Nếu so sánh về sức mạnh xử lý tính toán, có lẽ chiếc máy tính dẫn đường cho tàu Apollo 11 từ hơn 50 năm trước thậm chí còn chẳng bằng một góc những chiếc máy tính mà chúng ta vẫn dùng hàng ngày. Đây là một sự thật vô cùng hiển nhiên mà có lẽ ai cũng biết. Thế nhưng, điều mà có lẽ các bạn sẽ không ngờ tới, đó là chiếc máy tính dẫn đường đó so ra còn yếu hơn cả những củ sạc mà chúng ta đang sử dụng hàng ngày.
Chiếc máy tính dẫn đường cho tàu Apollo
Cụ thể, nhà phát triển phần mềm Forrest Heller tại Apple đã quy ra số sức mạnh xử lý của chiếc máy tính dẫn đường cho tàu Apollo 11 (AGC), và so sánh chúng với củ sạc 18W của Google cho chiếc điện thoại Pixel, củ sạc SuperCharge 40W của Huawei, cũng như củ sạc Anker PowerPort Atom PD 2.
Trước tiên, hãy nói về chiếc máy tính AGC nay đã hơn 50 năm tuổi. Những chiếc siêu máy tính thời bấy giờ thường to bằng cả căn phòng, thế nên không phù hợp chút nào để mang lên trên tàu vũ trụ. Vậy nên, chiếc máy tính dẫn đường cho tàu Apollo 11 được NASA thiết kế riêng với kích thước chỉ khoảng hơn 1m, sở hữu khoảng 5600 cổng điện tử với khả năng thực hiện 40000 phép toán đơn giản mỗi giây. Nếu quy đổi ra con số hiện đại, sức mạnh xử lý của chiếc máy tính AGC rơi vào khoảng 1,024 MHz.
Trong khi đó, củ sạc Anker PowerPort Atom PD 2 sở hữu bộ vi xử lý Cypress CYPD4225 với sức mạnh xử lý là 48 MHz và bộ nhớ Ram nhiều gấp đôi máy tính AGC. Mặc dù sẽ rất khó khăn để chạy các phần mềm điều khiển của tàu Apollo 11 trên củ sạc này, nhưng theo lời Heller, việc tùy chỉnh để dùng 4 củ sạc Anker thay thế máy tính AGC là điều hoàn toàn khả thi.
Nói vậy thôi, chứ những củ sạc mà chúng ta đang dùng hàng ngày sẽ không thể thay thế máy tính dẫn đường trên tàu vũ trụ được đâu, bởi lẽ yêu cầu cho máy tính dẫn đường trên tàu vũ trụ không chỉ có mỗi sức mạnh xử lý. Việc bay ra ngoài vũ trụ với tốc độ cao và áp suất lớn, cũng như phải đối mặt với bức xạ từ ngoài vũ trụ có thể khiến những củ sạc của chúng ta "đi đời" ngay khi vượt ra khỏi bầu khí quyển.
Theo Gizmodo