Game phán xét phát đạn của bạn trúng hay hụt bằng cách nào? – P.3: Hybrid - PC/Console

Hybrid kết hợp ưu điểm của cả Hitscan lẫn Projectile Ballistic để lảng tránh các nhược điểm của cả hai, nhưng cái giá phải trả là sức mạnh xử lý.

Trong các bài viết trước của Mọt về HitscanProjectile Ballistic, hẳn bạn đã rõ ưu và nhược điểm của hai phương thức tính đường đạn hiện đang được sử dụng trong ngành công nghiệp game. Nếu như Hitscan không đòi hỏi cao về cấu hình máy, thuận tiện cho việc xử lý trong các game bắn súng có phần chơi mạng đông người và hỗn loạn, Projectile Ballistic có ưu điểm là tái hiện được của đường đạn, đem lại cho game thủ sự chân thực mà họ muốn có trong những tựa game chú trọng “cảm giác thật” như game bắn tỉa.

Nhưng cả hai đều có nhược điểm: Hitscan không thể mô phỏng phát đạn khiến game giảm bớt độ chân thực, Projectile Ballistic đòi hỏi cấu hình cao và đặt gánh nặng lên server khi có quá nhiều đạn được bắn ra. Vì vậy, ngoài số ít game bắn súng chỉ sử dụng một trong hai phương thức tính đường đạn trên, đại đa số game bắn súng chọn phương thức… dùng cả hai để kết hợp ưu điểm, khắc phục nhược điểm của chúng. Phương thức này thường được các nhà phát triển gọi là Hybrid (hỗn hợp), tương tự như kiểu build nhân vật “nửa nạc nửa mỡ” trong các game RPG.

Khắc phục nhược điểm

Lấy ví dụ Halo: các khẩu súng trường bình thường (Assault Rifle) sử dụng Hitscan, trong khi khẩu Needler mà bạn “chôm” được từ xác kẻ địch dùng Projectile Ballistic. Tương tự như vậy, khẩu súng bắn tỉa của Ana trong Overwatch là một khẩu súng Projectile Ballistic khi không ngắm, còn khi bạn bấm chuột phải nó trở thành vũ khí Hitscan, giúp game thủ thực hiện những pha bắn tỉa từ khoảng cách xa một cách rất dễ dàng.

Game phán xét phát đạn của bạn trúng hay hụt bằng cách nào? – P.3: Hybrid

Vũ khí của Ana vừa là Hitscan vừa là Projectile Ballistic.

Nhưng việc mỗi khẩu súng dùng một loại đường đạn chỉ là “trò trẻ con” trong những tựa game như thế này. Các nhà phát triển thậm chí còn có thể cho một khẩu súng bắn ra một phát đạn sử dụng cả hai phương thức tính toán cùng một lúc nhằm tạo ra một cảm giác bắn thật hơn nữa, và tránh được mọi khuyết điểm của cả hai tính năng (trừ việc vẫn đòi hỏi sức mạnh xử lý).

Lấy ví dụ vấn đề đạn trong Projectile Ballistic bay quá nhanh khiến phát đạn xuyên qua mục tiêu mà không gây sát thương do game chỉ tính vị trí của đạn theo các mốc thời gian cách quãng, 1 lần mỗi phần nhỏ của giây. Nếu một tựa game cập nhật vị trí đạn ở 2 thời điểm khi viên đạn cách nòng súng 0,5m và 1m, những kẻ địch nằm trong khoảng từ 0,51m đến 0,99m sẽ không bị trúng đạn, dù trên logic phát đạn đã bay xuyên qua chúng!

Game phán xét phát đạn của bạn trúng hay hụt bằng cách nào? – P.3: Hybrid

Trong Black Ops 4, đa số vũ khí vẫn là Hitscan.

Để khắc phục vấn đề này, nhà phát triển sẽ để phát đạn bắn ra được dựng hình và bay theo đường đạn của Projectile Ballistic, nhưng mỗi lần game cập nhật vị trí đạn, game đồng thời sẽ vẽ ra thêm một tia từ viên đạn trở về nòng súng tương tự như trong Hitscan để xem liệu có cắt qua mục tiêu nào trên đường bay hay không. Nếu có, các hiệu ứng trúng đạn cần thiết (lửa, máu, vụn gỗ,…) sẽ được dựng hình và game tiếp tục tính toán xem viên đạn có thể bay tiếp hay không tùy vào mục tiêu nó chạm phải.

