miHoYo: Wibu công nghệ giải cứu thế giới

miHoYo là một trong những cái tên lớn trên thị trường game hiện nay, chắc chắc ít ai biết họ cũng từng có một quá khứ đen tối và vất vả.

Thời sơ khai của miHoYo

Ngày xưa có một cậu trai trẻ tên Thái Hạo Vũ, vốn là sinh viên của đại học giao thông Thượng Hải, đã học giỏi mê game lại còn là otaku toàn thời gian. Vào năm 2009, Thái Hạo Vũ sau khi thi đậu nghiên cứu sinh bậc thạc sĩ bắt đầu mày mò học cách thiết kế trò chơi trên web. Với tư chất của học bá, anh giành giải nhất cuộc thi thiết kế web game trên Adobe Flash năm 2010 với trò chơi Sa Bà Vật Ngữ hay Legend of Saha. Đáng nể hơn là trò chơi được dựa theo tiểu thuyết “Truy tìm quyển ghi chép tận thế” do chính anh sáng tác.

Thành công bước đầu giúp Hạo Vũ tự tin hơn khi chiêu mộ hai người bạn cùng trường có sở thích làm wibu giống mình là Lưu Vĩ và La Vũ Hạo thành lập nhóm nhỏ để cùng nhau phát triển game. Đây cũng chính là tiền thân cho đế chế miHoYo hùng mạnh sau này. Sau nhiều ngày làm việc, tựa game đầu tiên của nhóm ra mắt mang tên   và được phát hành trên điện thoại vào tháng 28 tháng 9 năm 2011.

Lại nói tiếp, vì truyền thống của xứ tỷ dân là phát triển trò chơi theo hướng cực kỳ trau chuốt về cốt truyện và thiết lập nhân vật. Thế nên studio non trẻ của Thái Hạo Vũ cũng xây dựng những đứa con tinh thần của mình theo hướng này. FlyMe2theMoon tuy là một tựa game tương đối thú vị, nhưng giữa khu vườn trăm hoa đua nở của game mobile, sản phẩm của ba anh thanh niên chưa đủ để đưa những người sáng lập đến với thành công.

Lý do là vì thời đó, các tựa game trên thiết bị di động vẫn còn rất hạn chế. Với một nhóm gồm ba quý bửu chưa trải sự đời dĩ nhiên sản phẩm làm ra chưa tìm được hướng phát triển phù hợp để đáp ứng được nhu cầu của người chơi. Họ vừa muốn có một cốt truyện sâu sắc vừa muốn thiết lập nhân vật đa dạng để người chơi khám phá, nhưng rốt cuộc cả hai đều không đạt đến đỉnh cao như mong đợi. Đó là chuyện thường tình với các studio còn thiếu kinh nghiệm.

Thất bại đầu tiên không làm Thái Hạo Vũ cùng các đồng đội nản chí, họ tiếp tục rèn luyện tay nghề để chờ thời và bước ngoặt đầu tiên đến với các otaku trong năm 2012.

Những viên gạch đầu tiên

Cụ thể trong quá trình nhìn nhận lại thất bại của FlyMe2theMoon, cả ba nhận ra nếu cứ phát triển và sáng tạo theo ý kiến chủ quan của bản thân thì sớm muộn cũng phá sản. Cái khó ló cái liều, theo đúng phong cách của của pháp sư Trung Hoa, họ quyết định đi copy vì rõ ràng con đường đó sẽ đơn giản, tiết kiệm kinh phí và cũng dễ thành công hơn. Thế là cái tên miHoYo cùng tựa game bắn súng wibu mang tên Zombiegal Kawaii được ra mắt vào năm 2012.

Quán triệt tư tưởng tăng xin, giảm mua, tích cực cầm nhầm, nhân vật chính trong Zombiegal Kawaii là cô nàng Kiana của FlyMe2TheMoon. Nhiều người đến nay vẫn thắc mắc Zombiegal Kawaii được xào nấu từ những game nào thì nghe thiên hạ đồn nó được kết hợp từ lối chơi của nàng phù thủy Bayonetta và tạo hình nhân vật Kiana được tham khảo từ bộ phim hoạt hình Shin Seiki Evangelion.

