Thời gian gần đây, cộng đồng mạng đã xôn xao vì bài post chửi bới đầy hằn học và thiếu văn hóa đến từ tài khoản cá nhân của nghệ sĩ Đức Hải, người giữ cương vị phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn. Ngoài chức vị phó hiệu trưởng, nghệ sĩ này cũng mang 2 danh hiệu khác là Nghệ Sĩ Ưu Tú và thạc sĩ chuyên ngành. Điều này cho thấy sự nghiêm trọng của vấn đề mà tất cả đều xuất phát từ một hành động của một tài khoản cá nhân.
Rõ ràng bất kể những giải thích đầy éo le của khổ chủ từ việc cho rằng nick bị hack sau đó lại đính chính là con nuôi dùng để nghịch phá. Tuy nhiên kết quả cuối cùng thì các bên đều xác định chính nghệ sĩ Đức Hải phải chịu trách nhiệm với những gì mà tài khoản do mình đứng tên gây ra. Điều này một lần nữa gióng lên một hồi chuông cảnh báo về trách nhiệm bảo vệ tài khoản của người dùng mạng mà nhất là game thủ.
Những khó khăn trong việc bảo quản tài khoản của game thủ
Hơn ai hết, game thủ là đối tượng va chạm với việc sử dụng tài khoản thường xuyên nhất và cũng đụng chạm với nhiều vấn đề về tài khoản nhất. Nếu cư dân mạng thông thường chỉ nắm trong tay khoảng 3 – 4 tài khoản là cao (Facebook, Gmail, Zalo, Instagram) thì game thủ sẽ được cộng thêm một loạt tài khoản khác nữa như Steam, Epic, VNG, VTC Game, VTC Online, Funtap… Chính vì vậy đã nảy sinh rất nhiều vấn đề trục trặc liên quan đến việc bảo quản và giữ gìn khối tài khoản này.
Chỉ riêng việc nhớ hết mật khẩu của chúng đã là một vấn đề lớn. Không nhiều game thủ biết về những tiện ích quản lý mật khẩu như Google Password hay các công cụ bảo mật 2 lớp tránh lộ mật khẩu như Microsoft Authenticator, Code Generator của Facebook… Chính việc lúng túng này tạo kẽ hở cho việc mất tài khoản game.
Một thói quen xấu khác là tình trạng chia sẻ tài khoản thoải mái và tràn lan. Không ít trường hợp lợi dụng các bảo mật yếu của một số nền tảng mà những người mượn tài khoản đã trở mặt đổi mật khẩu rồi block khổ chủ không cho liên lạc. Nhiều cá nhân còn mạo danh dịch vụ cày thuê để cầm tài khoản sau đó "bùng" mất tăm hoặc lột trụi không chừa món nào.
Game thủ phải chịu trách nhiệm chính cho tài khoản của mình
Một số nền tảng ở Việt Nam đôi khi vì muốn giữ khách nên du di hoặc hỗ trợ cho việc dùng chung tài khoản. Tuy nhiên các nền tảng quốc tế làm khá chặt vấn đề này. Họ nhấn mạnh ngay từ đầu trong điều khoản sử dụng là không chia sẻ tài khoản dưới bất kỳ hình thức nào và GM cũng không được phép hỏi mật khẩu của người dùng.
Các nền tảng lớn đều hỗ trợ bảo mật cao và khuyến cáo không chia sẻ tài khoản
Chính vì vậy trách nhiệm của người dùng lên tài khoản của mình là rất lớn và mọi rủi ro xảy đến do bảo vệ tài khoản sơ hở đều không được hỗ trợ. Họ chỉ xử lý những trường hợp rất đặc biệt như vài vụ các bà mẹ để điện thoại cho con chơi xong thằng bé mua đồ trong game đến cả trăm triệu. Những tai nạn như vậy phải qua rất nhiều khiếu nại có khi là kiện tụng thì các nền tảng mới dàn xếp bằng cách trả lại tiền đi kèm cảnh báo sẽ không có lần thứ 2.
Cũng vì lý do đó, vụ việc của nghệ sĩ Đức Hải vừa qua chúng ta có thể thấy cách xử lý rất khớp với quy định về trách nhiệm với tài khoản cá nhân. Dù tài khoản của nghệ sĩ Đức Hải có bị hack thật hay không, dù phát ngôn đó có phải là của con nuôi ông ấy hay không, trách nhiệm cuối cùng vẫn thuộc về chính chủ vì đã không bảo vệ tài khoản của mình đúng mực.
Dựng nhiều lớp bảo mật để bảo vệ tài khoản là quyền tự vệ chính đáng của game thủ
Chỉ khác một điều game thủ để hở tài khoản thì mất tiền và item ảo hay tệ hơn là mất tài khoản thôi. Còn nghệ sĩ Đức Hải thì mất chức, một vố rất đau và một bài học kinh nghiệm quá đắng. Như thế mới thấy cái click tạo tài khoản không phải miễn phí mà nó đi kèm trách nhiệm giữa người tạo với đứa con tinh thần của mình.