Thông thường phần tiếp theo của một tựa game sẽ gánh vác trách nhiệm trả lời những câu hỏi mà người đi trước còn bỏ dở. Poppy Playtime Chapter 2 cũng được game thủ kỳ vọng với vai trò như vậy, người ta đã hy vọng nó sẽ trả lời được những bí ẩn mà phần đầu tiên đặt ra. Thêm vào đó nếu đội ngũ phát triển tại MOB Games có lương tâm, biết đâu họ sẽ hé lộ thêm một vài chi tiết về thế giới trong trò chơi.
Hy vọng càng nhiều thì thất vọng cũng càng nhiều, thất vọng ở đây không phải là game dở hay thua kém so với chương 1. Rõ ràng Poppy Playtime Chapter 2 vẫn là một game kinh dị hấp dẫn, thỏa mãn được những mong muốn cơ bản như: gây sợ hãi, tạo ra cảm giác hồi hộp và đau đầu với một câu chuyện nhiều plot twist. Cái khiến người ta thất vọng ờ đây chính là số câu hỏi mà game trả lời quá ít. Trong khi đó lại đưa ra thêm một mớ dữ kiện gây thắc mắc khiến game thủ hoang mang cực độ.
Sau khi phần 1 kết thúc, người ta tự hỏi Huggy đã chết chưa, Poppy xấu hay tốt, Elliot Ludwig giờ đang ở đâu… Đến phần 2 những câu đó vẫn chưa có lời giải thỏa đáng và trò chơi lại tiếp tục tống cho chúng ta một đống thông tin để tìm hiểu như vì sao Kissy lại thân thiện như thế, cánh tay máy đó có phải của 1006 hay Playcare rốt cục là nơi quỷ quái gì. Một đống câu hỏi lại được giải đáp bằng một đống câu hỏi khác.
Có khi nào với kiểu trả lời như thế này, Poppy Playtime có thể kéo dài hàng chục chapter nữa cũng nên. Vậy chúng ta hãy thử soi một số câu hỏi lớn đã được Poppy Playtime Chapter 2 đưa ra xem chúng có gì hấp dẫn nhé!
Dàn lãnh đạo của Playtime Co. gồm những ai?
Từ bữa tới giờ chắc mọi người cũng đã bàn về cái sự xấu tốt của Poppy chán rồi nên không bàn về con búp bê đó nữa. Hôm nay câu hỏi là bộ sậu tại công ty Playtime gồm những ai? Hiện tại chúng ta có thể thấy xuất hiện 4 cái tên có ảnh hưởng quan trọng đến công ty nhưng thông tin về họ còn rất ít và chức vụ cũng mới hé lộ 2 người còn 2 người còn lại vẫn chưa rõ ràng vị trí của họ cho lắm.
Đầu tiên phải nhắc tới nhà sáng lập đồng thời là người nắm quyền cao nhất tại công ty Playtime là ngài Elliot Ludwig. Bởi vì là sếp lớn nên đây cũng là nhân vật được hé lộ nhiều thông tin nhất cho đến thời điểm hiện tại. Nếu có xem video trước (https://youtu.be/VP9TD94KiWY) thì hẳn bạn đã biết đây là một con người tài hoa và niềm say mê cao độ với công việc.
Dù không được miêu tả rõ ràng nhưng có lẽ cũng chính vì quá mải mê với công việc mà Elliot có cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Người đàn ông này sau đó còn chịu nỗi đau mất người thân nhưng vẫn kiên trì cống hiến và đưa Playtime Co. đến thành công. Sự nghiệp đáng ngưỡng mộ đấy nhưng thứ mà ông ta đang cho nghiên cứu thì chắc không ai tán thành nổi. Elliot đang bật đèn xanh cho các cuộc thử nghiệm để hồi sinh người chết và rõ ràng nó rất tệ hại về nhiều mặt.
Nhân vật thứ hai là Leith Pierre, đồng sáng lập Playtime Co. và cũng là cộng sự thân thiết của Elliot từ ngày đầu thành lập công ty. Nếu Elliot là người định hướng cho đường lối phát triển thì với vai trò trưởng bộ phận sáng tạo, Leith chính là nhân vật giúp cụ thể hóa tầm nhìn của Elliot. Leith cũng là người thu âm cho cuốn băng về quy tắc an ninh mà nhân vật chính nghe ở đầu chương 1. Theo nội dung trong cuốn băng thì có vẻ ông ta kiêm luôn quản lý vấn đề an ninh của nhà máy.