À dừng xíu để tôi giải thích dùm Michos cái đã. Đối với Thái Hạo Vũ, đạo sĩ hay bắt chước không hề xấu, ngược lại đây là điều khá cần thiết với bối cảnh kém phát triển của làng game xứ gấu trúc thời điểm bấy giờ. Nói đơn giản thì nó giống với việc bạn đọc văn mẫu và tìm thấy linh cảm để viết lại một bài văn hay nhưng có nét giống giống bản mẫu vậy. 

Thế nên miHoYo cảm thấy đó cũng là cách hợp lý để họ cạnh tranh với những tựa game trong nước. Với những người có liêm sỉ, làm như vậy rõ ràng là một con đường hắc ám hết chỗ nói. Nhưng nếu bạn có xem video về việc tại sao các pháp sư Trung Hoa thích đạo nhái mà tôi làm trước đây. Hẳn bạn sẽ hiểu với người dân Trung Quốc, đạo nhái là cái gì đó hết sức bình thường khi mà đồ pha ke thì nhan nhản, còn chôm chỉa thậm chí đã trở thành một hệ tư tưởng.

Và thực tế đã chứng minh, con đường đó miHoYo chọn là đúng khi Zombiegal Kawaii đã mang lại những thành công nhất định. Ít nhất doanh thu từ các nhà phân phối trả về cũng đủ để ba chàng cựu sinh viên không phải đóng cửa công ty sau vài năm khởi nghiệp. Kiếm được lợi nhuận từ Zombiegal Kawaii, miHoYo bắt đầu lên kế hoạch phát triển thêm những trò chơi khác. Thế là sau một thời gian đạo nhái, ý tôi là học tập, Guns Girl Z chính thức trình làng vào năm 2014.

Có kinh nghiệm từ những lần trước, kỹ năng biến đồ người ta thành đồ nhà mình của miHoYo càng lúc càng thành thạo. Nhưng không giống với các đạo sĩ thất đức, miHoYo đã tu thành chính quả khi học tập tinh hoa từ những tựa game khác một cách có chọn lọc. Họ còn rất có tâm khi đầu tư công sức để biến nó thành một phiên bản hoàn chỉnh hơn của game gốc. Vậy nên khi Guns Girl Z ra mắt, nhiều người nói sao trò chơi này thấy quen quen nhưng giống tựa game nào thì họ trả lời được.

Sau đó chính là series game Honkai, game này chắc tôi không phải nói nhiều nữa vì từ lúc Honkai bùng nổ thì tiểu sử hắc ám của miHoYo đã được nhiều người nắm rõ lắm rồi. Quả thật không ai có thể tin một studio do ba sinh viên thành lập lại có thể đi xa đến như vậy. Cái này là tôi đang đánh giá miHoYo thật lòng, chứ không có chút mỉa mai nào ở đây cả. Tôi cảm thấy miHoYo cũng phải giỏi lắm mới có thể làm được như thế.

Đến năm 2015, sự thành công của miHoYo bị đe dọa khi thị trường game mobile bắt đầu bị những ông lớn dòm ngó. Trước thời điểm đó, nhưng đại gia ngành game Trung Quốc như Sohu, Netease, Tencent… vốn chưa quan tâm nhiều đến miếng bánh di động vì doanh thu không đáng kể so với mảng game truyền thống. Tuy nhiên theo sự thay đổi của xu hướng chơi game, mảng di động bắt đầu ăn nên làm ra khiến các ông lớn không thể đứng ngoài nữa. 

Đối đầu thách thức

Thách thức đầu tiên cho Michos đến từ Vương Giả Vinh Diệu, tựa game MOBA huyền thoại của đại gia 10xu. Làm một phép so sánh cho dễ hiểu thì giống như Liên Quân ở xứ ta, bên nước bạn thời điểm đó không ai có thể từ chối Vương Giả Vinh Diệu. Lý do quá dễ hiểu, so với miYoYo vừa thành lập năm 2012 thì 10xu là lão đại của làng game xứ gấu trúc bao nhiêu năm rồi. Vì đã có danh tiếng từ trước nên những tựa game của Tencent khi ra mắt đều được hưởng ứng và quảng bá một cách mạnh mẽ.

Trước thách thức này miHoYo đã làm gì? Đầu hàng thì chắc chắn là không rồi vì nếu họ bỏ cuộc vào thời khắc đó thì chúng ta đã không có Genshin Impact như bây giờ. Lại nói sự hùng mạnh của 10xu kèm theo cơn lốc Vương Giả Vinh Diệu cuốn phăng tất cả, khiến mọi hãng làm game mobile vào thời điểm đó đều nghĩ, muốn thành công thì nên làm game MOBA hoặc nhanh hơn là copy lại con game của Tencent. Tuy nhiên miHoYo lại tỉnh táo nhận ra, họ không thể làm như thế.

