Đến giờ phút này chắc cũng không thiếu anh em đã chơi bản FIFA 21 trên PS5 . Game này chỉ cần mua bản PS4, và vào store ấn nút "Upgrade" miễn phí, vậy là máy sẽ tải bản mới toanh về máy (độc lập với bản PS4), với chất lượng đồ họa cao hơn rất nhiều, và hỗ trợ thêm hiệu ứng rung và adaptive trigger trên tay cầm DualSense. Nếu đã từng trải nghiệm FIFA 21 trên hệ máy mới, hẳn anh em cũng đã biết mức độ tinh tế của những cú chạm bóng, hay đà chạy của cầu thủ ảnh hưởng ra sao khi giữ nút R2 để tăng tốc. Nhưng đối với hầu hết mọi người, kể cả đối với mình, thì ấn tượng mạnh nhất chính là chất lượng đồ họa của game, nhất là về khuôn mặt và độ chi tiết trên da, tóc và những nếp nhăn của mỗi cầu thủ:
Có thể nói, đây là bước tiến xa nhất của FIFA 21 trên PS5 so với PS4, khi lượng đa giác cũng như chất lượng của texture "vật thể" (ở đây là mô hình những nhân vật vô cùng nổi tiếng của thế giới bóng đá) mà cỗ máy của Sony có thể xử lý. Như trong những bức hình trên đây, nếu zoom cận cảnh, anh em hoàn toàn có thể nhận ra checkerboard artifact kiểu bàn cờ, vì game cũng render để giữ vững tốc độ khung hình 60 FPS lúc chơi game , ví dụ như chỗ vành tai và hàm răng của Wijnaldum chả hạn. Nhưng tạm bỏ qua hệ quả của công nghệ render hình ảnh mà rất nhiều hãng game sử dụng, thay vào đó hãy để ý tới những chi tiết như bộ tóc xoăn của Neymar hay bộ râu, chân tóc cạo của Bruno Fernandes, trông rất thật phải không anh em?
Nhắc đến mái tóc, thì không thể bỏ qua animation khi cầu thủ chạy. Có lẽ đấy là lý do mình chọn Man Utd để đá thử, chụp ảnh cho anh em, vì bộ tóc dài của Edinson Cavani là minh chứng hoàn hảo nhất của sức mạnh phần cứng có thể tạo ra một tựa game thể thao chân thực tới mức nào. Tương tự như vậy là những lọn tóc của Jurgen Klopp và Mauricio Pochettino:
Một điều rất dễ để anh em nhận ra, đó là hiệu ứng ánh sáng chiếu vào bề mặt da trên mặt và tay của cầu thủ trông rất khác so với PS4, từ đó tôn lên từng đường nét riêng của từng cầu thủ. Trong bản PS4, đôi khi nhìn cầu thủ rất "đần", vì phần cứng không tải nổi hiệu ứng ánh sáng và cái cách làn da của con người, đặc biệt là cách từng màu da khác nhau, phản ứng lại với nguồn ánh sáng ấy. Đặc biệt, với việc ứng dụng global illumination hiệu quả và chính xác hơn, ở từng khu vực của sân vận động, phụ thuộc vào nguồn sáng, góc chiếu cũng sẽ khác:
Một điểm hơi đáng tiếc, đó là cử động nhân vật của FIFA 21 trên PS5 không khác nhiều so với bản trước, vẫn có khá nhiều sai khác và chi tiết không chính xác trong cử động và va chạm. Có lẽ phải đợi đến phiên bản FIFA 22 ra mắt trong năm nay, để EA có thể nâng cấp một cách toàn diện nhất cách chơi của game. Bản này đá vẫn sướng tay, nhưng khác biệt so với FIFA 20, đối với mình, là quá nhỏ để nhận ra.
Quay trở lại câu hỏi ở tiêu đề. FIFA 21 mới chỉ là một trong những phát súng hiệu đầu tiên mở màn cho chuỗi những tựa game thể thao xuất sắc trên nền console next-gen, bên cạnh NBA 2K21 và MLB The Show. Konami bên Nhật năm ngoái bỏ cả quá trình phát triển PES 2021, chỉ ra mắt một bản nâng cấp rất nhẹ cập nhật cầu thủ gọi là Season Update, vì hai lý do, tác động của đại dịch COVID-19 đánh vào đội ngũ phát triển, và Konami muốn tập trung nhân sự để làm PES 2022 lên nền next gen vào tháng 9 năm nay, theo dự kiến.
Ở một chừng mực nhất định, mình kỳ vọng rằng next-gen không chỉ đem lại những khuôn mặt vận động viên chân thực tới từng nếp nhăn, từng chân tơ kẽ tóc, mà còn phải tạo ra được bầu không khí không thể so sánh được khi chúng ta được ngồi ở sân vận động hàng chục nghìn khán giả, cùng hò reo cổ vũ cho đội tuyển mình yêu mến, dựa vào nhiều công nghệ khác nhau, từ đồ họa tới âm thanh. Điều này giờ rất khả thi, đặc biệt là với công nghệ giả lập âm thanh vòm 360 Reality Audio hay Dolby Atmos chẳng hạn, nhưng tiếng gào thét cổ vũ, những giai điệu hàng nghìn khán giả cùng ngân nga hay nhiều thứ âm thanh khác đến giờ game vẫn chưa thể ứng dụng một cách hiệu quả, đưa trò chơi điện tử đến gần hơn với đời thực, chí ít là ở bộ môn thể thao vua.
(Tham khảo Tinhte)