Từ giọng điệu và cách nói chuyện của Leith trong cuốn băng có thể thấy ông ta là một kẻ thông minh tài trí và rất tự tin về bản thân. Tuy nhiên có tài thì ắt có tật. Leith rất sợ bị hù dọa bất ngờ hay người Việt hay gọi một cách dân dã là bị “liệu”. Chính vì vậy công ty đã in rất nhiều poster dán khắp nơi nhằm cảnh báo tất cả mọi người rằng “không được nấp sau cửa và hù dọa Leith Pierre” cùng với những nội quy khác ở nơi làm việc.
Poppy Playtime Chapter 2 cũng có một cuốn băng VHS khác liên quan đến Leith, đó là băng màu xanh dương ghi lại cuộc nói chuyện giữa ông ta và nhân viên Marcas Brickley. Marcas quay lại lấy chiếc ví bỏ quên nên vô tình vi phạm quy định không được ở lại công ty sau 8 giờ tối. Lúc đó anh ta thấy một con quái vật trong nhà máy. Leith đã hỏi rất kỹ về việc Marcas có nhìn nhầm hay kể chuyện đó cho ai khác không. Sau khi chắc chắn rằng việc này chưa bị lộ thì Leith lập tức trấn an rằng sẽ trích xuất camera kiểm tra rồi lạnh lùng đuổi Marcas ra ngoài.
Ngoài hai sếp lớn, công ty Playtime dĩ nhiên còn những người khác trong ban lãnh đạo. Dù nhưng họ không được nhắc đến trực tiếp nhưng khi trải nghiệm Poppy Playtime Chapter 2 nếu để ý kỹ sẽ thấy một số thông tin về các nhân vật này. Rõ nhất là lúc trượt xuống cái lỗ trên nền gạch lúc Poppy bị bắt ở đầu game. Sau khi trượt khỏi ống nếu quay lại sẽ thấy trên tường có 5 cái cửa, 4 trong số đó có lắp ống trượt kèm bảng tên của người sử dụng. Những cái tên này lần lượt từ trái sang phải là Eddie M.N.R, Leith Pierre, Elliot Ludwig và Stella Greyber.
Cái tên thứ 3 chúng ta quan tâm là Stella Greyber. Hầu như không có thông tin gì rõ ràng về cô gái này. Cô ta chỉ xuất hiện trong một cuốn băng VHS ghi lại cuộc phỏng vấn xin việc và tỏ ra rất hứng thú với thế giới đồ chơi. Cô có trí tưởng tượng cũng như cái nhìn rất đặc biệt về đồ chơi nên có vẻ đã được nhận vào làm việc vì tài năng bẩm sinh này. Chính nội dung phỏng vấn trong cuộn băng đã khiến game thủ dễ bị lầm tưởng Stella chỉ vừa được nhận vào thử việc hay cùng lắm là lính quèn. Nhưng thực tế ra sao? Hãy đến khu vực ngay cạnh đoàn tàu hỏa, sẽ thấy có một standee của Kissy Missy nhưng khi ấn nút thì đó là tiếng nói của Stella.
Điều này cho thấy cô gái này đã làm công việc lồng tiếng cho một trong các sản phẩm nổi bật của công ty. Chi tiết này gián tiếp khẳng định Stella sau đó đã được nhận vào làm việc và có những đóng góp quan trọng cho sản phẩm chính thức. Trở lại cánh cửa có gắn bảng tên, có thể thấy Stella là một trong những nhân vật quan trọng của công ty Playtime. Không phải nhân viên nào cũng được lắp một đường ống trượt riêng để đi từ văn phòng xuống khu Game Station. Đặc biệt là còn được lắp đặt cạnh 2 lãnh đạo lớn nhất. Đó là tất cả thông tin của Stella, chúng ta hoàn toàn không biết Stella đang làm gì hay vai trò của cô ta trong công ty tại thời điểm thảm họa xảy ra.
Người thứ 4 như trên cánh cửa ghi là Eddie M.N.R hay có nơi còn gọi là Eddie Ritterman. Đây là nhân vật chỉ xuất hiện mỗi cái tên và không được nhắc đến thêm trong bất kỳ tình huống nào. Như vậy có thể thấy hai nhân vật sau gần như vẫn được giữ kín vai trò của họ về sự cố dẫn đến thảm họa cho Playtime Co. Có lẽ những thông tin về họ sẽ được hé lộ dần ở các chương sau. Chúng ta chỉ biết họ đóng vai trò quan trọng, vì họ là sếp và được lắp đặt đường ống riêng để di chuyển nhanh từ văn phòng xuống khu vực Game Station. Mọt rất ghét phải nói điều này nhưng mọi thứ còn lại về Stella và Eddie vẫn là ẩn số.