Ban lãnh đạo công ty cho rằng nếu muốn cạnh tranh với Vương Giả Vinh Diệu bằng cách copy thì không đời nào miHoYo có thể vượt qua được cái bóng quá lớn của Tencent. Bản thân hai công ty đều đến từ Trung Quốc nên bộ sậu hai bên cũng quá rành đối phương sẽ làm gì nếu mình cả gan đi copy. Cuối cùng Michos quyết định mạo hiểm khi vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch phát triển series Honkai theo định hướng đã đề ra. Vậy là Honkai Impact 3rd với đồ họa 3D cùng cơ chế chiến đấu hấp dẫn ra đời vào năm 2016.

Những tưởng Honkai Impact 3rd sẽ thành công rực rỡ nhưng hóa ra lại thành đúng người sai thời điểm. Lúc đó smartphone có cấu hình đủ sức gánh đồ họa của Honkai 3 không nhiều. Muốn chơi cứ phải bật giả lập nhưng đó rõ ràng không phải mong muốn của miHoYo. Họ muốn tạo ra một sản phẩm để chiếm lĩnh thị trường game di động chứ không phải mò lên PC để tranh ăn với các lão quái vật khác. Cứ tưởng đâu Honkai 3rd là dấu chấm hết cho tham vọng của Thái Hạo Vũ nhưng ở đời biết đâu bất ngờ.

Khi mọi người đều cho rằng miHoYo sẽ chìm thuyền vì Honkai 3rd, không ai ngờ đến chính việc đi ngược số đông này lại làm công ty có chỗ đứng khá ổn định trong lòng một bộ phận không nhỏ game thủ. Kiểu game mà miHoYo nhắm đến sở hữu đồ họa nặng đô và cũng khó tiếp cận nên những ông lớn không thèm làm vì quá mạo hiểm. Trong khi các công ty nhỏ không làm nổi vì chi phí đầu tư quá cao. Tự nhiên khu vực này biến thành đất riêng để miHoYo tha hồ khai phá mà không sợ ai làm phiền.

Một bước thành danh

Đến thời điểm này, ta có thể thấy miHoYo đã định hình được phong cách đặc trưng của hãng là copy  một tựa game nổi tiếng, sau đó phát hành và dùng lợi nhuận thu được để phát triển một tựa game mới. Đây là điều được chính nhà sáng lập Thái Hạo Vũ chia sẻ khi nói về thành công của Guns Girl Z trong một buổi phỏng vấn từ năm 2014. Thậm chí có thể thấy, Hạo Vũ còn xem đó là định hướng phát triển tối ưu nhất dành cho một công ty còn non trẻ như miHoYo.

Lý thuyết có vẻ ổn nhưng thực tế, quyết định này khiến danh tiếng của hãng có chút đi xuống vì phần lớn kinh phí đều được dùng để tạo ra các phần khác của vũ trụ Honkai. Về cơ bản một công ty game nếu muốn phát triển phải liên tục đổi mới để thu hút người chơi, việc cứ tiếp tục bám lấy danh tiếng của series Honkai chẳng khác nào một con dao hai lưỡi, nhất là khi người chơi đã bắt đầu chán với cốt truyện và những giả thuyết của tựa game.

Đây cũng là thời điểm miHoYo có dấu hiệu xuống sức, nhất là khi game thủ bắt đầu mê mẩn thế loại game mạng xã hội để có thể kết nối và giao tiếp với nhau. Để tiếp tục phát triển, miHoYo bắt đầu nghĩ đến một tựa game thế giới mở. Nơi người chơi có thể giao tiếp, mạo hiểm cùng nhau và nhất là không dễ dàng bị đối thủ ăn theo. Và thế là Genshin Impact ra đời nhưng vào thời điểm năm 2017, nó vẫn còn mang mật danh Honkai Impact 4.

Chính Thái Hạo Vũ đã thẳng thắn thừa nhận game lấy cảm hứng từ Legend of Zelda của Nintendo, Grand Theft Auto và Divinity: Original Sin của Naughty Dog. Ban đầu, nhóm phát triển Genshin chỉ có 150 người, nhưng sau khi nhận ra họ không thể nào phát triển một tựa game thế giới mở với số lượng ít ỏi đó, miHoYo đã tăng số lượng lên 300 vào năm 2019 và 500 vào năm 2020. Và bùm, Covid-19 xảy ra khiến mọi thứ đảo lộn, bao gồm dự án Genshin.