Có một điều thú vị là trong Call of Duty, thỉnh thoảng bạn sẽ thấy được phát đạn mình bắn ra dưới dạng vệt sáng bay vút trong không khí (Tracer Round, đạn vạch đường). Thật ra đó không phải là Projectile Ballistic mà chỉ là việc game dựng hình vệt sáng nhằm tạo ra cảm giác chân thực, còn phát đạn thực sự đã chạm đến mục tiêu từ khi mới bóp cò. Đa số các game Call of Duty đều dùng Hitscan, trừ Black Ops 4 và Modern Warfare vừa ra mắt gần đây có thêm cơ chế Projectile Ballistic cho vũ khí trong game.

EA và Tencent: Người xây, kẻ phá
Khi nhìn vào cách hoạt động và điều hành studio con của Tencent và EA này trên thị trường thế giới, Mọt nhận thấy họ có sự khác biệt quá rõ ràng.

Phương thức ứng dụng khác

Trong Sniper Elite, một tựa game về lính bắn tỉa thời Thế chiến 2 của nhà phát triển Rebellion, các khẩu súng cũng dùng cả hai kỹ thuật này cùng một lúc nhằm nâng cấp tính năng trong game. Nếu bạn chưa biết, trong Sniper Elite khi bạn bóp cò, game sẽ thực hiện một pha quay chậm “cực cool” vẽ cảnh viên đạn thoát ra từ nòng súng, xé qua không khí bay đến mục tiêu và tạo ra các hiệu ứng máu me be bét như trong video dưới (có thể hơi bạo lực, cân nhắc trước khi xem):

Điều thú vị ở đây là pha quay chậm chỉ được kích hoạt khi phát đạn sẽ trúng mục tiêu, chứ không bao giờ kích hoạt để cho bạn thấy một phát bắn hụt. Vậy thì làm thế nào game có thể quyết định là quay chậm hay không khi bạn chỉ mới bóp cò và viên đạn sẽ không trúng mục tiêu trong một thời gian ngắn nữa? Phải chăng các nhà phát triển Sniper Elite có thể đoán được tương lai và đưa năng lực của mình vào game?

Đáp án là… gần đúng vậy: dù nhà phát triển không đoán được tương lai, họ lại làm cho game đoán được. Bằng cách khéo léo sử dụng cả hai kỹ thuật Hitscan và Projectile Ballistic, nhà phát triển làm được điều này. Khi bạn bóp cò, đầu tiên game sẽ dựng hình một tia từ nòng súng dài theo đường đạn (và tia này cong theo các yếu tố khoảng cách, sức gió) để phát hiện xem có kẻ địch xấu số nào nằm trên đường đạn hay không, rồi mới dựng hình phát đạn bay theo Projectile Ballistic trong thời gian thực. Nếu tia từ nòng súng phát hiện ra nó chạm vào các vị trí chí mạng trên kẻ thù, hiệu ứng quay chậm sẽ được thực hiện còn nếu không thì đó sẽ chỉ là một phát bắn bình thường.

Lời kết

Nhờ kết hợp ưu điểm của cả Hitscan lẫn Projectile Ballistic, Hybrid được dùng trong rất nhiều tựa game khác nhau, và sẽ vẫn tiếp tục tồn tại trong tương lai. Thật ra, cả ba biện pháp này đều có vai trò không thể thiếu trong ngành công nghiệp game hiện đại, bởi thiếu đi bất kỳ phương thức nào đều sẽ khiến chúng ta mất đi rất nhiều niềm vui thú trong game.

Phần cuối này ra mắt hơi chậm bởi Mọt tui phải bóp trán tìm những ứng dụng khác lạ của vũ khí Hybrid, nhưng hi vọng rằng loạt bài này đã đem lại cho bạn những điều lý thú về các phát đạn trong những trò chơi mà chúng ta cùng yêu thích. Nếu bạn vẫn có hứng thú tìm hiểu chuyện súng đạn trong game, sao không thử tìm đến loạt bài Vũ khí trong game của Mọt tui?

Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Kênh Tin Game: http://bit.ly/2ByvA1e

Đây là bài viết nằm trong loạt bài về Cách tính đường đạn trong game