Vậy là Cyberpunk 2077 đã “gone gold,” một thuật ngữ trong ngành game chỉ việc trò chơi đã hoàn thiện đủ để in ra chiếc đĩa gốc đầu tiên. Chỉ còn khoảng 6 tuần nữa, trò chơi sẽ đến tay game thủ khắp thế giới vào ngày 19/11 tới. Trong bài viết này, Mọt sẽ giới thiệu với các bạn những thông tin đầu tiên về Night City, thành phố mà nhân vật chính V và “chiến hữu” Johnny Silverhand sẽ cùng chinh chiến.
Từ thiên đường đến địa ngục
Night City là một thành phố khá rộng lớn bao gồm 6 quận và vùng hoang mạc bao bọc xung quanh nó được gọi là Badlands (tạm dịch là “đất dữ”). Là một thành phố nằm bên bờ vịnh Del Coronado, bờ tây nước Mỹ, nó đối mặt Thái Bình Dương và đang sở hữu danh hiệu chẳng lấy gì làm vinh quang “nơi tệ nhất để sống ở Mỹ.”
Tuy nhiên Night City không phải lúc nào cũng tệ hại. Là đứa con tinh thần của Richard Night và công ty Night International do ông thành lập, Night City (có tên gốc là Coronado City) được kỳ vọng sẽ trở thành một thành phố không tưởng (utopia), một thánh địa kinh doanh và là hình mẫu cho những thành phố Mỹ khác noi theo. Nó được Richard Night thành lập với sự trợ giúp tài chính của những tập đoàn khổng lồ như Arasaka, EBM và Petrochem. Công cuộc chuẩn bị cho việc xây dựng Coronado City tiến triển nhịp nhàng khi vào năm 1993 người ta đã lấn một diện tích lớn của vịnh Del Coronado, và những cư dân bản địa được chuyển sang sống ở những địa điểm mới trong thành phố.
Đến năm 1994, những tòa nhà đầu tiên trong Coronado City bắt đầu được dựng nên. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng thành phố, Richard Night không ngừng nhận những lời đe dọa lấy mạng mình bởi ông sử dụng những phương thức xây dựng mới khiến các tập đoàn truyền thống – bao gồm cả công ty cũ của ông – không thể kiếm lợi nhuận. Bởi là một thương nhân hết sức thành công và kiêu ngạo, Richard phớt lờ những lời đe dọa đó cho đến khi chúng bắt đầu chuyển thành hành động phá hoại, và phải nhờ đến các đối tác giúp đỡ ngăn chặn những hành vi này.
Dù được sự giúp đỡ của các tập đoàn lớn như Arasaka, EMB và Petrochem, nhưng cuối cùng thì vận may của Richard cũng chấm dứt vào một ngày cuối tháng 9/1998: người ta tìm thấy xác của ông trong căn hộ của mình trên đỉnh tòa tháp Parkview với một viên đạn, và hung thủ không bao giờ được tìm thấy. Để tưởng nhớ ông, người ta đổi tên Coronado City thành Night City.
Dù việc xây dựng thành phố vẫn tiếp diễn, việc mất đi người lèo lái dự án khiến Night City lâm vào hỗn loạn. Trong 7 năm sau đó (1998-2005), các thế lực lớn làm đủ mọi cách để chiếm lấy quyền thống trị nó: các tập đoàn khống chế chính quyền địa phương, trong khi các băng đảng giành lấy quyền “bảo kê” các ngành dịch vụ của dân thường. Lực lượng cảnh sát thành phố hoàn toàn bị vô hiệu hóa và chỉ còn hoạt động trên danh nghĩa, và “an ninh” trong thành phố được bảo trì bởi các lực lượng quân sự tư nhân của các tập đoàn nhưng chỉ dành cho những người sống ở tầng lớp trên.
Sự thống trị của các băng đảng và các tập đoàn can thiệp
Đến năm 2005, các băng đảng tội phạm đã trở thành kẻ thực sự thống trị thành phố, trong khi các tập đoàn thành lập các thành lũy riêng của mình và hoàn toàn chẳng có hứng thú với việc vận hành thành phố. Bốn năm sau đó là “thời kỳ đen tối” khi số vụ phạm pháp, giết người tại Night City nhiều hơn bất kỳ một thành phố nào khác tại Mỹ: lũ tội phạm có tổ chức thống trị bằng bàn tay sắt và giết bất kỳ ai dám ngăn cản mình. Những băng đảng khét tiếng như Blood Razors và Slaughterhouse xuất hiện trong thời gian này và khiến Night City trở thành địa ngục trần gian. Trong hồ sơ của cảnh sát, có hàng ngàn vụ giết người không được phá án xảy ra trong khoảng thời gian 4 năm này.
Hai năm kế tiếp trong lịch sử của Night City càng đẫm máu hơn nữa, khi các băng đảng trực tiếp đọ súng tranh giành lãnh thổ khiến các vụ giết người và hoạt động của các băng đảng lên đến mức kỷ lục. Tuy nhiên, sự mất an ninh này hết sức bất lợi cho việc kinh doanh của các tập đoàn, và họ quyết định nhúng tay: cuộc chiến băng đảng bị cắt ngang một cách bất ngờ khi tập đoàn Arasaka điều động lực lượng quân sự tư nhân của mình nghiền nát các băng đảng lớn nhất và hung hãn nhất vào năm 2011.