Mãi đến ngày 28 tháng 9 năm 2020, Genshin Impact chính thức ra mắt cộng đồng game thủ và tạo ra tiếng vang đến tận ngày hôm nay. Và bạn có biết trước khi Genshin Impact ra mắt, miHoYo cũng từng phát triển một game otome tên Tear of Themis nhắm đến thị trường nữ giới, nhằm tiếp bước thành công của những game otome ăn tiền như “Mystic Messenger” hay “Love and Producer” không?

Đương nhiên, miHoYo không chỉ dừng chân ở mỗi ngành game mà còn định mở rộng sang mảng khoa học kỹ thuật máy tính để nghiên cứu phát triển nhiều thứ mà nghe tên chúng ta cũng không hiểu họ đang nghiên cứu cái quái gì nữa. Ví dụ như dự án xây dựng giao diện não-máy tính chẳng hạn, đó là cái quỷ gì vậy? Dựa trên lịch sử đầu tư của đám otaku công nghệ này, trong tương lai miHoYo đột nhiên công bố tựa game thực tế ảo kiểu như No Game No Life tôi cũng sẽ không ngạc nhiên lắm.

Tương lai sau này

Có thể thấy, miHoYo ban đầu chỉ là một studio nhỏ được thành lập bởi 3 sinh viên đam mê anime, nhưng nhờ những định hướng hợp lý dù có hơi tà đạo, họ đã vươn lên trở thành công ty game có vị thế nhất định ở Trung Quốc. Bạn nào chê wibu mà cũng có thể thống trị ngành game hay sao thì vui lòng nhớ rằng wibu this wibu that vì đại học giao thông Thượng Hải là một trong những trường thuộc top đầu của xứ tỷ dân chứ không phải mèo chó gì cũng vào học được đâu.

Một điểm khác khiến thôi thích miHoYo là vì sự thân thiện. Ta có thể thấy các tựa game đến từ những ông lớn như Tencent hay Netease đều phải mất một thời gian mới có phiên bản tiếng Anh hoặc tệ hơn là không có. Đơn giản thị trường Trung Quốc quá lớn, làm tốt ở nội địa là doanh thu ăn mãi không hết. Không hiểu tiếng Hoa thì ráng mà học để chơi game đi chứ kêu ca cái gì. miHoYo không thượng đẳng như vậy, game của họ đều có tiếng Anh và gần gũi với người chơi quốc tế hơn rất nhiều.

Đương nhiên khi miHoYo thành công thì cộng đồng game thủ xứ gấu trúc cũng rất hay gáy đi theo con đường đạo sĩ tu tiên mới là chính phái. Genshin Impact đạo nhái Legend of the Zelda thì đã làm sao, hãy xem tựa game nào kiếm lại doanh thu khủng hơn cho nhà sản xuất đi. Một bộ phận khác thì cảm thấy hả hê vì nước nhà cũng sở hữu một tựa game làm rúng động toàn cầu, chấn động năm châu, trả được mối thù lúc nào cũng phải cắn răng chơi game wibu chất lượng cao từ Nhật Bổn.

Tất nhiên có hâm mộ thì cũng có anti, cộng đồng này cũng đông không kém vì họ không thích đạo sĩ, hay đơn giản hơn là vì họ ghét các fan toxic của miHoYo. Ân oán tình thù đó lại là một câu chuyện dài rất dài nên có gì chúng ta hẹn gặp trong tương lai nếu có điều kiện nhé. Còn bản thân miHoYo cũng có kế hoạch cho những tựa game khác sẽ được ra mắt trong tương lai, chẳng hạn như Honkai: Star Rail và Zenless Zone Zero.

Không biết con đường học tập và phát triển này có thể đưa miHoYo đi được xa đến đâu, nhưng với những gì đã làm trong quá khứ, tôi nghĩ có đủ cơ sở để tin vào những thành công của họ trong tương lai. Giờ thì video cũng tương đối dài rồi nhỉ? Thôi thì xin chào và hẹn gặp lại các bạn trong những video sau nhé, bye bye~

Theo dõi Kênh Tin Game để không bỏ lỡ những bài viết hay về game nhé