Ai mới là kẻ phản diện chính trong game?
Xin đọc kỹ, ai mới là phản diện chính không thì lại lầm với Poppy có phải là kẻ phản diện hay không. Đây là câu hỏi đã khiến nhiều game thủ đoán già đoán non từ chương 1. Với các thông tin được hé lộ trong chương 2 thì sự rối rắm chỉ tăng lên chứ không giảm đi và các ứng cử viên cũng thay đổi chóng mặt. Chúng ta có Elliot Ludwig khi chính ông ta là người giới thiệu Poppy và các thông tin sau đó cho thấy ông ta đứng sau thí nghiệm hồi sinh người chết. Không có kẻ nào muốn hồi sinh người chết mà có kết quả tốt hết. Không phải là người xấu thì nhân danh những thứ cao đẹp họ cũng sẽ làm cho thế giới này tồi tệ hơn.
Tất nhiên vụ con Poppy khúc cuối game suốt ngày lải nhải về việc sửa chữa những điều sai trái có thể là điểm vớt vát thiện cảm. Vì Elliot chính là người tạo ra Poppy nên nó sẽ thừa kế ý chí của ông ta, nếu nó muốn sửa chữa sai lầm gì đó thì… cũng tốt thôi. Với lại chưa có thông tin nào cho thấy về sau Elliot dính líu trực tiếp đến các thí nghiệm kinh hoàng trên cơ thể con người. Thế nên xét về mặt giấy tờ ghi chép thì ông ta chỉ mới là kẻ tàn ác với loài chuột vì trực tiếp điều hành thí nghiệm hồi sinh con chuột chết rồi bị thất bại.
Nếu Elliot bị tình nghi thì Leith Pierre làm sao thoát được. Gã này luôn tỏ vẻ thiên tài thâm sâu khó hiểu mà hễ vô mấy cái game kinh dị về quái vật thì y như rằng đám này góp công lớn nhất. Chưa kể thái độ lạnh lùng với Marcas trong cuộn băng cho thấy gã này có thái độ rất khinh bỉ với nhân loại. Tuy nhiên vì thông tin chưa đủ nên cùng lắm có thể suy ra Leith phải chịu trách nhiệm cho các thí nghiệm kinh khủng mà Playtime Co. đã thực hiện với những người sống. Còn ai đã tạo ra thảm họa khiến cả nhà máy rơi vào tình trạng hiện tại thì vẫn chưa rõ. Lại là chưa rõ, ít thông tin quá nó khổ thế đấy!!!
Vậy thì hãy đến với một cái tên mà khả năng làm trùm phản diện rất cao đi, dù vẫn có khả năng bị lật kèo phút chót. Đó là thí nghiệm 1006. Qua 2 cuộn băng mô tả về nó, chúng ta thấy 1006 là mẫu vật có trí thông minh tuyệt đỉnh và sức sáng tạo khủng khiếp. Không phải nói về khả năng chế biến máy móc mà là khả năng phỏng đoán suy nghĩ của người khác cùng những tính toán hết sức chặt chẽ của nó. Phi vụ vượt ngục đáng lý thành công lại thất bại chỉ vì sự xuất hiện bất ngờ của một nhân viên quan sát.
Khi kế hoạch thất bại nó đã không hề giấu diếm sự hung bạo của mình khi ra tay giết chết nhân viên xấu số kia. Một kẻ hung ác không đáng ngại nhưng một kẻ hung ác lại còn thông minh thì thật là khủng khiếp như Hoàng tử tội phạm của Gotham hay tiến sĩ Doom ở Latveria vậy. Theo cuộn băng ở cuối chương 1 thì có vẻ sau nhiều lần cố gắng, nó đã đào tẩu thành công và gây ra hỗn loạn trong khu nghiên cứu. Nhìn chung 1006 thích hợp nhất cho vị trí kẻ phản diện chính cho đến lúc này tuy nhiên nếu dễ đoán vậy thì không thú vị lắm, biết đâu MOB Games sẽ cho nó quay xe phút chót?
Biết là sẽ khá chán nếu lại bàn về Poppy nhưng nếu bỏ nó ra khỏi slot thì lại tội quá. Lúc này Poppy có vẻ bị xem là “rớt nài” cho vị trí phản diện chính vì nó ở trong tủ kính suốt thời gian xảy ra sự cố. Thêm vào đó con hàng này luôn líu lo về việc tìm đồng minh giúp chiến đấu để phục hồi lại nhà máy như xưa trong Poppy Playtime Chapter 2. Tuy nhiên vẫn có khả năng Poppy chính là kẻ chủ mưu cuối cùng vì nó có trí thông minh khá tốt, được tạo ra đầu tiên và phần nào đó được kế thừa ý chí của nhà sáng lập Elliot. Chưa kể vụ bị khóa trong tủ kính cũng có thể là do nó tự đạo diễn nếu nhìn vào màn gài hàng trên xe lửa cuối chương 2.
Sự xuất hiện đầy khó hiểu của Kissy Missy
Kissy Missy xuất hiện trong các poster ở chương 1 nhưng dễ dàng bị người chơi bỏ qua vì nó chỉ đóng vai trò như một phiên bản nữ của Huggy Wuggy. Tuy nhiên đến Poppy Playtime Chapter 2 nhân vật màu hồng này đã xuất hiện thực sự trong một khung cảnh rất khó hiểu. Đó là lúc người chơi bị kẹt ở một cánh cửa, Kissy Missy đã xuất hiện ở bên kia nơi có cần gạt mở. Nó nhìn người chơi một lúc rồi quay sang nhìn cần gạt. Có vẻ đã hiểu điều gì xảy ra nó đưa tay kéo nhưng bị tuột ra, phải đến lần thứ 2 mới kéo được cần điều khiển. Khi cánh cửa dần dần mở ra thì nó nhìn người chơi lần nữa rồi quay lưng đi vào dãy hành lang.
Khung cảnh này khiến người chơi thực sự bối rối vì ở phần trước bị phiên bản nam của nó rượt chạy suýt chết sao lần này lại thân thiện vậy? Liệu Kissy Missy có cùng phe với Mommy Long Legs? Nhưng quan trọng hơn Kissy Missy là ai? Nhiều người chơi cho rằng chính Stella Greyber đã bị dùng làm vật thí nghiệm và biến thành Kissy Missy. Có 2 chi tiết ủng hộ điều này. Đầu tiên là giọng của Stella được lồng cho standee Kissy Missy ở ga xe lửa.
Thoạt đầu cứ nghĩ rằng nhà sản xuất dùng cùng một diễn viên lồng tiếng cho 2 nhân vật. Điều này thường gặp ở các dự án kinh phí thấp nhưng đến chi tiết thứ 2 thì rõ ràng là sự cố ý. Kissy Missy có màu chủ đạo là màu hồng. Trong khi đó cuộn băng phỏng vấn xin việc của Stella Greyber cũng có màu hồng. Đó có thể là một gợi ý nhỏ của NSX về sự liên quan giữa 2 nhân vật này. Chưa kể có một vài sự tương đồng về tính cách giữa Stella và Kissy Missy. Mặc dù không quá rõ ràng nhưng bạn có thể cảm nhận được.
Cuối cùng sự xuất hiện kỳ lạ của Kissy Missy và những hé lộ cuối game của Poppy về những kế hoạch sắp tới để “sửa sai” cho nhà máy có thể là thông điệp cảnh báo rằng vẫn còn một phe khác trong nhóm các sinh vật đồ chơi tại nơi đây. Huggy thì khỏi nó, nó hết thuốc chữa rồi. Mommy thì kiềm chế tốt hơn nhưng bà ta cũng bắt đầu phát điên khi nhân vật chính phá luật. Nhưng Kissy cho thấy không phải tất cả mọi sinh vật đều có thái độ thù địch và muốn tiêu diệt người chơi như ý muốn của kẻ nào đó đang nắm trùm nhà máy.
Người chơi là ai? Thông điệp khi hồi sinh là gì?
Phân tích các thông tin được cung cấp trong game từ đầu đến giờ, có lẽ người ta cũng phải cảm thấy lấn cấn về nhân vật do chính bản thân điều khiển. Anh là ai? Anh không có tên. Anh đang làm gì? Chả biết, chỉ thấy nhận được cuộn băng là cắm đầu quay về nhà máy liền, dù nghe cái mùi âm mưu nó bốc lên nồng nặc. Nhân dạng anh ra sao? Chịu vì qua hai chương rồi mà trong game chớ hề thấy một tấm gương nào có thể dùng soi mặt để xem nhân vật chính là Hyun Bin hay Ma Dong-seok. Rất nhiều thứ chưa rõ về tay cựu nhân viên Playtime Co.