Sau khi đã thể hiện sức mạnh của mình, các tập đoàn bắt đầu thành lập một chính quyền bù nhìn và “dọn dẹp” Night City, đặt ra những điều luật mới. Chúng phá hủy nhà của những cư dân không có tiền để cải thiện bộ mặt ngôi nhà của mình cho phù hợp với các quy định mới, khiến lượng người vô gia cư tăng vọt khi hàng ngàn người mất nhà ở. May mắn là họ không đến mức trở thành nạn nhân của lũ tội phạm khi các đơn vị quân sự của các tập đoàn canh gác các khu phố suốt đêm ngày.
Tuy nhiên, 14 năm đầy bạo loạn đã khiến Night City nằm trên một thùng thuốc nổ. Hiềm khích và thù hằn vẫn còn đó, trong khi vũ khí tồn tại ở khắp nơi đe dọa “trật tự” mà các tập đoàn cố gắng gầy dựng. Điều này khiến chính quyền thành phố buộc phải cho các lực lượng quân sự tư nhân của các tập đoàn quyền được hành pháp như thể cảnh sát thực thụ trong phạm vi toàn thành phố. Điều này đem lại một số tác dụng tích cực khi những khu vực tồi tệ nhất bị dẹp bỏ, các dịch vụ cơ bản như cảnh sát, cứu hỏa được tái thiết lập vào năm 2013. Với người dân Night City, việc bị các tập đoàn bóc lột rõ ràng là tốt hơn việc phải né đạn ngay ngoài đường, nên họ tạm thời chấp nhận sự thống trị của chúng.
Các tập đoàn đọ súng tại Night City
Đến năm 2020, trật tự mà các tập đoàn thiết lập đã giúp Night City nhanh chóng phát triển, dù tội phạm và bạo lực vẫn đầy rẫy. Night City giờ có chút gì đó giống với trí tưởng tượng của Richard Night ngày nào: nó là một thành phố đầy phong cách và mang nét cao sang độc đáo. Tuy nhiên sự phồn vinh này nhanh chóng chấm dứt khi các tập đoàn lớn một lần nữa giải quyết mâu thuẫn trong kinh doanh bằng súng đạn, khiến 4th Corporate War (tạm dịch là Cuộc chiến giữa các tập đoàn lần 4) diễn ra vào năm 2021. Nhiều thành phố trên thế giới bị cuốn vào bạo lực bao gồm Tokyo, Yokohama, Washington, Chicago và dĩ nhiên là cả Night City. Tuy nhiên ít ra các thành phố đó vẫn còn tồn tại, còn Rio De Janeiro biến thành phế tích trong cuộc chiến này.
Là một “thành phố tự do” không thuộc về nước Mỹ trên giấy tờ, Night City có sự hiện diện của lực lượng quân sự của cả hai phe trong 4th Corporate War, và các con phố của nó lại một lần nữa biến thành bãi chiến trường, chỉ khác là giờ đây những vũ khí hiện đại hơn, uy lực mạnh hơn được đem ra sử dụng. Các pha đọ súng liên tục diễn ra trên các con phố, giữa các tòa nhà và đặc biệt là ở khu vực Corporate Plaza, nơi các tập đoàn đặt cao ốc văn phòng của họ. Cuộc chiến này khiến cư dân Night City hoảng hốt tháo chạy khỏi thành phố để tránh bị bắn hạ bởi drone, nghiền nát dưới bánh xích xe tăng hay đơn giản là ăn đạn lạc.
Với sự cố gắng của các chính phủ, cuộc chiến này phần nào bị dập tắt ở các nơi khác trên thế giới, trừ Night City. Tại đây, các lực lượng của hai tập đoàn là Arasaka và Militech vẫn đang đụng độ, cho đến khi một đội đặc nhiệm của Militech mang một quả bom hạt nhân vào tòa tháp đôi tổng hành dinh Arasaka Mỹ vào năm 2023. Quả bom này được cho nổ ở độ cao khoảng 365m với sức mạnh bằng 1,25 quả bom đã nổ ở Hiroshima và nó hủy diệt cả tòa tháp đôi Arasaka lẫn khu vực Corporate Plaza, gây ra một cơn địa chấn san phẳng phần còn lại của thành phố rồi làm nước biển tràn vào ngập lụt khu trung tâm. Những mảnh bê tông từ tòa tháp đôi bị biến thành nhiều tấn khói bụi, khiến bầu trời Night City đổi thành màu đỏ trong suốt gần 2 năm sau đó.
May mắn là không ít cư dân của Night City không chịu ảnh hưởng từ vụ nổ này bởi rất nhiều người đã bỏ trốn từ trước, và số còn ở lại không chịu quá nhiều phóng xạ do bom nổ trên cao và các linh kiện trong cơ thể họ giúp ngăn chặn hoặc lọc bụi và phóng xạ. Dù thành phố đã hoàn toàn biến dạng và bị phá hủy, nó vẫn còn chưa tệ hại bằng tình trạng của Rio De Janeiro. Những người còn sống sót bắt đầu chuyển vào chế độ sinh tồn, và dân thường, tội phạm hay nhân viên các tập đoàn lớn đều ở cùng một vạch khởi đầu. Cuộc đấu tranh sinh tồn này kéo dài trong nhiều năm trời, trong khi các bên tham chiến đều chịu thiệt hại: Arasaka bị tách làm ba phe phái, còn Militech bị chính phủ Mỹ hấp thụ làm chất dinh dưỡng cho quân đội của mình.
(Còn tiếp)