, trong số đó có không ít trò chơi vẫn còn được tiếp tục phát triển cho tới ngày hôm nay. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng điểm qua một vài cái tên đáng chú ý nhất.
Tekken 3
Tekken 3 có thể nói là một trong những tựa game đối kháng hay nhất trên PS1 với đồ họa đột phá so với hai phiên bản trước cùng dàn nhân vật đông đảo và được thiết kế đặc trưng chứ không trùng lặp như nhiều trò chơi cùng thể loại khác. Sàn đấu 3D cho phép nhân vật có thể lách sang hai bên để tránh đòn cũng là một điểm mới lạ thu hút game thủ vào thời bấy giờ.
Resident Evil Series
Cũng giống như Winning Eleven, trong những năm tháng đầu đời của mình, Resident Evil ở Việt Nam đã được thay tên đổi họ thành "biệt đội alpha" - một cái tên mà đến thời điểm này người viết đã quên mất nguồn gốc ra đời. Bước chân vào các quán PS1 thời đó, không hiếm để bắt gặp cảnh các chú nhóc bâu quanh một "đàn anh" lớn tuổi hơn để xem Resident Evil chứ không dám tự chơi vì... sợ.
Thành công của ba phiên bản Resident Evil đầu tiên đã chắp cánh cho sự ra đời của phiên bản với lối chơi mang tính cách mạng - Resident Evil 4 dành cho PS2. Pha trộn hài hòa giữa hai yếu tố hành động và kinh dị, Resident Evil 4 đến nay vẫn đóng vai trò như một tượng đài khó lòng bị thay thế khi nhắc đến thể loại survival horror.
Bóng Nhật 3
20 năm về trước, khái niệm Pro Evolution Soccer hay Winning Eleven vẫn còn được rất ít người biết đến, và thay vào đó để chỉ trò đá bóng trên PS1 game thủ Việt thường dùng cái tên gần gũi hơn là "bóng Nhật". Phổ biến nhất vào thời đó có lẽ phải kể đến "Nhật 3" hay "Siêu sao 99". Mặc dù chưa có hệ thống câu lạc bộ đồ sộ như PES hiện nay và chỉ giới thiệu một số lượng đội tuyển quốc gia hạn chế, thế nhưng những trận bóng Nhật 3 vẫn luôn là tâm điểm của các quán PS1 hiếm hoi vào thời đó.
Những game thủ có tuổi chắc chắn vẫn chưa quên sự bá đạo của tuyển Brazil hay những câu bình luận bằng tiếng Nhật nghe rất hài hước của tựa game này.
Mega Man X4
Độ nổi tiếng của series Mega Man thì không cần phải bàn cãi thêm nữa. Hình ảnh đẹp, nhạc nền hấp dẫn, lối chơi dễ nắm bắt là những ưu điểm khiến cho dòng Mega Man được cả các cậu choai choai mới lớn lẫn bộ phận trẻ em nhi đồng ưa thích.
Phiên bản nổi bật nhất trong dòng Mega Man X có lẽ phải kể đến Mega Man X4 - tựa game duy nhất sở hữu những đoạn cắt cảnh được xây dựng thành anime hoàn chỉnh thay vì các đoạn hội thoại khô cứng. Game cũng có sở hữu độ cân bằng hợp lý nhất trong series, với tất cả các món vũ khí của X lẫn Zero đều có sự hữu ích nhất định chứ không bị tình trạng "bên trọng bên khinh" như các phiên bản khác.
Onimusha Series
Bước sang thời kì PS2 khi những cái tên đình đám như Devil May Cry chưa đạt đến độ chín hay God of War thậm chí còn chưa ra đời thì Onimusha từng là cái tên được rất nhiều người ưa thích. Dòng game hành động chặt chém này lấy bối cảnh thời chiến quốc loạn lạc ở Nhật và cho người chơi sẽ vào vai những Samurai nghĩa hiệp dùng sức mạnh huyền bí của quỷ dữ để chống lại chính thế lực đen tối đang âm mưu thống trị thế giới này.
Gameplay của Onimusha cũng xếp vào hàng cực kì thử thách, thậm chí còn khó chơn cả Devil May Cry - series lừng danh khác cũng do Capcom phát triển, bởi người chơi thường xuyên phải đối mặt với số đông kẻ thù cùng lúc, chưa kể còn rất đa dạng về chủng loại. Chiêu thức "bá đạo" nhất trò chơi với khả năng dẹp loạn thì lại đòi hỏi timing cực kì chuẩn xác mới thi triển được, và với số đông game thủ thì nó nghiêng về phần may mắn nhiều hơn.
Final Fantasy Series
Final Fantasy thực tế đã nổi tiếng ngay từ thời của NES và SNES, dù vậy ở Việt Nam thì phải cho đến các phiên bản trên PlayStation 1 dòng game JRPG huyền thoại này mới có dịp khẳng định bản thân. Thật khó để tìm ra một game thủ thuộc thế hệ 8X hay 9X đời đầu nào không biết đến Final Fantasy VII, VIII, IX và X bởi chúng quả thực là những tựa game nhập vai gần như không có đối thủ cả về mặt gameplay lẫn cốt truyện.
Ngay chính hãng phát hành Square Enix cũng phải thừa nhận rằng 4 phiên bản nói trên đã đánh dấu thời kì hoàng kim của dòng Final Fantasy, và hiện tại họ vẫn đang rất vất vả tìm cách vượt qua cái bóng quá lớn ấy với Final Fantasy XV.
Đua xe thú
Nói Chocobo Racing thì nhiều game thủ còn phải gãi cằm suy nghĩ, nhưng nếu sử dụng tên Việt hóa là "đua xe thú" thì chắc hẳn ai ai cũng sẽ phải thốt lên "À! Là trò đó!". Tiếng là đua xe thế nhưng để chiến thắng trong tựa game này thì người chơi cần sự khôn ngoan trong việc chọn item và một chút may mắn nhiều hơn là kĩ năng điều khiển xe.
Sấm sét, lửa, băng, tăng tốc, khiên bảo vệ... có rất nhiều item cùng kĩ năng mà game thủ có thể lựa chọn để phối hợp trong Chocobo Racing để trở thành người cán vạch đích đầu tiên thay vì bị triệt hạ giữa đường đi. Một tựa game quá vui khi chơi cùng với lũ bạn tinh ranh cùng khu phố.
(Còn tiếp)