Như thông tin ban đầu, cuộn băng và lá thư được gửi kèm thông điệp những nhân viên biến mất năm xưa thực ra vẫn ở tại nhà máy suốt thời gian qua. Nhưng thế giới mấy tỷ người, gửi ai không gửi lại gửi cho nhân vật chính? Hay tay nhân viên này có cái gì đó đặc biệt để được đích danh lời mời gọi? Một điều khó hiểu khác là trong sự cố năm xưa, tất cả nhân viên đều biến mất. Ở đâu lại mọc ra một tay cựu nhân viên như thế này? Anh ta nghỉ việc trước khi sự cố xảy ra nên thoát nạn hay người này năm xưa một mình thoát khỏi sự cố và mai danh ẩn tích?
Cuối cùng, mỗi khi bạn bị game over lại có một câu nói không rõ ràng của ai đó vang lên và kết thúc bằng hai từ “Get up!!!” (Đứng dậy đi). Đây có thể là màn chuyển cảnh reset lại game nhưng cũng có thể là dấu hiệu cho thấy người này có khả năng bất tử. Con người thì không bất tử nhưng nếu đặt trường hợp đây là một món đồ chơi thì mọi sự lại vô cùng dễ hiểu như đã từng phân tích trong video trước. Cũng với góc nhìn này, món đồ chơi thành công nhất khi sở hữu ý thức như một con người, bị gọi về nhà máy giải quyết ân oán năm xưa thì không có sự ngẫu nhiên nào ở đây cả.
Nếu bạn cho rằng ý tưởng điên rồ này thiếu căn cứ thì hãy xem một thứ khác khiến chính Mọt cũng cảm thấy khó hiểu. Đó là trong cuộn băng cuối chương 1 nói về mẫu vật 1006. Cuối đoạn băng nhà khoa học đã nói một câu rất khó hiểu: “I’m not worried about myself. One breakthrough and I’ll be back.” (tạm dịch: Tôi chẳng lo lắng cho bản thân đâu. Chỉ cần một cú đột phá thì tôi sẽ trở lại). Theo cách hiểu thông thường thì vị này có khả năng sống lại sau khi bị giết bởi sự cố tại nhà máy đang xảy ra phía sau lưng của ông ta kèm theo tiếng la hét lúc đang ghi âm đoạn băng.
Từ đây, chúng ta có thể đưa ra một giả thuyết rằng các nghiên cứu của Playtime Co. đã đạt đến mức giúp một người có thể sống lại sau khi bị giết chết. Nó cũng khớp với thí nghiệm ban đầu mà Elliot Ludwig theo đuổi với màn bỏ xác chuột vào dung dịch hoa anh túc. Như vậy hoàn toàn có căn cứ khi tin rằng nhân vật chính, một cựu nhân viên tại Playtime Co. có thể từng trở thành vật thí nghiệm cho phương thuốc hồi sinh và thành công. Nhưng vì lý do gì đó mà thanh niên này bị sa thải và rời công ty trước khi xảy ra sự cố khiến mọi người mất tích.
Nhân vật chính cố gắng quên đi quá khứ hoặc bị mất ký ức trong thời gian trở thành vật thí nghiệm nên vẫn sống bình thường suốt ngần ấy năm. Chỉ đến khi “thế lực hắc ám” hoặc “liên minh lương thiện” nào đó cảm thấy đây là lúc để tiến thêm một bước nên mới gửi cuốn băng kèm lá thư kích thích trí nhớ khiến anh ta buộc phải quay về công ty Playtime để tìm lời giải đáp cho mọi câu hỏi. Đó cũng là lúc mọi chuyện bắt đầu và cái đống câu hỏi đó đến giờ vẫn chưa được giải đáp, thậm chí có xu hướng bành trướng với một đống nghi vấn mới.
Đó là một số câu hỏi chưa có lời đáp mà Mọt cho rằng quan trọng và hấp dẫn khi phân tích về những điều bí ẩn trong thế giới Poppy Playtime. Trong những phần game sắp tới có thể sẽ hé lộ thêm nhiều thông tin hữu ích dần làm rõ các bí ẩn này. Những nhận định trên có thể được chứng minh là đúng, hoặc sai trong tương lai nhưng giờ đây chúng là những gì chúng ta có thể tìm tòi và suy luận ra. Bạn còn phát hiện chi tiết bí ẩn và hấp dẫn nào khác trong game? Hãy cùng chia sẻ trong phần bình luận nhé!