystals và thậm chí cả khả năng chỉnh sửa ngoại hình nhân vật của bạn. Giá của mỗi DLC này dao động từ 0,99 USD đến 4,99 USD. Một người dùng trên Steam chia sẻ: “Trò chơi trị giá 70 USD, tôi ủng hộ vì nó khá công bằng cho một trò chơi hay, tuy nhiên, khi nó đính kèm thêm một đống rác như 'mua thêm pha lê' hay “pay to win” cho một trò chơi một người, thì tôi không thể ủng hộ cho điều đó.”

Những lời phàn nàn lớn nhất từ những người đã mua trò chơi là do sự tồn tại của các giao dịch vi mô này trong tựa game một người chơi có giá 70 USD. Nhiều người cho rằng đây là một phương thức “pay to win” vì nó khóa các tính năng tùy chỉnh quan trọng đằng sau một bức tường phí. Capcom đã đưa ra phản hồi trước những lo ngại này cũng như những lời chỉ trích khác trên Steam vào ngày 22 tháng 3. Bài đăng hứa sẽ giải quyết những lo ngại về sự cố và lỗi, nhưng một phần lớn là để giải thích cho các DLC trả phí. Capcom nhắc nhở người chơi rằng phần lớn các vật phẩm có thể mua bằng các giao dịch vi mô cũng có sẵn trong trò chơi. (Một số người chơi cũng đang lan truyền thông điệp này trên mạng xã hội.)

Sự sẵn có của những vật phẩm này trong trò chơi không làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người vì mọi người chỉ ra rằng tài nguyên trong trò chơi là có hạn. Nhưng đây là lúc chúng ta cần nói về thể loại của Dragon's Dogma 2, một thể loại game cần được thiết kế để gây ra khó khăn và thiếu thốn nhằm khiến người chơi phải đầu tư suy nghĩ thêm trong quá trình chơi, phải lựa chọn dùng hay không dùng vật phẩm… Sự hiểu lầm là mọi người tin rằng đây là cách để khuyến khích mua thêm vật phẩm bằng giao dịch vi mô. Đúng hơn, Dragon's Dogma 2 được thiết kế để phân phối các tài nguyên hạn chế trong trò chơi một cách hiệu quả và có ý nghĩa. Những hạn chế về tài nguyên như Portkey yêu cầu bạn sử dụng chúng một cách tiết kiệm và cân nhắc cẩn thận cách bạn di chuyển khắp thế giới. Bởi vậy, suy nghĩ rằng chúng chỉ tồn tại để khiến người chơi bỏ thêm tiền là một sai lầm.

Tuy nhiên, những giao dịch vi mô này bị chỉ trích cũng là điều dễ hiểu, và chúng xứng đáng bị như thế, khi Dragon's Dogma 2 vốn đã là một trò chơi có giá 70 USD. Những DLC bắt trả phí để mua Portkey hay hồi sinh tại chỗ chẳng tồn tại vì lý do gì khác ngoài sự tham lam. Và những đánh giá giận dữ của người chơi chắc chắn là một hồi chuông cảnh tỉnh để các hãng phát hành game phải nghĩ lại. Ngoài microtransaction, Dragon’s Dogma 2 cũng bị phàn nàn vì hiệu suất, lỗi file save hay quan trọng hơn là việc chỉ có thể tạo một nhân vật duy nhất. Những tình trạng này đều đã được Capcom ghi nhận và hứa sẽ giải quyết trong thời gian tới. Còn 21 gói DLC đang tồn tại ư? Có vẻ như nó sẽ vẫn tiếp tục tồn tại, như cái cách mà Capcom đã làm với những tựa game của mình suốt 10 năm nay. KenhTinGame sẽ liên tục cập nhật những thông tin mới nhất của làng game Việt Nam và thế giới. Để không bỏ lỡ, người đọc có thể: